Những bước đầu tiên
LSO-Để có thể đẩy lùi gia cầm giống nhập lậu, đảm bảo vê sinh, an toàn và hiệu quả trong chăn nuôi thì việc chủ động con giống tại chỗ có vai trò quan trọng. Đây cũng là vấn đề được tỉnh và các bộ, ngành trung ương rất quan tâm. Một số dự án sản xuất giống gia cầm tại chỗ từ ngân sách tỉnh và chương trình Khuyến nông Quốc gia đang được triển khai vừa qua có thể coi là những bước đi ban đầu cho việc hình thành các cơ sở sản xuất, cung ứng giống gia cầm trên địa bàn.
Tham quan mô hình tại gia trại chăn nuôi Cường Hạnh, thôn Pò Đứa, xã Mai Pha |
Theo thống kê của Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong vòng 10 năm trở lại đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Giá trị thực tế ngành chăn nuôi tăng từ gần 300 tỷ đồng lên 2,4 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm hơn 30% trong cơ cấu nội ngành nông nghiệp. Trong tổng giá trị ngành chăn nuôi thì giá trị đàn lợn chiếm hơn 73% và đàn gia cầm chỉ mức trên 10%. Trong khi đó, trong vòng 2 năm trở lại đây chăn nuôi gia cầm lại có xu hướng giảm. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến tháng 6/2014 đàn gia cầm của toàn tỉnh khoảng hơn 3,4 triệu con, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới sự biến động của gia cầm, trong đó khó khăn trong tự chủ con giống là một trong những lý do đó. Theo ước tính của Phòng Chăn nuôi thì ở mức cao nhất, các hộ chăn nuôi cũng chỉ có thể chủ động được khoảng 40% giống gia cầm. Số còn lại nhập từ các tỉnh phía xuôi và từ bên kia biên giới. Có thể nhận thấy, trong thời gian qua với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, gia cầm nhập lậu đã giảm rất sâu. Nhưng vào thời điểm bà con tái đàn, có nhu cầu cao về giống, vẫn có nhiều đối tượng tìm cách đưa gia cầm giống từ bên kia biên giới vào nội địa.
Việc hình thành các cơ sở sản xuất, cung ứng giống gia cầm trên địa bàn là một trong những giải pháp quan trọng để Lạng Sơn có thể nâng cao hiệu quả chăn nuôi và ngăn chặn gia cầm nhập lậu. Giải pháp này đã được bàn rất nhiều trong các kỳ họp của tỉnh và trong các cuộc kiểm tra, làm việc của các bộ ngành Trung ương. Cụ thể hóa hướng đi này, ngay từ đầu năm 2014, theo chủ trương của tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông, ngoài lĩnh vực trồng trọt cần tăng cường tới lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là xây dựng mô hình chủ động con giống tại chỗ. Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: hiện nay Trung tâm đang triển khai 2 mô hình sản xuất gà giống từ nguồn ngân sách tỉnh, đã chọn hộ triển khai tại Tràng Định và thành phố Lạng Sơn. Trong khi đó từ chương trình khuyến nông Quốc gia, mô hình sản xuất vịt giống cũng đã được xây dựng tại xã Đại Đồng, huyện Tràng Định. Ngoài việc được hỗ trợ về con giống, các hộ gia đình sẽ được hỗ trợ ½ kinh phí mua thức ăn và máy ấp với công suất khoảng 1 vạn trứng/lần ấp. Những hộ gia đình được chọn tham gia mô hình phải có kinh nghiệm chăn nuôi và khả năng tài chính để đảm bảo nguồn đối ứng. Mạnh dạn tăng thêm 3.000 gà đẻ trứng, nâng tổng đàn lên 11.000 con, gia trại gà đẻ Cường Hạnh tại thôn Pò Đứa, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn đã tiếp nhận và triển khai mô hình chủ động giống gia cầm của Trung tâm Khuyến nông. Chị Hoàng Thị Hạnh, chủ gia trại vui vẻ: hiện nay gia đình đã lựa chọn được loại máy ấp theo đúng yêu cầu, đàn gà hậu bị 450 con phát triển tốt, khoảng 3 tháng nữa là có thể sinh sản lứa đầu tiên. Với số lượng con giống hỗ trợ này dự kiến mỗi tháng có thể cung cấp gần 1 vạn trứng cho máy ấp. Chị Hạnh chia sẻ: nuôi gà lấy trứng thì gia đình mình đã làm từ lâu, nhưng sản xuất gà giống là hướng đi mới, nếu hiệu quả, gia đình sẽ đầu tư tăng đàn gà hậu bị để phù hợp với công suất máy ấp, khoảng 1 vạn trứng/lần ấp.
Tại xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, các mô hình sản xuất gà giống và vịt giống cũng đang có những tiến triển tốt. Ông Bế Như Thuần, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Tràng Định cho biết: rất may là cơn bão số 2 vừa qua không ảnh hưởng tới các mô hình này. Thực chất năm trước, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất xã Đại Đồng cũng đã triển khai mô hình này. Hiệu quả đã được khẳng định, gia cầm giống sản xuất tới đâu, tiêu thụ hết tới đó, nên nhân dân rất hưởng ứng. Bởi tính chất quan trọng của những mô hình đầu tiên nên cán bộ khuyến nông luôn theo sát hướng dẫn, theo dõi sinh trưởng, phát triển của đàn.
Có thể nhận thấy, tuy quy mô các mô hình chưa phải là lớn, nhưng hướng đi này nhận được sự đồng thuận từ các hộ chăn nuôi. Đây là sự khởi đầu rất tốt cho việc hình thành các cơ sở sản xuất cung ứng giống gia cầm trên địa bàn tỉnh. Không chỉ chủ động giống tại chỗ, đảm bảo chăn nuôi phát triển an toàn, hiệu quả. Sản xuất giống gia cầm còn mở ra hướng phát triển mới có nhiều tiềm năng và hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()