Những bước chạy từ niềm đam mê
Ðại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen sống của chúng ta và trong giai đoạn đó, Hà Thị Hậu không là ngoại lệ. Thế nhưng, trong khi dịch bệnh khiến công việc liên quan đến du lịch của cô bị ảnh hưởng, cô cũng đã phát hiện ra sở trường của bản thân ở bộ môn chạy bộ. Thậm chí, Việt Nam chúng ta may mắn có được một nhà vô địch ở nội dung chạy trail (chạy địa hình) và đặc biệt hơn nữa là ultra trail (chạy siêu địa hình) tại các giải đấu trong nước và quốc tế.
Hà Thị Hậu trên cung đường giải chạy siêu địa hình CCC-UTMB năm 2023. |
Cũng nhờ một giải ultra trail như vậy mà tôi đã biết được cô gái sinh năm 1989 người Lào Cai, khi lúc đó cô vẫn đang ở Pháp để chuẩn bị cho giải CCC-UTMB năm 2023 vào tháng 9 vừa qua.
Cuộc đua khắc nghiệt
CCC là viết tắt của các địa danh Courmayeur, Champex, Chamonix, UTMB là viết tắt của giải Ultra Trail du Mont Blanc. Nếu so sánh với các giải marathon thì UTMB giống như các giải World Marathon Majors danh giá và quy mô như Berlin Marathon, New York City Marathon hay Boston Marathon. Còn nếu so với bóng đá thì UTMB là World Cup của giới chạy ultra trail trên toàn thế giới.
Lịch tổ chức UTMB thường cố định vào tuần cuối cùng của tháng 8 hoặc tuần đầu của tháng 9. Ðây là giải chạy ultra trail lớn nhất thế giới với khoảng 2.400 vận động viên tham gia.
Chính vì quy mô của giải chạy và số lượng vận động viên muốn tham gia UTMB World Series (cho dù là giải chính UTMB hay một trong các giải như TDS, CCC hoặc OCC), để đủ điều kiện, người chạy cần phải hoàn thành một số cuộc đua vòng loại đầy khắc nghiệt để tích lũy đủ điểm và kinh nghiệm trước khi đăng ký tham gia qua hệ thống của UTMB World Series.
Trước khi đến với CCC-UTMB năm 2023, Hà Thị Hậu đã giành được hai chiến thắng ở cự ly 50 km của UTMB World Series diễn ra tại Thái Lan vào tháng 12/2022 và Australia vào tháng 5/2023. Và tại CCC-UTMB năm 2023, cô xuất sắc giành vị trí thứ 4 ở hạng mục nữ và thứ 34 chung cuộc với thời gian 12 giờ 38 phút 28 giây trong lần đầu tham dự.
Ðứng trước cô, nhà vô địch người Na Uy, Yngvild Kaspersen đạt thành tích 11 giờ 51 phút 22 giây, thứ 2 là vận động viên người Zimbabwe, Emily Hawgood với 12 giờ 28 phút 19 giây, trong khi vận động viên người Mỹ, Helen Mino Faukner, đứng thứ 3 với 12 giờ 38 phút 05 giây, nghĩa là chỉ nhanh hơn cô có 23 giây.
Nên nói thêm là cung đường CCC từ chỗ là “em gái nhỏ của UTMB” đã trở thành một trong những cuộc đua danh giá nhất thế giới. Như Hà Thị Hậu cho biết, cô xuất phát ở trung tâm Courmayeur tràn ngập bầu không khí lễ hội mà chỉ người Italia mới biết cách tạo ra. Sau những ki-lô-mét đầu tiên, đoàn chạy nhanh chóng leo lên độ cao 2.500m để tận hưởng phong cảnh đặc biệt, ngắm nhìn hai đỉnh Mont-Blanc và Grandes Jorasses.
Con đường đến Grand col Ferret đưa cô băng qua Thụy Sĩ, nơi cô được chứng kiến sự chào đón nhiệt tình của các tình nguyện viên La Fouly, Champex và Trient. Khi băng qua biên giới ở Pháp, cô đã được khám phá vùng Vallorcine, trước khi leo lên Vallons des Cheserys, một góc thiên đường đích thực với tầm nhìn tuyệt đẹp ra dãy Mont-Blanc. Vượt qua, cô cán đích ở trung tâm Chamonix.
Không như chạy marathon trên đường bằng, chạy trail còn được gọi là chạy đường mòn, một hình thức chạy bộ kết hợp với leo núi. Do vậy, chạy trail thông thường là ở các vùng đồi, núi, rừng, nơi có nhiều cây xanh, không khí trong lành và hầu như không có phương tiện giao thông nào. Một khác biệt nữa là chạy trail không đơn giản như chạy đường bằng vì người chạy phải có kỹ thuật, nhất là lúc downhill (xuống dốc), thể lực và khả năng thích nghi trước các yếu tố tác động như môi trường, địa hình, thời tiết.
Tuy nhiên, điều đặc biệt và ấn tượng ở Hà Thị Hậu là cô mới chỉ có ba năm luyện tập môn chạy bộ, khi cô đã 31 tuổi và đã làm mẹ của một cậu bé 4 tuổi.
Đào tạo tự nhiên
Nếu không có đại dịch Covid-19, Hà Thị Hậu có lẽ sẽ chỉ quanh quẩn ở một văn phòng du lịch chuyên đặt tour và cho thuê xe máy tại thị xã Sa Pa, nơi cô gắn bó từ năm 2010 đến nay và làm nhiều công việc khác nhau. Trước đó, cô sinh ra và lớn lên tại Văn Bàn, một huyện miền núi nằm ở phía nam tỉnh Lào Cai. Có lẽ, chính vì địa hình ở Văn Bàn chủ yếu là đồi núi cao đã giúp cô có được sức bền và sự dẻo dai.
Chẳng gì thì như Hà Thị Hậu cho biết, hồi còn đi học, ngày nào cô cũng phải đạp xe 12 km cả đi và về. Ðôi khi, cô còn phải mang theo một chiếc túi nặng. Và Sa Pa nơi cô sinh sống sau này, địa hình cũng toàn là đồi núi. Nơi bằng phẳng duy nhất là khu vực chung quanh hồ ở trung tâm thị xã. Tuy vậy, bên trong cơ thể nhỏ bé, mảnh mai của cô gái chỉ cao 1,53m này chắc chắn vẫn còn điều gì đó hơn thế nữa.
Thế nhưng, Hà Thị Hậu bắt đầu chạy trở lại chỉ vì “Tôi không làm việc. Tôi béo lên” sau khi cô từng thắng các giải chạy 3 km do Báo Lào Cai tổ chức vào ba năm 2006, 2007, và 2008 khi còn học THPT. Như đã nêu trên, đại dịch Covid-19 năm 2020 và 2021 khiến hoạt động du lịch gần như ngưng trệ trên khắp thế giới. Tháng 8/2020, cô bắt đầu chạy bộ, với cự ly khoảng 4 km quanh hồ, và cô chạy hai lần mỗi ngày để có thân hình cân đối.
Bước ngoặt trong sự nghiệp thể thao đến với Hà Thị Hậu khi cô gặp các thành viên của Sapa Runner Mountain Club. Họ rủ cô tham gia câu lạc bộ và sau đó, cô được trải nghiệm cự ly 21 km lên Séo Mý Tỷ, hồ nước nhân tạo cao nhất Việt Nam nằm cách thị xã Sa Pa khoảng 20 km. Một lần nữa, Hà Thị Hậu lại gây ấn tượng với các thành viên Sapa Runner Mountain Club, đến mức họ khuyên cô nên đăng ký tham dự giải Vietnam Mountain Marathon Sapa vào tháng 11/2020. Hà Thị Hậu thấy hấp dẫn và đăng ký ở cự ly 21 km, rồi về đích đầu tiên khi hơn một vận động viên nam người Hà Nội tới 28 phút.
Sau cuộc đua đầu tiên, Hà Thị Hậu tham dự nội dung 70 km vào tháng 4/2021 tại Mộc Châu, Sơn La (một bước nhảy vọt so với cự ly 21 km). Và cô gặp chấn thương trong cuộc đua – một vấn đề về đầu gối. Cô tiết lộ: “Tôi đã đi bộ từ cự ly 55 km cho đến khi về đích”.
Mặc dù vậy, cô vẫn giành chiến thắng và kém kỷ lục của nội dung này khoảng 20 phút.
Chính tại đó, Hà Thị Hậu cho biết cô đã gặp Guim Valls Teruel, đồng sở hữu Công ty MUDE Sports có trụ sở tại Việt Nam. Teruel rất bất ngờ trước tốc độ chạy của cô gái người Lào Cai bất chấp điều kiện thời tiết nắng nóng khi đó. Sau đấy, ông đã liên hệ với cô để xem liệu cô có quan tâm đến việc tài trợ hay không.
Hà Thị Hậu tâm sự, cô đã dành thời gian cân nhắc lời đề nghị của Teruel và sau đó viết thư cho ông. MUDE Sports trở thành nhà tài trợ của Hà Thị Hậu kể từ đó, ngoài việc cung cấp trang phục, thiết bị thể thao, họ còn có các chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên cho cô, giúp cô khắc phục những vấn đề thường gặp trong thi đấu như chấn thương, dinh dưỡng và nghỉ ngơi, cũng như mang đến cho cô những đồng đội mới. Nghĩa là trước đấy, Hà Thị Hậu chỉ chạy và chạy, không biết gì về cách sử dụng đồng hồ đo nhịp tim, ứng dụng Strava theo dõi quá trình tập luyện, UTMB là gì hay nhịp tim của mình là bao nhiêu…
Và Hà Thị Hậu đã mang sự chân thành và tài năng thiên bẩm của mình, cộng với sự hỗ trợ của chuyên gia dinh dưỡng, huấn luyện viên thể lực, huấn luyện viên chạy bộ và kinh nghiệm được ông Teruel chia sẻ… tới đấu trường thế giới. Cô đã thắng ở Giải vô địch châu Á-Thái Bình Dương 35K XTERRA tại Ðài Loan (Trung Quốc) vào tháng 4/2023, ở UTMB Australia vào tháng 5, rồi về thứ 4 giải CCC-UTMB năm 2023.
Hà Thị Hậu tâm sự, cô rất muốn đến Maine, Mỹ tham dự Giải chạy đường mòn vô địch thế giới XTERRA trong tháng 9 vừa qua, sự kiện cuối cùng của Giải vô địch thế giới XTERRA Trail Run mà cô đã vượt qua vòng loại sau khi chiến thắng ở Giải vô địch châu Á-Thái Bình Dương hồi tháng 4, nhưng giải CCC-UTMB đã vắt kiệt sức lực của cô, rồi việc xin thị thực không hề dễ dàng vì cô và đội ngũ MUDE Sports đã ở châu Âu suốt cả tháng 8 đến đầu tháng 9, cô đành lỗi hẹn với Maine.
Thực ra, nếu không phải ở Maine thì sẽ ở một nơi khác. Vì mỗi ngày với Hà Thị Hậu luôn là việc chăm chỉ tập luyện cùng với niềm đam mê chạy. Như cô nói thì “Tôi không mong rằng cuộc đua sẽ trở nên dễ dàng. Tôi chỉ mong bản thân trở nên mạnh mẽ hơn!”.
Nguồn: https://nhandan.vn/nhung-buoc-chay-tu-niem-dam-me-post777677.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()