Những bộ phim truyền hình gây ‘bão’ màn ảnh nhỏ trong năm 2017
1. “Sống chung với mẹ chồng”
Bộ phim khai thác đề tài hôn nhân-gia đình với mối quan hệ thường phức tạp giữa mẹ chồng-nàng dâu.
Ngay từ những tập đầu tiên, “Sống chung với mẹ chồng” đã thu hút sự chú ý đặc biệt của khán giả với những câu thoại gây “sốc” (như “Ai cho phép cô cưỡi lên người con trai tôi như thế, hả?”, “Vợ thì cũng chỉ là một đứa con gái xa lạ ở đẩu ở đâu về đây, không lấy đứa này thì lấy đứa khác nhưng mẹ chỉ có một thôi” …) hay những tình huống oái oăm, dở khóc dở cười (như mẹ chồng bỗng nhiên mở cửa, vào phòng con dâu trong đêm tân hôn…).
Hai diễn viên chính (Anh Dũng – vai Thanh, Bảo Thanh – vai Vân) của “Sống chung với mẹ chồng.” (Ảnh: Đoàn làm phim) Nếu như bà Bằng (nghệ sỹ nhân dân Lan Hương “Em bé Hà Nội”) khi tiễn Vân (Bảo Thanh) về nhà chồng đã dặn dò con gái phải biết nhẫn nhịn, hy sinh, yêu thương và kính trọng bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ thì bà Phương (nghệ sỹ nhân dân Lan Hương – Hương “Bông”) lại đón Vân bằng ý định phải uốn nắn, dạy bảo nghiêm khắc theo nề nếp gia đình mình.
Luôn lấy lý do “muốn tốt cho các con,” bà Phương đã can thiệp sâu vào đời sống riêng tư của các con. Từ đó, những mâu thuẫn mẹ chồng-nàng dâu liên tục nảy sinh, dần dẫn tới xung đột với những chi tiết bi hài.
Nếu như trước đây, nghệ sỹ nhân dân Lan Hương (Hương “Bông”) đóng đinh với những vai diễn người phụ nữ hiền lành, nhẫn nhịn đến nhu nhược thì ở “Sống chung với mẹ chồng,” chị có sự thay đổi hình ảnh “ngoạn mục” khi hóa thân thành một bà mẹ chồng “tai quái.”
2. “Người phán xử”
Diễn xuất của nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng góp phần quan trọng làm nên thành công của “Người phán xử.” (Ảnh: Nhân vật cung cấp) “Người phán xử”(chuyển thể từ kịch bản của Israel) xuất hiện trong bối cảnh các bộ phim về đề tài cảnh sát hình sự không có nhiều đổi mới. Trong khoảng 5 tháng phát sóng, bộ phim về thế giới ngầm với nhiều câu chuyện, tình tiết gay cấn đã gây “bão” trên truyền hình, thu hút sự quan tâm đặc biệt của khán giả.
Thế giới ngầm trong “Người phán xử” xoay quanh “ông trùm” Phan Quân – người chuyên đứng ra dàn xếp những vụ mâu thuẫn tiền bạc, tình ái, ân oán nhằm phân chia ranh giới làm ăn và kiểm soát quyền lực các băng nhóm xã hội đen.
Nhân vật Phan Quân (nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng) được khắc họa đa chiều, ghi dấu ấn mạnh mẽ với khán giả truyền hình bởi nhiều câu thoại thú vị như: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn những thứ khác, có hay không, không quan trọng” “Tiền chỉ là ảo ảnh; dù có là tỷ phú thì cũng không được tôn trọng nếu không biết tôn trọng cha mình,” “Cái chết vẫn hơn là sợ chết” …
3. “Chiều ngang qua phố cũ”
“Chiều ngang qua phố cũ” là câu chuyện về một đại gia đình Hà Nội gốc. Cuộc sống với sự gắn kết bền chặt giữa các thành viên bỗng gặp nhiều sóng gió từ từ lời phán của một ông thầy phong thủy về mộ phần của cha ông.
“Chiều ngang qua phố cũ” quy tụ nhiều diễn viên quen thuộc với khán giả truyền hình. (Ảnh: VFC) Từ những tranh cãi xung quanh việc bán đi hay giữ lại ngôi nhà do bố mẹ để lại – nơi lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ, chuyện phim cũng tái hiện những nếp nghĩ, sinh hoạt và cách ứng xử đặc trưng của người Hà Nội; trong đó, có những điều tốt đẹp, cần gìn giữ nhưng cũng có những điều đã trở nên cũ kỹ, không phù hợp với cuộc sống hiện đại và cần được cởi bỏ.
Bộ phim của đạo diễn Trịnh Lê Phong đã được trao giải Phim truyền hình nước ngoài hay nhất tại Liên hoan Phim Truyền hình Quốc tế Tokyo năm 2017.
4. “Tuổi thanh xuân – phần 2”
“Tuổi thanh xuân” (phần hai) tiếp tục kể câu chuyện tình yêu nhiều sóng gió của Linh (Nhã Phương) và Junsu (Kang Tae Oh). (Ảnh: Đoàn làm phim) Với kịch bản thú vị, dàn diễn viên đẹp và những cảnh quay ấn tượng được thực hiện ở Việt Nam và Hàn Quốc, ngay từ khi mới ra mắt lần đầu tiên vào năm 2014, “Tuổi thanh xuân”đã trở thành một hiện tượng đặc biệt của phim truyền hình Việt.
“Tuổi thanh xuân” (phần hai) lên sóng cuối năm 2016-đầu năm 2017 tiếp tục kể câu chuyện tình yêu nhiều sóng gió của Linh (Nhã Phương) và Junsu (Kang Tae Oh).
Nếu như phần một là bức tranh nhiều màu sắc về tình yêu, tình bạn của những người trẻ (với nụ cười là chủ đạo) thì đến phần hai, nước mắt của nhân vật có phần lấn át (khi họ phải đối diện với những biến cố trong cuộc đời).
5. “Thương nhớ ở ai”
“Thương nhớ ở ai” được chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng” (Dương Hướng). Một trong những lý do tạo nên sức hút của phim là việc tái hiện lại cuộc sống nghèo khó ở một làng quê Bắc Bộ (giai đoạn 1954-1975) với nhiều tục lệ, nếp sống và lối ứng xử xưa cũ.
Thông qua hình ảnh những nhân vật nữ (như Nhân, Hơn, Hạnh…), êkíp làm phim muốn khắc họa thân phận, cuộc sống chồng chất bi kịch của những phụ nữ ở nông thôn Việt Nam giai đoạn này. Trải qua chiến tranh, làng Đông trở nên vắng bóng đàn ông. Ở đó chỉ còn những người đàn bà góa bụa ngày ngày tụ tập nơi bến nước đầu làng.
Cùng với sự đeo đẳng của nỗi đau mất người thân, cuộc sống của họ còn bị trói buộc bởi những định kiến hà khắc và những hủ tục lạc hậu. Những khát khao hạnh phúc cá nhân phải chôn chặt trong lòng, những ước vọng bị đè nén, những giọt nước mắt lặn sâu vào trong…
6. “Cả một đời ân oán”
Mặc dù mới phát sóng những tập đầu tiên nhưng “Cả một đời ân oán” đã nhanh chóng tạo nên cơn “sốt” phim truyền hình mới.
“Cả một đời ân oán” là phiên bản Việt của “Cô dâu bạc triệu” – bộ phim nổi tiếng của Đài Loan (Trung Quốc) từng gây “bão” màn ảnh nhỏ châu Á. Chuyện phim xoay quanh cuộc sống của các nhân vật trong Vũ Gia – một gia đình giàu sang, sở hữu những công ty có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường.
Sóng gió bắt đầu xảy ra khi ông Quang – người đứng đầu Vũ Gia quyết định đưa cậu con riêng lên nắm giữ vị trí lãnh đạo trong công ty. Những tranh chấp, hiềm khích giữa các thành viên trong gia đình đẩy mâu thuẫn lên cao. Những hiểu lầm không thể hóa giải trong các mối quan hệ “nhạy cảm” (con chung-con riêng, anh chồng-em dâu…) khiến những người thân trong gia đình trở nên xa cách.
“Cả một đời ân oán” kéo dài 70 tập. (Ảnh: Đoàn làm phim) Một trong những điểm khác biệt của “Cả một đời ân oán”so với nhiều bộ phim về đề tài tình yêu-gia đình khác là các nhân vật được xây dựng với tính cách mạnh mẽ, rõ rệt. Họ phải đối diện và trực tiếp giải quyết những mâu thuẫn, xung đột. Ở đó, khán giả sẽ không thấy những nhân vật dĩ hòa vi quý./.
Ý kiến ()