tle=”Kỳ I: Những bất cập trong sản xuất nông nghiệp”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa ở Tiền Giang.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – vùng châu thổ phì nhiêu, màu mỡ, là vựa lúa, trái cây, vùng nuôi trồng thủy sản… lớn nhất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng, bức tranh phát triển nông nghiệp của các địa phương ĐBSCL hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, sản xuất bấp bênh, phần lớn người nông dân vẫn phải bươn chải, trên mảnh đất để kiếm sống…
Loay hoay “trồng cây này, chặt cây nọ”
Ở ĐBSCL có một “điệp khúc” rất cũ nhưng cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, đó là chuyện nhà nông loay hoay “trồng cây này, chặt cây nọ”. Điều này thể hiện rõ nhất trên khu vực trồng cây ăn trái. Với diện tích hơn 360 nghìn ha, sản lượng gần bốn triệu tấn quả/năm, trong đó có nhiều loại quả ngon nổi tiếng khắp trong nước, ngoài nước như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, quýt hồng, vú sữa Lò Rèn, cam sành…, nhưng nhà vườn ĐBSCL vẫn không thể canh tác và làm giàu ổn định trên vườn cây của mình. Cho đến nay, tuy các vườn xoài, vú sữa, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, cam sành… ít dao động về diện tích, sản lượng do nhà vườn không đành lòng chặt bỏ vườn cây từ năm đến mười năm tuổi đang cho thu hoạch, nhưng bài toán tiêu thụ luôn trở thành mối lo canh cánh trong lòng nhiều người. Ông Đàm Văn Hưng, chủ vựa trái cây Hương Miền Tây ở huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), chuyên xuất khẩu bưởi da xanh, cho biết: “Trái bưởi da xanh đặc sản cũng không thoát khỏi quy luật của thị trường. Nhiều lúc hút hàng, giá bưởi được đẩy lên cao ngất ngưởng gần 30 nghìn đồng/kg, nhưng cũng có lúc bưởi chín đầy vườn, nông dân kêu gọi mà chủ vựa không dám thu mua vì giá bưởi rớt xuống dưới 15 nghìn đồng/kg, mua vào là lỗ nặng”.
Ở miệt vườn ĐBSCL, câu chuyện mận An Phước, dù đã qua năm năm, nhưng vẫn còn nóng hổi. Năm 2006, nhà vườn các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… lên cơn sốt trồng mận An Phước vì giá bán cao trên thị trường: từ 15 nghìn đến 20 nghìn đồng/kg, có bao nhiêu trái thương lái vô vườn thu mua hết bấy nhiêu. Hàng chục nghìn ha đất vườn được nhà vườn cải tạo để trồng mận An Phước. Kết quả là từ năm 2011 đến nay, giá mận An Phước khi thu hoạch rộ chỉ có 2.500 đồng/kg nhưng hiếm người mua, nhiều khu vườn mận ở Bến Tre, Vĩnh Long quả chín rụng đầy vườn không ai thèm thu hoạch, vì tiền thuê nhân công hái một kg quả mận cao hơn tiền bán mận. Trong lúc cây mận An Phước đang “hết thời” nhà vườn ĐBSCL ùn ùn phá mận để trồng ổi không hạt, mít Thái-lan, xoài Đài Loan (Trung Quốc)… Cho đến giữa tháng 5-2012, khi ngành nông nghiệp các tỉnh vẫn chưa có số thống kê chính thức diện tích xoài Đài Loan, ổi không hạt, mít Thái-lan… thì các loại trái cây này lại thi nhau rớt giá khiến nhiều người ngậm đắng nuốt cay. Ông Út Hiện (Phạm Hữu Hiện), nhà vườn ba đời trồng nhãn ở cù lao An Nhơn (Châu Thành, Đồng Tháp), lý giải: Chuyện mận An Phước, ổi không hạt, mít Thái-lan, xoài Đài Loan chẳng khác gì mấy so với chuyện cây nhãn ở ĐBSCL. Trước đây, khi cây nhãn long tràn ngập các tỉnh trong vùng với diện tích có lúc lên đến hơn 100 nghìn ha thì giá bán trái nhãn chỉ còn chưa tới 500 đồng/kg. Lúc đó nhãn tiêu da bò giá hơn 10 nghìn đồng/kg, người ta lại đua nhau chặt nhãn long, trồng nhãn tiêu da bò. Rồi cũng chỉ được vài năm, nhãn tiêu da bò rớt giá, thêm bệnh chổi rồng hoành hành, bây giờ nhà vườn đang phá vườn nhãn tiêu trồng nhãn Ido, một giống nhãn rất mới. Không thể trách nhà vườn vì họ phải tự tìm thị trường tiêu thụ nên luôn nghe ngóng thông tin, trái cây nào đang có giá là họ sẵn sàng lao theo mua cây giống về trồng, với suy nghĩ “ai nhanh tay hơn thì thắng”. Thực tế chứng minh chỉ một số ít người nhanh tay là thắng, nhờ bán trái, cây giống, nhưng đa phần những người theo sau đều thua trắng. Nhà vườn phải tự quyết định trồng cây gì, bán cho ai, ở đâu, nên cứ mãi trồng – chặt là vậyể. Theo ông Út Hiện, nếu ngành nông nghiệp không thể chấm dứt được điệp khúc “trồng – chặt” thì không thể xây dựng được những mô hình phát triển vườn cây ăn trái bền vững.
Công nghiệp chưa thật sự thúc đẩy sản xuất phát triển
Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, các địa phương ĐBSCL tập trung quy hoạch và kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp (KCCN). Đây là hướng mở trong việc giải quyết số đông lao động, nâng cao thêm thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt còn là “chỗ dựa” cho việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế chứng minh, sự hình thành một cách ồ ạt các KCCN thời gian qua ở ĐBSCL, không những không thể hiện được vai trò vững chắc trong tiêu thụ nông sản cho vùng nguyên liệu rộng lớn này, mà còn tạo ra nhiều bất cập, nhất là lãng phí đất đai.
ĐBSCL hiện đã quy hoạch và hình thành 111 KCCN với tổng diện tích hơn 24 nghìn ha, tập trung nhiều nhất và với quy mô lớn là các tỉnh Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang… Việc phát triển các KCCN trong vùng đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về công nghiệp hóa, là động lực phát triển nông thôn, góp phần đáng kể vào phát triển nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL, trực tiếp là các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản. Tuy nhiên, nhìn tổng thể kinh tế của vùng nói chung và công nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tại, phần lớn các KCCN “được đánh giá là hiệu quả” chỉ mới sử dụng khoảng 40 – 50% diện tích đất, có những nơi chỉ “lèo tèo” vài dự án. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ năm 2011, các KCCN mới chỉ cho thuê hơn 810 ha, đạt tỷ lệ hơn 22%. Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL còn thành lập 177 cụm công nghiệp, tổng diện tích 15.457 ha. Trong số này, mới có 15 cụm được các doanh nghiệp thuê hơn 700 ha đất, đạt tỷ lệ 4,5%. Như vậy, ĐBSCL đang lãng phí đất rất lớn trong các KCCN với diện tích lên đến hơn 17.600 ha (hơn 92% diện tích quy hoạch). Đáng chú ý là hàng nghìn ha đất cặp sông Tiền, sông Hậu từ thượng nguồn đến hạ nguồn, được các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học đánh giá là rất tốt, cần được bảo vệ để phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, cây ăn quả đặc sản, rau màu), đã và đang bị biến thành KCCN.
Mới đây, một số chuyên gia về cây ăn trái ở ĐBSCL đã đề xuất nên xây dựng mô hình vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung như mô hình cánh đồng mẫu lớn trong canh tác lúa để phát triển bền vững cây ăn trái. Nhưng khi đặt vấn đề ai tiêu thụ sản phẩm đồng loạt, tập trung số lượng lớn thì tất cả đều… không có lời giải đáp, bởi lẽ hiện tại các nhà máy chế biến trái cây ở ĐBSCL mới có lác đác và năng lực rất hạn chế. Hàng trăm KCCN ở các tỉnh với nhiều dự án đã hoạt động nhưng lại rất ít dự án đầu tư vào lĩnh vực chế biến trái cây. Đơn cử như tại Đồng Tháp, một dự án xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến trái cây và nước ép trái cây với vốn đầu tư 5 triệu USD, công suất bảo quản 7.000 tấn/năm, chế biến trái cây đóng hộp 15 nghìn tấn/năm, nước ép trái cây 2,5 triệu lít/năm tại Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, kêu gọi đã nhiều năm nhưng… không tìm được nhà đầu tư. Và, trong lúc ngành nông nghiệp loay hoay tìm lời giải cho điệp khúc “trồng – chặt” thì nhiều vườn cây ăn trái, đất trồng lúa tiếp tục bị nhà nông tự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Gần đây nhất, trong năm 2011, khi UBND tỉnh Bến Tre đang chủ trương xây dựng “Dự án cải tạo vườn dừa kém hiệu quả giai đoạn 2012 – 2016” với tổng kinh phí ước tính khoảng 12 tỷ đồng trên quy mô 5.000 ha, trong đó nhà vườn được hỗ trợ 50% chi phí cây giống và tập huấn kỹ thuật, thì tại huyện Bình Đại… nhiều chủ vườn dừa công khai thuê mướn máy ủi, máy xúc đốn hạ hàng nghìn cây dừa đang cho trái để lấy đất đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Chỉ riêng ở huyện Bình Đại, diện tích nuôi tôm thẻ tới thời điểm này đã đạt hơn 1.000 ha, tương đương định hướng quy hoạch đến năm 2020.
Tại Tiền Giang, nông dân huyện Cai Lậy cũng tự ý phá vỡ đất lúa, đào hàng trăm ha ao nuôi cá tra giống với mong muốn làm giàu nhanh, nhưng đành ngậm đắng nuốt cay khi giá cá tra giống trên thị trường đang rớt thê thảm… Hay như tại Long An, Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam xây dựng gần 10 năm với số vốn ba nghìn tỷ đồng, đến nay mới “chuẩn bị” chính thức đi vào hoạt động. Điều đáng nói là, nhiều người dân trong vùng nguyên liệu đay từ phấn khởi ban đầu đã không còn hào hứng với việc trồng đay cung cấp cho nhà máy. Nguyên nhân chính là do người dân không thấy được hiệu quả của việc trồng đay so với trồng lúa, và nhà máy cũng chưa có nhiều hỗ trợ để người trồng đay bớt khó khăn. Chính vì thế, nhà máy với công suất 100 nghìn tấn bột/năm, chỉ hoạt động trong vòng bốn tháng là thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Và, nếu không có kế hoạch đầu tư và các chính sách hỗ trợ nông dân trong việc mở rộng vùng nguyên liệu đay phục vụ nhà máy hoạt động thì đây là sự lãng phí không nhỏ.
Trên lĩnh vực nuôi thủy sản cũng cùng chung tình cảnh: Doanh nghiệp và người nuôi vẫn chưa thật sự gặp nhau để cùng giải quyết mối liên kết bền vững cùng phát triển. Thời sự nhất, là cá tra. Khi xuất khẩu cá tra mang về hơn một tỷ USD vào năm 2009, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng nghề nuôi cá tra đang phát triển ổn định, vững chắc với sự xuất hiện của hàng chục nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ở các địa phương như: Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang… Lúc đó ở ĐBSCL “người người đào ao nuôi cá, nhà nhà đào đào nuôi cá”. Từ vài trăm ha mặt nước nuôi cá tra, diện tích này đã tăng ào ạt lên vài nghìn ha. Thế nhưng, liên tục trong ba năm gần đây, giá cá tra nguyên liệu rớt thê thảm, khiến nhiều nông dân lâm cảnh trắng tay, ao hầm bỏ hoang vì càng nuôi càng lỗ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, tình hình này kéo dài đã khiến hàng loạt hộ nuôi phải ôm nợ, và số ao hầm bỏ hoang sẽ tiếp tục tăng.
Từ thực tế này cho thấy, nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu thủy sản rất phập phù, nguy cơ thua lỗ rất cao. Có thể nói chỉ khi nào doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người nuôi cùng hợp tác, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro thì lúc đó nghề nuôi mới có cơ may phát triển bền vững, ổn định…
Theo Nhandan
Ý kiến ()