Những bất cập cần tháo gỡ
LSO-Dạy nghề trong các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) được tỉnh ta thực hiện từ năm 2010. Đây là điều kiện thuận lợi để học sinh (HS) tốt nghiệp THPT có cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi hoàn thành chương trình học. Tuy nhiên, sau 1 khóa đào tạo, việc dạy nghề ở các trung tâm GDTX bộc lộ những bất cập cần tháo gỡ.
Học sinh thực hành cắt gọt kim loại tại Trường Trung cấp nghề Việt Đức |
Cái được lớn nhất của chương trình này là kết thúc chương trình học phổ thông, HS tại các trung tâm GDTX đồng thời được cấp bằng trung cấp nghề, đặc biệt với những em có hoàn cảnh khó khăn hoặc điều kiện không cho phép học các trường cao đẳng, đại học có thể tìm được việc làm. Với ý nghĩa thiết thực đó, từ năm 2010, Trường Trung cấp Nghề Việt Đức đã phối hợp với một số trung tâm GDTX tổ chức cho HS học nghề song song với học văn hóa. Hiện nhà trường liên kết dạy nghề với các trung tâm: GDTX 2, GDTX Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn. Số lượng HS theo học chiếm khoảng 2/3 tổng số HS học nghề, với 25/35 lớp nghề và khoảng 600 HS theo học. Điều đó cho thấy vai trò và vị trí quan trọng của việc dạy nghề trong các trung tâm GDTX. Ông Đào Mạnh Hằng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Nghề Việt Đức cho biết: để tổ chức cho HS vừa học văn hóa, vừa học nghề, nhà trường phối hợp với trung tâm tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trung bình mỗi tuần học sinh sẽ học 25 – 30 tiết nghề song song với việc học văn hóa.
Tuy nhiên, thực tế công tác này bộc lộ những bất cập cần được tháo gỡ. Đó là việc đi lại, sắp xếp giờ giảng khó khăn cho giáo viên thực hiện nhiệm vụ do các lớp ở xa trường nghề, phụ thuộc nhiều vào lịch học của trung tâm, nhất là các lớp đang học văn hóa lớp 12. Thêm vào đó, phần lớn các trung tâm chưa được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết nên nội dung học vẫn còn nặng về lý thuyết, ít thực hành, gây tâm lý chán nản cho HS. Thời gian học nghề kéo dài 3 năm, trong khi phần lớn học sinh học nghề ở trung tâm GDTX nhà xa, điều kiện hoàn cảnh khó khăn nên các em khó có điều kiện đóng học phí để theo học nghề… Điều này kéo theo hệ quả đầu vào khóa học nghề vừa qua (từ năm 2010 đến 2013) có khoảng 1.500 HS nhưng chỉ có khoảng 300 HS thi và tốt nghiệp trung cấp nghề theo hệ liên kết này.
Trung tâm GDTX huyện Cao Lộc là trung tâm duy nhất hiện áp dụng việc học lý thuyết ở trung tâm và thực hành ở Trường Trung cấp Nghề Việt Đức. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm: từ năm 2010, nhà trường có mở 3 lớp nghề gồm may thời trang, điện dân dụng và quản trị mạng với đầu vào khoảng 90 HS. Tuy nhiên, hết năm 2013, chỉ có 36 em dự thi tốt nghiệp trung cấp nghề. Nguyên nhân là việc tổ chức thi tốt nghiệp trung cấp nghề sau kỳ thi tốt nghiệp văn hóa. Vì vậy đa số các em có nhiều điều kiện lựa chọn các khoa, trường khác hoặc trở về địa phương, hoặc đi làm công nhân ở ngoài tỉnh nên không tham dự kỳ thi này để lấy bằng tốt nghiệp. Quan trọng hơn là việc dạy nghề trong trung tâm chưa gắn với đào tạo có địa chỉ, chưa tạo được đầu ra cho HS sau khi học nghề nên nhiều em không mặn mà theo học. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng năm học này trung tâm vẫn đang tích cực tư vấn học nghề, hướng nghiệp cho HS. Hiện đã có 40 HS đăng ký học nghề may thời trang và cắt gọt kim loại.
Trước những tồn tại của công tác dạy nghề trong các trung tâm GDTX, được biết Sở GD&ĐT đang có chủ trương sẽ yêu cầu các trung tâm GDTX phải tổ chức học nghề cho HS, tạo thêm cơ hội cho các em khi tốt nghiệp ra trường. Chủ trương này được xem là phù hợp với thực tiễn, gỡ khó cho công tác tuyển sinh học nghề, tạo ràng buộc giữa trường nghề và các trung tâm GDTX, tăng trách nhiệm đối với loại hình đào tạo nghề trong các trung tâm GDTX. Năm học này, Trường Trung cấp Nghề Việt Đức sẽ tiếp tục phối hợp triển khai học nghề với Trung tâm GDTX 1 và Trung tâm GDTX Đình Lập để đáp ứng nhu cầu của HS. Mong rằng bên cạnh những nỗ lực các nhà trường, các cấp, ngành liên quan như Sở GD&ĐT, Sở LĐTB&XH cần có chỉ đạo sát sao hơn nữa để loại hình liên kết đào tạo nghề ở các trung tâm GDTX thực sự phát huy hết hiệu quả, góp phần cùng toàn tỉnh nỗ lực thực hiện mục tiêu đạt 41% tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2014.
THANH HÒA
Ý kiến ()