Những bất cập trong thực hiện chủ trương luân chuyển giáo viên: Đường về... niềm tin!
Việc giáo viên công tác quá lâu ở vùng khó mà không đạt được nguyện vọng trở về gia đình có thể làm giảm, thậm chí mất đi nhiệt huyết, động lực làm việc. Đây là điều đáng tiếc và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Bởi vậy, công tác luân chuyển giáo viên cần có quy định cụ thể, nhất là thời gian luân chuyển. Đây cũng là cơ sở để xã hội giám sát và quy trách nhiệm rõ ràng cho các cấp quản lý.
“Bơ vơ” vì không còn điều khoản chuyển tiếp
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn từng chỉ ra thực tế, ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ, đó là giáo viên và tài chính. Với cả hai điều này, Bộ GD-ĐT chỉ với tư cách là “người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất”. Vấn đề luân chuyển giáo viên cũng vậy. Hiện tại Chính phủ không còn quy định việc luân chuyển nhà giáo và cũng không giao Bộ GD-ĐT quy định việc này. Việc chuyển giáo viên từ đơn vị sự nghiệp này sang đơn vị sự nghiệp khác thực hiện theo quy định chung đối với viên chức tại Luật Viên chức 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; các nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
Trước ngày 1-6-2012, việc sử dụng, quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003. Trong đó quy định hình thức luân chuyển giáo viên. Tuy nhiên, các trường hợp đã thực hiện việc luân chuyển thì không có quy định về thời hạn luân chuyển và không có quy định về việc được ưu tiên bố trí về vùng thuận lợi sau một thời gian được luân chuyển về làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đường tới trường của cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo và học trò Trường PTDT bán trú Tiểu học Hang Chú, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: KHÁNH HÀ
Những lớp học đêm của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Bắc Lý 1, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: KHÁNH HÀ
Bên cạnh đó, từ ngày 1-6-2012, công tác sử dụng, quản lý đội ngũ viên chức thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12-4-2012; còn từ ngày 29-9-2020 thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020. Như vậy, từ ngày 1-6-2012, Chính phủ đã bỏ hình thức điều động, luân chuyển viên chức (chỉ còn hình thức biệt phái viên chức) và cũng không có điều khoản chuyển tiếp nào đối với các đối tượng này; đồng thời, mặc dù có nhắc đến trường hợp chuyển đơn vị sự nghiệp đối với viên chức nhưng không có quy định cụ thể nào về việc này.
Giải thích về điều này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho hay: “Theo điều 9, Văn bản hợp nhất số 27/VBHN-BGDĐT ngày 23-12-2014 của Bộ GD-ĐT, về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Hết thời hạn công tác nói trên, họ được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển hoặc tạo điều kiện giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng. Tuy nhiên, khi ban hành Luật Viên chức và Nghị định 115 hướng dẫn thi hành thì không còn hình thức luân chuyển, chỉ còn hình thức biệt phái viên chức”.
Đường về của giáo viên còn bị “chặn” bởi cơ cấu môn học của chương trình khiến đơn vị có cán bộ cử đi buộc phải tuyển dụng để bổ sung số lượng bị thiếu là vấn đề thứ nhất. Thứ hai, giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa sẽ gặp những khó khăn trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng chương trình khi quay trở về. Thứ ba, trong khi cán bộ được cử đi thì ở trường vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế, nên khi họ về, trường không có chỉ tiêu biên chế để tiếp nhận.
Theo các quy định hiện hành về phân cấp quản lý, việc ra những quyết định quản lý đối với giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện; còn sở GD-ĐT quản lý giáo viên THPT. Mặc dù việc phân cấp giúp tối ưu hóa công tác quản lý, nhưng cũng là khó khăn đối với địa phương trong việc giải quyết triệt để vấn đề chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu hoặc chuyển công tác cho các giáo viên có nguyện vọng nơi đến và đi không cùng cơ quan quản lý.
Cần có cơ chế giám sát
Thực tế công tác luân chuyển ở nhiều nơi không thực sự minh bạch, khách quan dẫn tới vấn đề ở địa phương phức tạp hơn. Theo đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị: Khi không thực hiện theo một quy định, quy chuẩn nào sẽ dẫn tới câu chuyện không chỉ giáo viên dạy trong bản 10-20 năm không được về công tác gần nhà, mà có tình trạng nhiều người cho cũng không về. Thanh xuân, nhiệt huyết họ đã gắn bó với đồng bào, sợ về đồng bằng cuộc sống bon chen, không chịu nổi. Mặt khác, giáo viên ngoài thị trấn “chạy để xin” đi các xã vùng sâu, xã biên giới bởi mức lương cao gấp 2-3 lần, trong khi giao thông địa phương giờ đây nhiều nơi thuận lợi, đi xe khoảng 25-30km. Đây là bất cập cả hai chiều.
Một giờ học tiếng Anh của cô trò Trường Tiểu học Cẩm Sơn, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: KHÁNH HÀ
Do đó, “rất cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, thời gian công tác của giáo viên ở vùng sâu, vùng xa như thế nào thì được về. Tất cả phải được xét công khai, minh bạch, có người đi thì có người mới vào. Sự thay đổi này buộc giáo viên phải phấn đấu nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học. Nếu cứ “giam chân” ở vùng sâu, vùng xa, bản thân họ sẽ mai một kiến thức. Nếu lần này quyết tâm đưa vào luật, tôi từng công tác trong ngành giáo dục nên rất ủng hộ”, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh cũng trăn trở khi một số thông tư, nghị định đã thực hiện quá lâu mà không sửa đổi gây ra nhiều bất cập. Có người cả thanh xuân mòn mỏi trong bản không được về, có “cơ chế” làm xã hội mệt mỏi. Chúng ta đang quyết tâm phòng, chống tham nhũng cấp Trung ương với những vụ án lớn, thì cũng cần có biện pháp ngăn chặn tham nhũng vặt ở địa phương. Khi có văn bản, quy định rõ ràng, người đứng đầu không làm mới có cơ chế xử lý. “Hằng năm, chúng ta có quyền giám sát tỷ lệ một năm địa phương luân chuyển được là bao nhiêu, có bao nhiêu hồ sơ nộp xin luân chuyển, địa phương đã giải quyết được bao nhiêu trong số đó. Kiểm tra những hồ sơ đã thực hiện xem có hợp tình, hợp lý không. Làm chặt những điều này sẽ giải quyết được vấn đề chúng ta đang trăn trở. Chỉ khi văn bản đi vào đời sống mới mang lại niềm tin cho giáo viên “hãy đi cống hiến ở vùng khó khăn và sẽ có ngày được về công tác gần gia đình”, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh nêu vấn đề.
Đó cũng là điều mà ông Vũ Minh Đức mong mỏi. Để thực hiện các giải pháp chuyển giáo viên từ đơn vị sự nghiệp công lập này sang đơn vị sự nghiệp công lập khác, ông Vũ Minh Đức đề nghị Chính phủ cần quy định rõ hơn trong Luật Viên chức và nghị định hướng dẫn thực hiện luật. Đồng thời, Quốc hội cần có những điều chỉnh trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp hơn để Bộ GD-ĐT có căn cứ tham mưu Chính phủ điều chỉnh quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Đó là những điều kiện quan trọng để thực hiện việc chuyển đơn vị công tác cho giáo viên thuận lợi hơn. Nếu việc điều động và biệt phái có thời hạn được quy định trong Luật Nhà giáo sẽ là căn cứ để giám sát, quy định buộc địa phương phải có kế hoạch tổng thể thực hiện.
Dù chính sách là gì thì học sinh ở đâu cũng phải được tiếp cận tiến bộ giáo dục bình đẳng. Ai là người đến thay thế, chất lượng thế nào, điều đó mới quan trọng. Bố trí nhân sự không phải cứ nói là được.
Học sinh trên điểm trường Bản Na Kho, Trường PTDT bán trú Tiểu học Bắc Lý 1, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: KHÁNH HÀ
Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Kiên Giang (tỉnh Kiên Giang) nhận định: “Hiện chưa có cơ chế ràng buộc chặt chẽ để giải quyết vấn đề này. Nếu quy định luân chuyển được luật hóa cũng là điều hợp lý. Về lâu dài, khi tuyển dụng nên xác định lực lượng giáo viên trẻ từ địa phương nào đến. Đôi khi tình trạng sinh viên sư phạm ra trường ồ ạt, khiến họ chấp nhận dạy xa nhà để giải quyết câu chuyện trước mắt. Với ngành y, người dân mong muốn những bác sĩ giỏi về thôn, bản. Ngành giáo dục cũng vậy. Điều này nên tính toán khoa học, vì tâm lý mọi người đều muốn một nơi “an cư để lạc nghiệp”.
Thận trọng trước vấn đề này, một cán bộ nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, người có nhiều năm gắn bó với quy định luân chuyển giáo viên hiểu biểu biên chế đã phân cấp giao cho địa phương, việc quy định số năm luân chuyển khó thực hiện được. “Ngay cả trước đã quy định nhưng không thực hiện được bởi nó mâu thuẫn với những chuyện khác như nơi này đã đầy chỗ, nếu nơi khác về thì sẽ bỏ ai ra. Chưa kể, nó sẽ mắc bao nhiêu luật khác về định biên, phân cấp. Nếu vùng sâu, vùng xa cứ nhận giáo viên mới suốt thì chất lượng sẽ yếu. Chỉ có cách là chế độ, chính sách tốt hơn, tạo điều kiện để giáo viên ở lại vùng khó, yên tâm cống hiến”, vị nguyên lãnh đạo này nói.
Ông cũng cho rằng khi kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa phát triển, đi lại đỡ vất vả hơn, giáo viên có chế độ, chính sách tốt thì nhu cầu luân chuyển cũng dần giảm. Phát triển giáo dục vùng sâu, nên tạo điều kiện cho con em người địa phương quay trở về. Những chính sách đó khả thi hơn. Chất lượng giáo dục không chỉ đo bằng kiến thức văn hóa mà còn là kinh nghiệm, tình cảm gắn bó, sự cống hiến, thuyết phục học sinh đến trường…
Hiện tỷ lệ tuyển dụng người địa phương ở nhiều nơi không thực hiện được. Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh cho hay người đồng bào nếu có cơ hội dự tuyển không bao giờ trúng tuyển. Ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) có 2.000 giáo viên mà chỉ có hai cán bộ quản lý là người dân tộc. Đào tạo ra nhưng không tuyển dụng là một sự lãng phí rất lớn.
Nói về việc này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng nhận định đây là vấn đề ngành giáo dục và địa phương đang tích cực tháo gỡ. Giải pháp con em đồng bào dân tộc được đào tạo về sư phạm để quay về địa phương làm giáo viên được ngành giáo dục khuyến khích dù con số này còn khiêm tốn. Thực tế việc phân bổ chỉ tiêu và tuyển dụng giáo viên là trách nhiệm của ngành nội vụ; các địa phương vừa tuyển dụng, vừa thực hiện tinh giản biên chế trong khi tại các địa phương miền núi có đến 80% công chức, viên chức là giáo viên.
“Thiếu chưa được bù nhưng lại tiếp tục phải cắt giảm khiến việc bố trí giáo viên tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa càng khó khăn hơn”, đó cũng là vấn đề Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chỉ có thể kiến nghị.
Vấn đề điều động, luân chuyển giáo viên hiện đang là câu chuyện rất khó cho ngành giáo dục. Thực tế, việc tìm đường “về xuôi” cho số giáo viên được điều động lên miền núi công tác có thời hạn đã vượt ra ngoài khả năng của ngành giáo dục, vì theo phân cấp quản lý viên chức hiện nay, việc “thuyên chuyển”, “tiếp nhận” giáo viên thuộc thẩm quyền ủy ban nhân dân các cấp. Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chúng tôi đã nhận được nhiều kiến nghị của các thầy, cô giáo về bất cập này. Cần xác định nghề giáo là một nghề đặc thù và không nên “viên chức hóa” vị trí, nên có luật về nhà giáo để điều chỉnh, giải quyết những vấn đề liên quan đến đội ngũ. Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội đưa Luật điều chỉnh về nhà giáo vào Chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Tôi cho rằng vấn đề luân chuyển giáo viên cần được đặt ra và giải quyết thấu đáo trong luật này. (TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) |
Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nhung-bat-cap-trong-thuc-hien-chu-truong-luan-chuyen-giao-vien-bai-4-duong-ve-niem-tin-738048
Ý kiến ()