Những bước đầu tiên trên hành trình mới
Học sinh lớp văn hóa- nghề của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX Văn Lãng trong giờ học lý thuyết nghề |
Kiện toàn đội ngũ và cơ sở vật chất
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – GDTX Văn Lãng được thành lập ngày 4/8/2016 theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh trên cơ sở sáp nhập Trung tâm GDTX và Trung tâm dạy nghề. Về đội ngũ, do vẫn giữ nguyên cán bộ và giáo viên cơ hữu của 2 Trung tâm cũ, nên đã nhanh chóng ổn định để thực hiện đồng thời cả 2 nhiệm vụ là dạy văn hóa và dạy nghề. Với 1 Ban Giám đốc vốn đã quen người thuộc việc, tổ hành chính và 2 tổ chuyên môn, bộ máy bước đầu đã đảm bảo tinh gọn và tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn rộng hơn nhưng chuyên sâu hơn.
Để đảm bảo các hoạt động, Trung tâm được giao sử dụng cơ sở vật chất (CSVC) của Trung tâm dạy nghề. Ở đây có đủ các phòng như phòng hành chính, phòng học văn hóa, lý thuyết nghề, phòng vi tính, nhà xưởng thực hành… Sắp tới, UBND huyện sẽ đầu tư thêm để Trung tâm thực hiện tốt chức năng của mình; cơ sở của Trung tâm GDTX cũ sẽ được huyện thu hồi để giao cho đơn vị khác sử dụng.
Ông Trịnh Văn Trí, Giám đốc Trung tâm cho biết: gọi là thành lập mới, song thực ra là sáp nhập 2 trung tâm về đội ngũ và cơ sở vật chất. Do được học tập, quán triệt tinh thần đổi mới công tác giáo dục nghề nghiệp ở cấp huyện, nên các cán bộ giáo viên nhân viên của 2 trung tâm cũ sẵn sàng trong sáp nhập và tiến hành công việc chuyên môn bình thường.
Tự tin trong hành trình mới
Bước vào năm học 2016-2017, Trung tâm xét tuyển được 50 học sinh vào học lớp 10, gấp 2,5 lần năm học trước, nâng tổng số học sinh học bổ túc THPT và Trung cấp nghề lên 91 em. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tên gọi mới “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- GDTX” có tác động tốt đến tâm lý của thanh niên. Vì vậy, không những thanh niên các xã gần Trung tâm đến học, mà thanh niên các xã xa cũng tìm đến để vừa được học văn hóa, vừa học nghề.
Em Hoàng Quốc Huy, xã Gia Miễn nói với chúng tôi:“ Theo em hiểu, mặc dù trước đây, Trung tâm GDTX cũng dạy “2 trong 1” là dạy văn hóa và dạy nghề. Nhưng bây giờ, với tên gọi mới chắc chắn việc dạy nghề sẽ được coi trọng; cùng với văn hóa chúng em sẽ được học sâu hơn về nghề và như vậy việc hành nghề sau này sẽ tốt hơn…” Ngoài 5 lớp bổ túc THPT- Trung cấp nghề tại Trung tâm, Trung tâm vẫn duy trì các lớp nghề cho 240 lao động nông thôn với các nghề như máy nông nghiệp, chăn nuôi tại các xã: An Hùng, Gia Miễn, Trùng Quán, Tân Thanh…Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường liên kết với các trường nghề trong và ngoài tỉnh để mở rộng ngành nghề theo nhu cầu của người học, trước hết là các nghề như nấu ăn, hướng dẫn du lịch, thư viện…
Đưa chúng tôi đi xem khu nhà xưởng với các máy móc, thiết bị thực hành nghề được lau chùi sạch sẽ, sắp đặt ngăn nắp, anh Lô Văn Thân, Tổ trưởng tổ dạy nghề cho biết: mặc dù một số đã được sử dụng, song do chỉ dạy nghề nông thôn với trình độ sơ cấp, nên không thể khai thác hết. Với chức năng nhiệm vụ mới của Trung tâm, những thiết bị này chắc chắn sẽ được khai thác tối đa, vì Trung tâm không chỉ dạy nghề cho lao động nông thôn, mà còn liên kết dạy nghề trình độ Trung cấp.
Ông Trịnh Văn Trí, Giám đốc Trung tâm tâm sự: sáp nhập không chỉ là sự gia tăng về lượng; lớn hơn, đó phải là sự chuyển biến về chất. Trước đây, Trung tâm GDTX đã hoàn thành tốt chức năng nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học lên của người dân; Trung tâm dạy nghề đã có đóng góp nhất định để đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng nghề. Nay sáp nhập, thành lập mới, chắc chắn sẽ phát huy tốt tiềm năng của đội ngũ cũng như CSVC, trang thiết bị hiện có để vừa nâng cao trình độ văn hóa cho thanh thiếu niên, duy trì hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng và tổ chức dạy nghề đa dạng, từ ngắn hạn đến trình độ trung cấp cho người lao động.
Ý kiến ()