Những bất cập trong thực hiện chủ trương luân chuyển giáo viên: Nỗi niềm người “luân chuyển”
Vì thương học sinh, mong cho giáo dục vùng khó khăn bớt thiệt thòi, hàng vạn giáo viên đã xung phong lên miền núi, vùng đặc biệt khó khăn công tác.
Tuy nhiên, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên thay đổi qua từng năm đã tác động trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống, nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm, thậm chí là niềm tin của đội ngũ nhà giáo. “Đi dễ, khó về” vốn dĩ chỉ sự hiểm nguy, nay ứng vào những người xả thân luân chuyển. Trên cơ sở khảo sát thực tế và ý kiến của đội ngũ chuyên gia, nhà quản lý, những người trong cuộc, vệt bài đi sâu vào những góc khuất của câu chuyện luân chuyển “đi dễ, khó về”.
Nỗi niềm người “luân chuyển”
Luân chuyển giáo viên liên vùng, liên huyện là chủ trương lớn, có ảnh hưởng đến đội ngũ nhà giáo và chất lượng giáo dục hiện nay, nhất là trong bối cảnh thiếu giáo viên cục bộ. Vượt qua bao khó khăn, những giáo viên bám bản, tự nguyện lên miền núi dạy học với tinh thần sẻ chia. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định mỗi nơi vận dụng một khác, tạo ra không ít kẽ hở.
Những ngày dài đi xa
3 thầy, cô giáo ở 3 ngôi trường. Một trường nằm trên đỉnh núi cao mây trắng vùng Bắc Trung Bộ, một trường nằm giữa vùng đồng ruộng xanh mênh mông ở Đồng bằng sông Cửu Long và một trường thuộc tỉnh ven biển vùng Đông Bắc Bộ. Họ chung câu chuyện có tên “luân chuyển”, nhưng lại mang những thái cực khác nhau.
Những giáo viên luân chuyển mang làn gió mới tới Trường Tiểu học và THCS Đồng Sơn, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
15 giờ ngày chủ nhật, cô giáo Bùi Thị Giang tranh thủ sắp xếp nhà cửa cho gọn gàng bởi hơn 5 ngày nữa cô mới về. Đôi tay thoăn thoắt nên chỉ một loáng cô đã xếp xong quần áo, thức ăn cho cả tuần của hai mẹ con vào túi gọn gàng. Nơi cô dạy không có chợ và thức ăn thì đắt đỏ.
Cô bé Nguyễn Thị Quỳnh Nhung tự mặc quần áo, sẵn sàng cho hành trình hơn 230km từ huyện Anh Sơn lên tới Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Tuy mới 5 tuổi nhưng em đã có “thâm niên” theo mẹ đến trường gần 3 năm. Chiều cuối tuần nào cũng vậy, từ nhà, hai mẹ con cô Giang tay xách nách mang tất tả đón xe khách lên thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn), rồi tiếp tục rong ruổi xe máy khoảng 1 giờ 30 phút nữa lên xã Bắc Lý-vùng đất cheo leo phía Tây huyện Kỳ Sơn. Cô Giang đã quá quen thuộc với điều ấy suốt 16 năm nay, dù ngày nắng hay ngày mưa.
Cách đó gần 500km, giữa TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, em Nguyễn Bảo Châm cũng 5 tuổi, con của cô giáo Bùi Thị Hồng Trang, đang được mẹ cho đi chơi nhà bà ngoại. Bữa tối, em ăn cơm với thịt và quây quần bên gia đình. Em có hai ngày nghỉ trọn vẹn cùng gia đình. 5 giờ sáng thứ hai, chiếc xe ô tô 24 chỗ đón mẹ con cô Trang cùng các đồng nghiệp lên Trường Tiểu học và THCS Đồng Sơn, TP Hạ Long cách đó 60km. Đồng Sơn là xã miền núi rẻo cao đặc thù, khó khăn nhất của TP Hạ Long, dù đôi chỗ đường còn gồ ghề, lầy lội vì đang được mở rộng nhưng xe vẫn bon bon chưa đầy hai giờ đồng hồ đã tới trung tâm xã, kịp tiết học đầu tuần. Chiều thứ sáu, chuyến xe miễn phí đó lại đưa các giáo viên về nhà.
Ở đầu kia đất nước, thầy giáo Chau Mô Ni Sóc Kha, với khoảng cách 12km từ nhà tới Trường THCS Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vẫn ngày ngày sáng đi chiều về. Nếu so với ngôi trường cách đây 3 năm thầy Kha công tác, quãng đường đã xa hơn 10km, nhưng so với những đồng nghiệp ở vùng khác tới, đó là cả niềm mơ ước.
Đi mà lòng đầy tâm trạng
Đường đến trường của các thầy, cô giáo đều là hành trình đong đầy yêu thương, sẻ chia với giáo dục vùng khó khăn nhưng mang những tâm trạng khác nhau. Thách thức và cơ hội mà họ đang đối mặt cũng rất khác biệt.
Những đứa trẻ vùng khó khăn với niềm vui tới trường.
Kết thúc tiết học thứ 3, cô Bùi Thị Hồng Trang rảo bước nhanh khỏi lớp, đi thẳng về phía khu nhà dành cho giáo viên luân chuyển như cô để tìm xem bé Châm có ở phòng chơi hay đang lang thang đâu đó. Sau một năm lên công tác ở Đồng Sơn, cô không còn hốt hoảng như ngày đầu khi không thấy bé trong phòng. Bé Châm cứ thẩn thơ chơi khắp các xó xỉnh trong trường, lúc đi một mình, lúc kéo theo vài bạn là con các giáo viên khác cũng theo mẹ lên trường. Gọi con về, dúi vào tay bé Châm hộp sữa, cô Trang lại tiếp tục cho tiết học thứ 4. Hôm nay, cô có 5 tiết, lại đến phiên lên dạy ở điểm trường cách đó chừng 10km nên bữa trưa sẽ phải rất nhanh. Trống đánh kết thúc buổi học đã hơn 5 phút mà cô Trang vẫn kiên nhẫn ngồi lại sửa phát âm cho mấy em học sinh người dân tộc Dao. Bọn trẻ cũng như con cô, rất cần được học tập.
Khi mới biết thông tin TP Hạ Long có chủ trương luân chuyển giáo viên lên vùng khó khăn, cô Trang và đồng nghiệp thấy bất an, bởi đi xa như vậy không biết có được về như quy định không? Là đợt đầu tiên xung phong thực hiện luân chuyển, cô Trang được thành phố hứa sau hai năm thực hiện nghĩa vụ sẽ được về công tác tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo ngay trung tâm thành phố. Vậy mà ngày lên đường, lòng cô vẫn đầy ngổn ngang, ở đâu đó, câu chuyện nhiều giáo viên đi mãi mà không thấy ngày về làm cô sợ.
Không như cô Trang, ngày cô sinh viên sư phạm Bùi Thị Giang xin lên Kỳ Sơn dạy học, không nghĩ sẽ phải đằng đẵng đợi ngày về. Năm 2007, cô giáo trẻ Bùi Thị Giang ngày nào mang theo ba lô quần áo, cầm tờ quyết định vào xã Bắc Lý nhận công tác còn đi lạc, giờ đã in dấu chân khắp các bản. Học sinh người dân tộc Mông, Khơ Mú ở Bắc Lý biết tiếng Việt ngày càng nhiều qua những giờ Ngữ văn của cô. Từ khi có thêm bé Nhung làm bạn đồng hành, cuộc sống của cô Giang cũng bớt cô quạnh. Chiều chiều, cô nấu cơm, tắm rửa, chơi với con, đi ngủ rồi sáng ra lại dậy sớm chuẩn bị bữa sáng và lên lớp. Cứ vậy mà quay tới quay lui cũng hết ngày, rồi hết 16 năm…
Lương giáo viên vùng biên của cô Giang chênh khoảng 4 triệu đồng so với giáo viên dưới xuôi. Nghe số tiền có vẻ to, nhưng tính chi phí tàu xe mỗi tuần đi và về hơn 200.000 đồng, chưa kể tiền xăng xe máy, một tháng cũng hết trên dưới 1 triệu đồng. Số tiền còn lại chẳng thể bù đắp nổi những tháng năm tuổi xuân. Chưa kể, nhiều giáo viên ở xuôi chỉ cần một vài ca dạy thêm là có dư số tiền chênh lệch đó. Cô Giang chỉ mong về dạy gần nhà.
Niềm hy vọng mơ hồ được về quê nhà Anh Sơn công tác, cô Giang cũng chẳng dám nghĩ tới. “Huyện Anh Sơn đang thừa giáo viên cấp THCS nên em không dám làm đơn xin về. Nhiều giáo viên ở đây 20 năm còn không xin được, thì bọn em không biết tới khi nào!”, cô cười buồn.
Cách thị trấn Tri Tôn có 15km mà Trường THCS Ô Lâm như nằm trên ốc đảo. Quán xá, nhà hàng vẫn là điều khá xa xỉ với một huyện biên giới đặc biệt khó khăn như Tri Tôn. Dạy quá giờ trưa một chút là các giáo viên chỉ còn cách úp mì tôm ăn cho qua bữa. Phần lớn bữa ăn của họ đều như thế, nhưng ít ra còn có bữa cơm chiều bên gia đình. Còn hai trong số 28 giáo viên người ngoài xã tiếp tục bữa ăn kiểu như vậy đến cuối tuần. Nhà họ cách trường hơn 60km.
Cô bé Nguyễn Bảo Châm theo mẹ đi luân chuyển.
Quản lý 38 cán bộ, nhân viên thì chỉ có 10 giáo viên là người địa phương nên thầy Chau Mô Ni Sóc Kha, Hiệu trưởng Trường THCS Ô Lâm hiểu rất rõ nếu giáo viên là người địa phương thì sẽ có nhiều thuận lợi hơn, không chỉ về mặt ngôn ngữ mà ít nhất họ có gia đình để trở về sau mỗi ngày đến trường và có bữa cơm tử tế. “Giáo viên quê xa đều muốn về công tác gần nhà, nhưng bộ môn của họ ở quê không nhận nữa nên không thể chuyển. Vướng mắc hoài, nhiều lắm”, thầy Sóc Kha tâm sự.
Giáo viên vùng khác coi Tri Tôn như một nơi để đào tạo, tôi luyện, sau 4-5 năm cứng tay nghề, họ đều muốn về và thầy Sóc Kha hiểu đó là nguyện vọng chính đáng. Thầy nghĩ, người dưới 30 tuổi còn sức lực để đi xa, những người khác thì nên tạo điều kiện để họ về công tác gần nhà. Di chuyển đoạn đường xa như thế mỗi tuần, họ chưa tới nhà có khi đã tới bệnh viện. “Chuyện cô giáo Mai Thị Yến ở Hà Giang tử nạn trên đường đến trường hồi tháng 5 vừa rồi khiến ai cũng tâm tư”, thầy Sóc Kha nói.
Cùng công tác tại vùng khó khăn nhưng giáo viên có lương và phụ cấp, còn nhân viên (hành chính, thư viện) chỉ có lương cơ bản. Mức lương 3-4 triệu đồng/tháng chẳng thể giữ nổi họ so với sức hấp dẫn của mức lương 9-10 triệu đồng/tháng từ các khu công nghiệp. Thiếu người, giáo viên thành ra kiêm nhiệm nhiều công việc. Đồng lương chưa đáp ứng được công sức mà các thầy, cô giáo bỏ ra, họ cũng muốn bỏ việc. “Trường hiện có 600 học sinh, hầu hết là con em đồng bào dân tộc Khmer có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, nguy cơ bỏ học giữa chừng rất cao. Giờ giáo viên cũng thiếu, trường cứ loay hoay mãi”, thầy Chau Mô Ni Sóc Kha trầm ngâm trước viễn cảnh của trường.
Giá như giáo viên được đào tạo là người địa phương về dạy chính con em mình, thì có lẽ câu chuyện đã khác. Nhưng cũng thật khó, bởi người dân tộc địa phương không thể cạnh tranh nổi trong những bài thi tuyển dụng chỉ dùng ngôn ngữ tiếng Việt.
Ngày 29-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội vào năm 2024, nhằm thể chế đầy đủ các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ nhà giáo. |
Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nhung-bat-cap-trong-thuc-hien-chu-truong-luan-chuyen-giao-vien-bai-1-noi-niem-nguoi-luan-chuyen-737605
Ý kiến ()