Những bất cập trong thực hiện chủ trương luân chuyển giáo viên: Vướng từ cơ sở pháp lý
Ở những khía cạnh nào đó, điều động, luân chuyển giáo viên đã mang lại một số kết quả tích cực cho giáo dục vùng khó khăn. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện cũng cho thấy không ít hạn chế, ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của nhà giáo.
Những quy định khó đi vào cuộc sống
Thời hạn luân chuyển của thầy giáo trẻ Tô Mạnh Trường là 5 năm. Cầm tờ quyết định vào tháng 9-2022, thầy đi xe máy đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Tuy là trường vùng biên giới, nhưng 40km đường nhựa rộng thênh thang, thầy có thể đi về trong ngày. Sự tiến bộ rõ rệt của học sinh trước những phương pháp mới giúp thầy nhận ra: “Xung phong đi luân chuyển là quyết định đúng. Nếu mình chỉ làm việc ở một môi trường thì bản thân sẽ mãi giậm chân tại chỗ”. Hoàn cảnh mới cùng với chế độ ưu đãi tốt, minh bạch đã xóa đi những “lăn tăn” để thầy Trường yên tâm cống hiến.
Luân chuyển giáo viên lên công tác ở những “vùng lõm” là chủ trương lớn và hết sức nhân văn của Nhà nước. Chính sách còn giải quyết tình trạng thừa-thiếu giáo viên giữa các khu vực, vùng miền; làm “bệ đỡ” để nhà giáo yên tâm công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn. Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, ngày 20-6-2006 của Chính phủ ra đời nhằm thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hang Chú, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Trên tinh thần Nghị định 61 và Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23-2-2013 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61, nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành các đợt “tổng động viên” đưa giáo viên, cán bộ đến các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Đã có gần 202.000 lượt giáo viên ở Thanh Hóa, cùng nguồn kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng được giải ngân trong quá trình triển khai chính sách thu hút, ưu đãi đặc biệt này. Nhờ vậy mà Thanh Hóa “vá” được lỗ hổng nhân lực suốt nhiều năm ở các huyện miền núi cao như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh…
Tuy nhiên, không phải ai có “chiều đi” như vậy cũng có “chiều về” như thầy Tô Mạnh Trường. Đã có bao nhiêu người trong số hàng vạn giáo viên “đi nghĩa vụ” (kể cả trước và sau năm 2006) được trở về đúng địa chỉ và theo nguyện vọng của họ? Chưa có thống kê cụ thể nào về số giáo viên vẫn đang “mắc kẹt” trong các bản làng heo hút. Vì sao các chính sách dù đã qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tế nhưng vẫn không giải quyết nổi bài toán này? Phải chăng đây là “lỗi” chính sách hay là “lỗi” trong cách thức thực thi chính sách?
Lý do từ những người trực tiếp hay có liên quan đến việc thực thi chính sách đưa ra thì nhiều nhưng có vẻ cũng “lực bất tòng tâm”. Những năm đầu, Nghị định 61 được thực hiện rất tốt, giáo viên sau khi hết thời hạn luân chuyển (5 năm đối với nam, 3 năm đối với nữ), muốn trở về thì các huyện miền xuôi phải tiếp nhận, sắp xếp và bố trí việc làm. Về sau, khi miền xuôi thừa nhiều giáo viên, các địa phương không thể bố trí tiếp nhận số giáo viên luân chuyển.
Giáo viên Trường Tiểu học A Thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Trả lời câu hỏi vì sao rất nhiều giáo viên ở địa phương khác viết đơn tha thiết xin chuyển về huyện Anh Sơn (Nghệ An) để về gần nhà mà không được, ông Đoàn Văn Thanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Anh Sơn nhắc đi nhắc lại: “Quy chế hiện còn nhiều bất cập, khó thực hiện. Trước có quy chế để điều tiết giáo viên giữa các vùng. Nay với thẩm quyền của mình, chúng tôi chỉ có thể điều chuyển nội huyện. Giáo viên ở vùng khác tới phải thi tuyển, không phải cứ nộp đơn là về huyện được”.
Ông Thanh nói thêm: “Hằng năm luân chuyển nội huyện khoảng 80-90 giáo viên ở tất cả cấp học. Trường hợp đi biệt phái sau 3 năm đưa thầy cô về là đương nhiên. Những trường hợp trước đây xung phong đi thì không có cách nào đưa về. Nhận giáo viên ngoại huyện còn phụ thuộc vào chỉ tiêu. Những nơi giáo viên xin về hiện đã đủ, trong khi nguyên tắc tỉnh Nghệ An đưa ra là chỉ chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu. Đây là bài toán nan giải của nhiều huyện, không riêng gì huyện Anh Sơn. Điều tiết giáo viên trường này thừa sang trường khác để giáo viên vùng sâu, vùng xa có cơ hội về sẽ phát sinh những tiêu cực trong luân chuyển nên không thể thực hiện được”.
Bài toán cân đối giữa tuyển mới ở những môn thiếu giáo viên và xử lý hết khối lượng giáo viên hợp đồng do “lịch sử” để lại khiến ông Hoàng Quyền, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn đau đáu. “Số biên chế đã được phê duyệt kế hoạch từ đầu năm, muốn tuyển phải xin ý kiến Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An. Sở muốn cho cũng phải trên kế hoạch năm học. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, một trường có bao nhiêu lớp, một lớp bao nhiêu học sinh, bộ môn nào quy định cứng… không thể đảo được cơ cấu này, chỉ có thể động viên giáo viên. Huyện rất quan tâm đến những thầy cô từ nơi khác xin về, nhưng trước mắt phải lo cho số dôi dư là giáo viên hợp đồng đã chờ hàng chục năm ở huyện. Nhận thêm về thì càng tạo gánh nặng cho trường, lấy đâu kinh phí để trả. Hiện còn khoảng 26-27 giáo viên hợp đồng, năm nay huyện phải giải quyết dứt điểm vấn đề này”, ông Hoàng Quyền quả quyết.
Phương pháp dạy học mới của thầy giáo Tô Mạnh Trường mang lại sự tiến bộ rõ rệt cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: KHÁNH HÀ
Thiếu cơ sở pháp lý để luân chuyển
Là huyện miền núi biên giới của Quảng Ninh, nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm 96%, ngành giáo dục Bình Liêu xác định luân chuyển giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục vùng xa. Giáo viên tốt, có năng lực, trách nhiệm sẽ là đội ngũ dẫn dắt. Tâm huyết với điều này, ông Vi Tiến Vượng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Liêu chia sẻ: “Trước chưa có quy chế quy định, chúng tôi chỉ chuyển giáo viên từ trường thừa sang nơi thiếu. Từ năm 2018, huyện có quy chế rõ ràng hơn, mang lại sự yên tâm cho những giáo viên đi luân chuyển”.
Với tinh thần ấy, bà Vi Bích Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT TP Hạ Long (Quảng Ninh) cũng cương quyết trong chủ trương luân chuyển giáo viên. “Qua hai đợt luân chuyển, bên cạnh việc thực hiện đúng những gì đã hứa, thành phố còn tích cực cải thiện đường giao thông, bố trí xe đưa đón, cung cấp phương tiện đi lại tại nơi đến dạy để thầy cô cảm thấy dễ dàng hơn trong việc lên công tác vùng cao”, bà Hạnh cho hay.
Đúng như lời bà Châu Thị Hoài Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh: “Quảng Ninh không thiếu tiền cho giáo dục”. Riêng đề án về cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025 đã hơn 7.000 tỷ đồng-con số mơ ước của không biết bao nhiêu tỉnh. Việc đưa giáo viên lên vùng khó không phải là trở ngại với họ, khi địa phương xây dựng quy chế riêng. “Quảng Ninh không còn xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên những chính sách theo quy định nhà nước bị cắt nhưng chúng tôi vẫn tính toán để có khoản trợ cấp ngoài lương cho thầy cô, khoảng 40-50% so với chính sách cho vùng đặc biệt”, bà Châu Thị Hoài Thu khẳng định.
Đó là câu chuyện của Quảng Ninh, một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Còn Phú Thọ, với đặc thù là tỉnh trung du miền núi, hầu hết các xã thuộc khu vực miền núi, vùng thuận lợi ít, việc luân chuyển giáo viên từ vùng khó khăn về vùng thuận lợi không nhiều. “Việc quản lý, sử dụng giáo viên được thực hiện theo quy định chung của Luật Viên chức và các quy định của Chính phủ. Công tác tuyển dụng, bố trí sử dụng, luân chuyển, biệt phái giáo viên được phân cấp đến UBND cấp huyện. Việc luân chuyển giáo viên giữa các huyện thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện”, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết.
Hiện cũng chưa có quy định nào về việc định kỳ luân chuyển giáo viên, nhất là việc luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi đến công tác ở vùng khó khăn, giữa các địa phương trong tỉnh. Nếu giải quyết cho thuyên chuyển, luân chuyển giáo viên vùng khó khăn ra vùng thuận lợi thì việc bố trí, bổ sung giáo viên cho vùng khó khăn rất khó thực hiện.
Với tỉnh An Giang, hằng năm, số lượng giáo viên xin chuyển về gần nhà khá nhiều nhưng chỉ số ít được giải quyết, bởi đơn vị viên chức xin chuyển đến không có nhu cầu. “Hiện biên chế viên chức phải giảm 10% so với quy định nên việc chuyển công tác của viên chức ngày càng khó khăn hơn”, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang cho biết. Để thu hút giáo viên, An Giang không có chính sách nào khác ngoài chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8-10-2019 của Chính phủ.
Cùng chung hoàn cảnh đó, Hòa Bình cũng chưa có chính sách riêng thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn. Nếu Đề án “Tăng cường các nguồn lực phát triển GD-ĐT tỉnh Hòa Bình đáp ứng yêu cầu đổi mới giai đoạn 2023-2030” được thông qua, sẽ có một số chính sách đặc thù thu hút giáo viên, đặc biệt là giáo viên giỏi đến công tác tại các vùng khó khăn của tỉnh. Đó là câu chuyện vẫn nằm trên giấy, còn trước mắt, năm 2022, Hòa Bình có hơn 300 thí sinh trúng tuyển và học tập tại các trường đại học sư phạm trên cả nước. Đây sẽ là nguồn lực bổ sung cho lượng giáo viên còn thiếu của tỉnh trong 3-4 năm tới.
“Việc cân đối giữa lực lượng tuyển mới và luân chuyển giáo viên giữa các huyện thuộc thẩm quyền của Sở Nội vụ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị này tham mưu với lãnh đạo tỉnh có các cơ chế luân chuyển giáo viên giữa các huyện, thành phố cho phù hợp”, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình cho hay.
Với quan điểm “GD-ĐT là quốc sách hàng đầu”, nghề dạy học, đội ngũ nhà giáo luôn được xã hội tôn vinh, đề cao. Vinh quang là vậy nhưng rồi vì thời cuộc, vì cơ chế mà không ít giáo viên đã phải “dứt áo ra đi”, tìm cho mình hướng đi mới.
Năm 2023 có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành, chủ yếu ở khối mầm non, tiểu học. Hết năm học 2022-2023, cả nước ghi nhận thiếu tới 118.253 giáo viên, trong khi vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương chưa tuyển dụng được. |
Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nhung-bat-cap-trong-thuc-hien-chu-truong-luan-chuyen-giao-vien-bai-3-vuong-tu-co-so-phap-ly-737801
Ý kiến ()