Những “bông hoa” hai giỏi ở LĐLĐ Đình Lập
LSO- Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là phong trào xuyên suốt, trọng tâm trong công tác nữ công của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đình Lập. Hằng năm trên 88% chị em được công nhận danh hiệu hai giỏi.
LĐLĐ huyện Đình Lập có 1.640 công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ), trong đó, cán bộ nữ chiếm 60%. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của lực lượng nữ CNVCLĐ và phong trào hai giỏi, hằng năm, LĐLĐ huyện xây dựng, thực hiện kế hoạch hoạt động nữ công, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn cho chị em.
Giai đoạn 2010-2015, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, về bình đẳng giới, kế hoạch hóa gia đình… Từ năm 2010 đến nay đã tổ chức trên 1.230 cuộc cho 13.600 lượt đoàn viên nữ tham gia. LĐLĐ còn chủ động phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức nhiều đợt tuyên truyền Đề án 343 “Giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước” và “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”.
Cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Đình Lập ứng dụng công nghệ thông tin xử lý công việc
Bà Trần Thu Hương, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Đình Lập, Trưởng Ban Nữ công cho biết: việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn cho nữ CNVCLĐ đã tạo sự thay đổi về nhận thức và hành động. Các cấp công đoàn đã linh hoạt triển khai phong trào hai giỏi phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề, địa phương. Có thể kể đến trong lĩnh vực giáo dục, phong trào được cụ thể hóa thành “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” gắn với thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Nữ CNVCLĐ ngành y tế hưởng ứng phong trào theo chuẩn mực “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Hay trong lĩnh vực quản lý, nhiều chị đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, có uy tín và luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tiêu biểu như các chị Hà Thị Tuyết, chủ tịch Hội LHPN; Ninh Thu Giang, Bí thư Huyện đoàn; Trần Thị Yến, trưởng phòng Nội vụ huyện
Dù ở lĩnh vực, vị trí công tác nào, các chị em cũng không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, số cán bộ nữ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý chiếm tỷ lệ 20%; số cán bộ nữ có trình độ đại học và cao đẳng là 60%. Trong 5 năm, công đoàn đã giới thiệu cho Đảng xem xét và kết nạp gần 200 đảng viên.
Không chỉ năng động trong “việc nước”, nữ CNVCLĐ còn khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong “việc nhà”. Chị Nông Thị Pen, đoàn viên công đoàn giáo dục huyện chia sẻ: hằng năm, chúng tôi đều tham gia nhiều hội thi, buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề do ban nữ công tổ chức về phương pháp nuôi dạy con, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình… Qua đó giúp nhiều chị em được trang bị thêm kiến thức trong việc xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Đảm việc nhà không còn giới hạn trong gia đình mà còn được các chị thể hiện qua sự đoàn kết, gắn bó với hàng xóm láng giềng. Hằng năm có trên 90% gia đình nữ CNVCLĐ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, nhiều gia đình được khen thưởng “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, “Gia đình hiếu học”.
Ông Lê Văn Ý, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đình Lập khẳng định: phong trào thi đua “hai giỏi” đã tác động tích cực, trực tiếp đến đội ngũ nữ CNVCLĐ, giúp chị em khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của mình. Hằng năm có 99% nữ đoàn viên đăng ký đạt danh hiệu hai giỏi và có trên 88% chị em được công nhận danh hiệu hai giỏi. LĐLĐ huyện Đình Lập vinh dự được LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen về có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp hoạt động giữa LĐLĐ và Hội Liên hiệp phụ nữ năm 2014.
Bài, ảnh: KHÁNH TRANG
Ý kiến ()