Những bát cơm, manh áo ấm lòng
Sáng mùa đông trên núi Nàn Sín cao gần nghìn mét, sương mịt mù giăng trắng, gió thổi ù ù như xay lúa, trời rét căm căm. Mới hơn năm giờ, thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Hợp đã tung chăn, mặc vội chiếc áo bông dày cộp, quấn thêm lên cổ chiếc khăn cũ rồi đến từng phòng gọi học sinh thức dậy, chuẩn bị cho một ngày học mới. Gọi là phòng cho oách chứ thật ra là một dãy nhà dài, làm bằng gỗ rừng, lợp ngói xi-măng, được quây kín vách bằng đủ loại ván gỗ, tre, nứa, cót, vỏ thùng phuy…, rồi ngăn thành từng ô nhỏ, rộng chừng hơn chục mét vuông, với những chiếc giường tầng bằng gỗ rừng tự đóng. Đó là nơi ở của học sinh nội trú dân nuôi Trường tiểu học Nàn Sín, huyện nghèo Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai. Những đứa trẻ dân tộc Mông 6-7 tuổi, lần đầu xa nhà, xuống núi ở tập trung ngay tại trường để học đã quen với thời gian biểu ở trường, đồng loạt gấp chăn màn ngay ngắn, làm vệ sinh cá nhân, ăn bát cơm trắng trộn nước mắm lót lòng để chuẩn bị lên lớp học chữ. Ở lớp 1A, giờ học Toán đầu ngày của thầy Cương, điểm danh không vắng học sinh nào, sĩ số đạt 100%. Thầy Nguyễn Khánh Thành, Quyền Hiệu trưởng Trường tiểu học Nàn Sín cho biết, cả 14 lớp học đều đạt sĩ số trung bình là 98%, mấy học sinh vắng đều có lý do, phụ huynh đã đến trường xin phép từ chiều hôm trước.
Khoảng mười giờ, mặt trời mới loe hoe ló ra khỏi lớp sương mù đặc quánh, nhân viên văn thư kiêm 'cấp dưỡng' Nguyễn Thanh Giang, tạm dừng công việc chuyên môn, tất tả nhóm bếp, vo gạo nấu cơm trưa bằng ba, bốn chiếc nồi to đùng. Thức ăn chỉ có ít cá khô, rau cải mèo, bí ngô.
Nàn Sín là một trong những xã xa xôi, khó khăn nhất của huyện Si Ma Cai. Xã có 336 hộ, với gần 2.000 người, 100% là dân tộc Mông. Đặc điểm của Nàn Sín cũng như các xã vùng cao của Si Ma Cai là núi cao, vực thẳm, đường giao thông rất khó khăn, người lớn và trẻ em chủ yếu đi bộ, hàng hóa thiết yếu gùi bằng vai hoặc thồ bằng ngựa. Đồng bào sinh sống phân tán trên những triền núi cao, các thôn đều nằm cách xa trường học chính từ 3 đến 4 km, thôn xa nhất ở cách trung tâm xã gần 15 km đường rừng, tất cả chỉ bằng cách đi bộ. Vì vậy, việc dạy và học ở đây có nhiều cái khó, nhưng có hai cái khó bậc nhất, đó là làm sao đưa được các em đến trường và làm sao giữ được học sinh không bỏ học giữa chừng.
Trước hết là việc vận động học sinh đến lớp học chữ. Thầy Nguyễn Tiến Lực, quê Phú Thọ, lên đây dạy học đã được năm năm, tâm sự: 'Cứ cách ngày khai giảng năm học mới chừng nửa tháng, mỗi thầy, cô giáo ở đây lại lo sắm đôi giày vải thật tốt, cái gậy gỗ thật chắc và chiếc đèn pin thật sáng để lội bộ xuống bản, đến từng nhà có trẻ em trong độ tuổi để giải thích, vận động, thuyết phục phụ huynh cho con đến lớp học cái chữ Bác Hồ, sau này đỡ khổ. Trẻ em dân tộc vùng cao rất ham học, bố mẹ cũng thương con lắm, nhưng vì nghèo, đẻ nhiều, đường sá xa xôi, nên đành bắt con bỏ cái chữ để lên nương, thả trâu, kiếm củi… lo cái ăn trước mắt'. Nàn Sín hiện còn hơn 40% hộ nghèo, con đi học, phụ huynh người Mông ở đây phải cố gắng, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh. Thầy Hợp kể tiếp: 'Có hôm đi bộ nửa ngày đường mới đến nơi, thấy bóng thầy giáo, phụ huynh liền đóng cửa, treo lá cấm ở đầu nhà, nhưng thầy cứ kiên trì ngồi đợi, đến khi phụ huynh phải ra mở cửa mời vào, thầy mới nhẹ nhàng thuyết phục, thậm chí còn đứng ra bảo lãnh trông nom con cái cho đồng bào, cuối cùng phụ huynh mới đồng ý, cười xòa mời ăn mèn mén (ngô xay bung chín) uống rượu bát, rồi đùm túm áo xống, kèm theo bọc gạo hoặc ngô hạt cho con theo thầy về trường học nội trú.
Cô giáo trẻ Đinh Thị Hiền, quê Phú Thọ, đang dạy lớp 1C gồm hơn hai chục em, kể: Vào đầu năm học này, cô lội bộ trọn một ngày, gần 15 cây số đường rừng, vừa đi vừa phát cỏ vạch cây tìm đường để đến thôn Thào Chư Phìn 3 vận động học sinh đến lớp. Những đứa trẻ người Mông ở nơi thâm sơn cùng cốc, thấy người lạ đến, bám chặt váy mẹ không rời. Cô giáo phải ngủ lại, lấy lá rừng tết đồ chơi, cho kẹo, lân la làm quen như người chị gái trong nhà mới dụ được chúng. Nhưng sáng ra, khi tập trung đưa các em về trường, các phụ huynh đồng loạt thay đổi ý kiến, bắt cô giáo phải cam kết, mang đứa nào đi nếu làm sao phải đền, vì họ lo cho con cái lần đầu tiên xa nhà. 'Lúc ấy em vừa bực mình vừa thương các em nhỏ, thông cảm với cha mẹ người Mông bị ngọn núi cao che khuất tầm nhìn và hiểu biết, bị thiệt thòi do thất học…', cô Hiền bộc bạch nỗi niềm. Rồi đợt đó, cô cũng đưa được năm em, cả trai lẫn gái là: Tẩn Seo Lòng, Sùng Seo Chang, Sùng Thị Pằng, Sùng Seo Dìn và Sùng Thị Lâu về học nội trú tại trường. Các em được ăn, ở ngay tại trường, không phải đi bộ hơn 20 cây số đèo dốc mỗi ngày đi học. Cuối tuần, các em được nhà trường cho về với gia đình để 'tiếp liệu' (lấy gạo, muối, thức ăn), sáng thứ hai có mặt tại lớp. Hôm tôi đến là ngày đầu tuần, giờ ra chơi, cô Hiền gọi tên từng đứa, chúng liền có mặt, vây quanh cô giáo trẻ như người mẹ hiền, với những khuôn mặt sáng và những đôi mắt nhìn trong trẻo, tin cậy.
– Vậy làm sao để các em không bỏ học giữa chừng? Tôi đặt câu hỏi. Thầy Thành chỉ ngay vào nồi cơm trắng to tướng đang tỏa khói nghi ngút, nói: 'Chính là cái nồi cơm Thạch Sanh này đấy, nhà báo ạ. Mùa giáp hạt, vùng cao sương muối trơ trụi, rét buốt, nhưng nó vẫn đầy cơm chín giúp các em ấm cái bụng mà học chữ'. Thầy giải thích, gạo ấy là của dân đóng góp, hoàn toàn tự nguyện. Phó Chủ tịch UBND xã Nàn Sín Trần Trường Sơn rành rẽ: 'Nếu cứ để mỗi gia đình tự lo thì nhiều em học sinh con nhà nghèo sẽ phải bỏ học giữa chừng vì thiếu đói do mất mùa, nhất là vào thời kỳ giáp hạt, từ sau Tết Nguyên đán đến tháng ba âm lịch. Vì vậy, vào mùa thu hoạch hằng năm, Ban Khuyến học của xã vận động mỗi hộ đóng góp từ 15 đến 20 kg thóc hoặc ngô, lập 'kho' lương tại nhà trưởng thôn, nơi trường học đứng chân. Mỗi khi nhà trường hết gạo đột xuất, chỉ cần viết phiếu, cho người đến 'kho' để lấy thóc, đem đi xát thành gạo, nấu cơm cho các cháu'. Lúc nào, 'kho' lương cũng dự trữ từ 3 đến 5 tấn lương thực quy thóc. Nếu năm nào không bị mất mùa thiếu đói kéo dài, nhà trường xin ý kiến xã cho bán số thóc tồn để mua thực phẩm hoặc vật dụng sinh hoạt như chăn, màn, áo ấm… cho học sinh; hoặc trích giúp các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang theo học.
Tụt xuống chân núi, ở Trường tiểu học Sín Chéng, có 110 học sinh nội trú và 204 học sinh bán trú, gồm dân tộc Mông và Nùng. Thầy hiệu trưởng Đặng Phương Đài cho biết, do sản xuất phát triển, đời sống khá hơn, đồng bào ở đây thường xuyên mỗi năm đóng góp khoảng 12 tấn lương thực vào kho chung để duy trì những 'nồi cơm Thạch Sanh' luôn đầy cơm chín thơm, trong ngày đông giá rét mùa giáp hạt, cho các em học sinh ấm bụng mà gắng lên học chữ, học làm người có ích. Từ nguồn đóng góp ấy, sĩ số học sinh có mặt trên lớp luôn đạt hơn 98%, chỗ ở khang trang và bữa ăn của các em cũng tươi hơn, có thịt, rau, đậu…
Vượt qua dãy núi đá vôi sắc nhọn, buổi chiều chúng tôi đến Trường tiểu học xã Thào Chư Phìn. Đây chính là cái nôi của phong trào trường học nội trú dân nuôi. Vào năm 1992, có mấy bà mẹ người Mông ở dưới bản sâu, thương con đi học xa vất vả, liền nghĩ cách mang con đến gửi nhà người quen gần cổng trường học, để lại cho túm gạo và mấy bó rau, nhờ gia đình nấu giúp cho con theo học. Nhiều gia đình khác học theo, dựng lều tạm chung quanh trường để cho con cái ở đó học suốt tuần, không phải đi và về trong ngày xa xôi, mệt nhọc, nguy hiểm rình rập. Thấy cảnh nhếch nhác, mất trật tự, không an toàn, chính quyền xã Thào Chư Phìn lo mặt bằng, vận động nhân dân trong xã đóng góp vật liệu, công sức làm nhà ở, bếp nấu ăn cho học sinh ở nội trú, mọi người đều đồng tình, hưởng ứng rất cao. Từ mô hình Thào Chư Phìn, phong trào nội trú dân nuôi lan ra khắp 13 xã, với 96 thôn, bản vùng sâu vùng xa. Huyện Si Ma Cai trở thành điểm sáng về duy trì sĩ số chuyên cần và chất lượng giáo dục ở vùng cao của tỉnh Lào Cai.
Thầy giáo Nhâm Tiến Đức, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Si Ma Cai rất tâm đắc với mô hình trường học nội trú dân nuôi. Theo thầy, học sinh dân tộc thiểu số học nội trú có ba cái lợi trực tiếp là: Thứ nhất, các em đỡ phải đi bộ trèo đèo, lội suối vất vả, mệt nhọc hằng ngày, rất khó khăn với các em nhỏ, chưa kể mùa mưa hay xảy ra lũ quét, sạt lở đất rất nguy hiểm. Thứ hai, ở bán trú, thầy cô giáo có thể kiểm tra việc học của các em thường xuyên hơn, nắm được sức học của từng em và có điều kiện giúp đỡ các em hiệu quả hơn. Thứ ba, các em được ăn, ở và học tại chỗ, được giao lưu với bạn bè và thầy cô thường xuyên hơn, nên có cơ hội sử dụng tiếng phổ thông (tiếng Việt) nhiều hơn. Điều quan trọng nhất là hạn chế đến mức thấp nhất học sinh bỏ học giữa chừng vì xa nhà và thiếu đói kỳ giáp hạt. Thầy Đức thông tin thêm, năm học 2009 – 2010, nhân dân địa phương và các đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp… đã đóng góp, ủng hộ hơn 70 tấn thóc, 25 triệu đồng và gần 6.000 ngày công; riêng từ đầu năm học này đến nay, cũng đã có hàng chục tấn thóc, hơn 320 triệu đồng và nhiều vật dụng sinh hoạt, sách vở… được chuyển vào quỹ phục vụ cho 1.842 học sinh nội trú dân nuôi và hàng nghìn học sinh bán trú dân nuôi, ở 44 trường học trên địa bàn huyện.
Rời Si Ma Cai trong ngút ngàn sương trắng và cái lạnh cắt da thịt, ấn tượng đọng lại trong tôi là hình ảnh các thầy giáo, cô giáo trẻ yêu thương, chăm chút học sinh như con, như em gái, em trai ruột thịt bên những nồi cơm thấm đậm ân tình, mỗi hạt cơm là một hạt chữ cho các em làm vốn sau này.
Ý kiến ()