Những bất cập trong thực hiện chủ trương luân chuyển giáo viên: Bao giờ cho đến... ngày về?
Để phát triển giáo dục vùng xa xôi, hẻo lánh, nhiều thầy cô được điều động hoặc xung phong lên làm việc ở vùng cao, bản làng biên giới.
Ngày đi, ai cũng phơi phới một niềm tin sau khi cống hiến sức trẻ sẽ về đoàn tụ với gia đình. Nhiều giáo viên cứ ra ngóng vào trông, hết năm này qua năm khác nhưng không có ai lên thay. Có người “cạy cục” xin chuyển, có người xin không thành thì bỏ việc. Tình trạng giáo viên bỏ việc để lại nhiều khoảng trống trong giáo dục vùng khó.
Đi dễ – về khó
Giáo viên cắm bản vất vả không còn là chuyện mới. Thầy cô nơi đây không sợ gian khó, họ chỉ sợ khi đến tuổi mỏi gối, chùn chân vẫn phải lặn lội lên non, mang theo bao nỗi canh cánh về gia đình. Dù một lòng tâm huyết với sự nghiệp giáo dục vùng cao, hàng nghìn giáo viên miền xuôi ở Nghệ An vẫn đang “tự bơi tìm đường về” khi quy định điều động, luân chuyển giáo viên đã bỏ từ năm 2007 và hiện chưa có văn bản nào thay thế.
Kiểm tra khả năng đọc của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bắc Lý 1, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Ra trường năm 2006, cô Nguyễn Thị Thủy, quê huyện Anh Sơn, nộp đơn xin về huyện Kỳ Sơn dạy học. Những tưởng hết lòng hết sức cống hiến tuổi thanh xuân ở mảnh đất biên giới xa nhất của tỉnh Nghệ An, khi lập gia đình cô sẽ được tạo điều kiện hợp thức hóa công việc gần nhà. Vậy mà sau 17 năm công tác, những lá đơn xin chuyển công tác của cô giáo Thủy gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Anh Sơn vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.
Nhà có 4 người, chồng đi biền biệt với nhiệm vụ ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Châu, vợ lặn lội mang theo con nhỏ (nay đã 7 tuổi), lên Trường Mầm non Mỹ Lý 1, huyện Kỳ Sơn; đứa lớn đang học lớp 5 thì sống với bà ngoại ở quê nhà, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy chỉ “hội quân” đông đủ vào ngày thứ bảy. Thương con đứa vất vả theo mẹ, đứa ở nhà không ai dạy dỗ nên niềm mong mỏi duy nhất của chị là được về dạy học gần nhà.
Những lá đơn mang bao tâm tư, nguyện vọng hết lần này đến lần khác đều bị từ chối. “Sau năm 2006 không còn chính sách chuyển từ miền ngược về miền xuôi nữa nên mình làm đơn kiểu hy vọng thế thôi, nghe nói là hết chỉ tiêu. Tuổi này tìm việc khác cũng không biết có việc gì để làm nữa”, chị Thủy nói.
Thông cảm cho hoàn cảnh của chị Thủy nhưng chẳng thể điều chuyển liên huyện cho chị, Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn chỉ có thể rút ngắn 50km khoảng cách đường về nhà bằng quyết định điều chuyển nội huyện tới Trường Mầm non Chiêu Lưu 1. Giờ đây, việc tiếp tục rút ngắn hơn 100km nữa để về dạy gần nhà, với chị Thủy gần như là điều không tưởng.
Ước mong lớn nhất của cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo là có nhiều giáo viên xung phong lên bám bản, nhất là những giáo viên môn Tiếng Anh như cô. Ở nơi mà mỗi ngày phải băng 20km đường rừng, qua 5 con suối, 3 ngọn núi mới tới được trường thì mong ước đó quả là xa xỉ.
Từ bộ phim “Mùa xuân ở lại” và Chương trình “Tổ quốc trong tim”, cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo sinh năm 1993, quê Hà Nam, từng dạy học ở TP Hồ Chí Minh tình nguyện lên tận Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La dạy học. Nơi đó, trước đây cô chưa từng đến, cách trung tâm thị trấn 60km và không có chợ. Nơi đó, học sinh và cả đồng nghiệp lần đầu tiên được biết tới môn Tiếng Anh.
Cách nhà 300km nên một năm cô chỉ về hai lần vào dịp hè và tết. Sau 3 năm dạy học ở vùng đất khó khăn Bắc Yên, cô giáo trẻ độc thân Như Thảo xác định gắn bó lâu dài với nơi đây vì những ánh mắt háo hức nuốt từng con chữ, và vì “môn của em đặc thù quá, không có ai lên thay. Chắc em cắm bản cả đời”.
Học trò say sưa với những quyển sách cùng cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
Trước dãy phòng ở quét vôi vàng nứt nẻ, trên sân bóng chuyền khoảng 160m2, cô Trần Thị Minh Chiến đang thi đấu quyết liệt với đồng nghiệp. Tiếng cười giòn tan phá đi không khí não nuột chạng vạng chiều biên giới. Niềm vui của những giáo viên cắm bản như cô Chiến gần như gói gọn trong 160m2 đó. 17 năm “chinh chiến” với quãng đường lên xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn), cô không ngờ “giữa rừng sâu nước độc, lần đầu vào tới trường đứng khóc, không biết khi mô mới về”.
Giờ đúng thật là chưa biết khi nào mới được về. Hai con, đứa lớp 10, đứa lớp 6 đều phó mặc cho ông bà làm nghề nông dạy dỗ. Chồng bị lao màng não, mỗi tháng ra Hà Nội chạy chữa cũng tốn hơn 10 triệu đồng, của cải trong nhà cứ thế “đội nón ra đi”. Môn Ngữ văn đang thừa giáo viên, cô Chiến lại không có tiền đầu tư đi học môn khác. Thấy nhiều người làm đơn xin chuyển không thành, cô thôi ý định. Số tiền lương cô kiếm được từ nay đến 20 năm nữa, khi về hưu ở vùng biên viễn này chắc chỉ đủ trang trải viện phí cho chồng.
Sau nhiều lần đề đạt nguyện vọng xin thuyên chuyển không thành, cô giáo La Mỹ Linh, Trường Tiểu học Lượng Minh là một trong những giáo viên gần đây nhất của huyện Tương Dương đã quyết định viết đơn xin nghỉ việc. Đó là quyết định cực chẳng đã của cô vì hoàn cảnh chồng xa nhà, con gửi ông bà ngoại già yếu không có ai chăm sóc.
Những lớp học đêm luôn sáng đèn ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bắc Lý 1, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Trong căn phòng lưu trữ hồ sơ cán bộ của Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn có một tập hồ sơ dày gần hai gang tay, là toàn bộ những lá đơn của các thầy giáo, cô giáo trên toàn huyện gửi về với một mục đích duy nhất: Xin chuyển ngoại huyện. Quản lý tập hồ sơ này trong nhiều năm, thầy giáo Thái Đình Bảy, chuyên viên Phòng GD-ĐT nói: “Tôi thuộc và nhớ hầu hết tên giáo viên trong này, mỗi người một hoàn cảnh. Nhiều người năm nào cũng viết dù biết rằng được trở về xuôi là điều không dễ…”.
Khoảng trống giáo dục
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp đầu năm học, hàng nghìn giáo viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An lại thấp thỏm không yên vì vấn đề luân chuyển. Dường như đã thành thông lệ, cuộc họp nào với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cũng có ý kiến trăn trở về thực trạng giáo viên tìm cách chuyển về xuôi. 3 năm qua, đã có hơn 100 giáo viên chuyển đi, chưa kể hàng trăm đơn cũng có nguyện vọng như vậy. Đáng tiếc, khoảng 70% trong số này đều là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Năm học 2022-2023, đã có 23 giáo viên các cấp học chuyển ngoại huyện.
Toàn huyện Kỳ Sơn có 1.923 giáo viên thì 45% là người ở xuôi đến. Số giáo viên xin về Kỳ Sơn dạy học 3-4 năm trở lại đây tính trên đầu ngón tay, chủ yếu là những trường hợp xin về để gần chồng công tác tại đây. Không có quy định luân chuyển liên huyện, tâm lý e ngại “đi mà không biết ngày về” chính là rào cản lớn. Cái khó nữa là cùng đi xa như nhau nhưng chế độ 70% phụ cấp đứng lớp và 50% phụ cấp vùng biên chỉ áp dụng cho những vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, còn giáo viên dạy ở trung tâm huyện không có chế độ này.
Ông Phạm Viết Phúc, quyền Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn trăn trở: “Việc có chính sách riêng cho giáo viên lên tăng cường ở vùng cao là điều ngoài quy định”. Trong khả năng của mình, địa phương chỉ có thể tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên phát triển chuyên môn, cải thiện đời sống như thuyên chuyển giáo viên về vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn để tăng thêm tiền lương, tiền hỗ trợ vùng đặc thù (3 năm với nữ và 5 năm với nam).
Những giáo viên có năng lực, chuyên môn được cử tham gia các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, được bổ sung vào lực lượng cốt cán của phòng, của tỉnh. Hiện trong số 82 trường học trên toàn huyện, khoảng 65% trường có giáo viên vùng xuôi lên đang là hiệu trưởng, hiệu phó.
Theo nhu cầu hiện tại của 3 cấp học, ngành giáo dục Kỳ Sơn thiếu hơn 100 giáo viên. Giải pháp tạm thời mà ông Phạm Viết Phúc chia sẻ là sáp nhập, dồn ghép điểm lẻ. Cứ 3 lớp thì giảm được 6 giáo viên. Họ kỳ vọng đề án cử tuyển dành cho học sinh lớp 12 ở địa phương có nguyện vọng học sư phạm và cơ chế giữ chân giáo viên được thực hiện sẽ giải quyết bài toán này. Tuy nhiên, với 15 tỷ đồng nguồn lực đầu tư cho giáo dục năm học 2022-2023, ngành giáo dục Kỳ Sơn có lẽ còn phải chờ đợi lâu để đạt được như mong muốn.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh được tiếp cận môn Tin học.
Tiêu chí để giáo viên chuyển về được phải là giáo viên dạy giỏi. Trừ người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, những ai có trình độ chuyên môn cao đều có xu hướng chuyển về gần nhà. Chất lượng giáo dục của Kỳ Sơn vì thế mà cứ loay hoay, nhất là khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai. Họ có nguy cơ “trắng” giáo viên các môn mới như Tin học, Ngoại ngữ.
“Những chính sách thu hút thực tế chỉ trên văn bản, huyện không đủ điều kiện kinh tế để đưa ra một cơ chế khuyến khích, thu hút bằng tiền hay xây nhà. Việc này hoàn toàn dựa vào chính sách của Nhà nước”, bà Vi Thị Quyên, Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thẳng thắn nói. Không chỉ giáo viên là người miền xuôi muốn chuyển đi, ngay cả người của huyện Kỳ Sơn cũng không muốn về mà xin dạy ở nơi khác.
Nói về việc cử tuyển, bà Quyên thông tin: “Huyện đã có ý tưởng tuyển nguồn giáo viên người địa phương nhưng hiện câu chuyện chất lượng đầu vào còn thấp, sau này không bảo đảm. Chúng tôi dự định năm học tới tổ chức công tác phát hiện những học sinh có năng khiếu, học lực tốt ở các bộ môn đang thiếu để khuyến khích, hỗ trợ các em sau này đi học, ra trường cam kết có việc làm cụ thể”.
Mang câu chuyện luân chuyển ở xứ Nghệ đến hỏi lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, không hiểu vì lý do gì, dù đã đến trực tiếp cũng như qua văn bản đề nghị, sau nhiều lần liên hệ qua các số điện thoại mà ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An cung cấp, người viết cũng chỉ nhận được những lời hứa sẽ trả lời. Câu hỏi “bao giờ cho đến ngày về” của hàng nghìn giáo viên ở Nghệ An vẫn đang chờ những lý giải thỏa đáng!
Niềm vui cuối ngày trên sân bóng chuyền của thầy cô Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Thực hiện Nghị định số 35/2001/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 3281/QĐ-UB ngày 11-9-2002 phê duyệt Đề án tăng cường giáo viên lên công tác tại các huyện miền núi vùng cao và thuyên chuyển giáo viên lâu năm ở các huyện trên về địa bàn thuận lợi hơn, và Quyết định số 37/2003/QĐ-UB ngày 2-4-2003 của UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện chính sách tăng cường giáo viên cho vùng cao. Nhờ vậy, nhiều giáo viên ở vùng cao, vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được thuyên chuyển về vùng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, các quyết định trên đã tổng kết việc thực hiện vào cuối năm 2006. Kể từ năm 2007 đến nay, việc thuyên chuyển giáo viên về vùng thuận lợi không còn có văn bản hướng dẫn. |
Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nhung-bat-cap-trong-thuc-hien-chu-truong-luan-chuyen-giao-vien-bai-2-bao-gio-cho-den-ngay-ve-737732
Ý kiến ()