Rắc rối này xảy ra trong lúc EU lúng túng đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công đang chao đảo liên minh tiền tệ chung.
Tạp chí Trung tâm Cải cách châu Âu mới đây có bài phân tích diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bài báo viết, trong khi thỏa thuận cứu trợ mà Bồ Đào Nha ký với Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) còn chưa ráo mực, thì ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc giải cứu tương tự dành cho Hy Lạp năm ngoái đã không thể cải thiện sức khỏe nền tài chính công của nước này. Thậm chí có tin đồn thổi rằng, Chính phủ Đức đã lên kế hoạch 'tống' Hy Lạp ra khỏi Eurozone. Các gói cứu trợ dành cho Hy Lạp và Ai-len khiến hai quốc gia này phải đối mặt với chi phí vay nợ cao kỷ lục, thay vì giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường tài chính. Lý do được nói đến rất nhiều. Thị trường không tin rằng kinh tế các nước đang gặp khó khăn trong Eurozone sẽ tăng trưởng đủ nhanh để trả nợ. Cho các nước này vay thêm tiền, các gói cứu trợ càng khiến giới đầu tư hoài nghi hơn. Triển vọng đối với Bồ Đào Nha cũng tương tự, dù nước này được EU và IMF ưu đãi với các điều khoản ít hà khắc hơn.
Cả ba nước nêu trên sẽ phải tái cơ cấu các khoản nợ của họ. Ban đầu, EU tìm cách để các nước này được 'tái cơ cấu mềm', nghĩa là họ sẽ được hưởng các khoản vay có kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn. Nhưng giải pháp này sẽ không thành công, và năm 2003 các nước này sẽ không còn lựa chọn nào khác là phải 'tái cơ cấu cứng' (vỡ nợ), trong đó ít nhất 50% số nợ sẽ được xóa bỏ. Thật không may, ngay cả khi phải chấp nhận 'tái cơ cấu cứng', sẽ không có gì bảo đảm các nước khủng hoảng sẽ duy trì được quy chế thành viên của Eurozone, ít nhất là trường hợp của Hy Lạp và Bồ Đào Nha.
Tái cơ cấu ở quy mô như trên sẽ rất phức tạp và đầy rủi ro. EU sẽ phải bơm vốn cho các ngân hàng ở nước bị khủng hoảng nợ, nơi đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu của chính phủ nước sở tại. Các ngân hàng của những nước khỏe mạnh thuộc Eurozone 'trót' có nhiều khoản cho vay đổ vào 'con nợ' sẽ phải vay thêm vốn từ khu vực tư nhân hoặc từ chính phủ. Tuy nhiên, đến gần thời điểm chuẩn bị diễn ra 'tái cơ cấu cứng' vào năm 2013, các chính phủ thuộc EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF sẽ phải 'gánh' ít nhất một nửa số nợ mà các chính phủ 'con nợ' đã vay từ khu vực tư nhân. Như vậy, ECB sẽ phải tự mình vào sổ những khoản lỗ khổng lồ từ việc cho các ngân hàng ở các nước 'con nợ' vay tiền.
Nhưng, giả thiết rằng mọi kế hoạch tái cơ cấu sẽ thành công mà không xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính có hệ thống. Điều gì sẽ diễn ra sau đó? Liệu phương án 'tái cơ cấu cứng' hay vỡ nợ có giải quyết được cuộc khủng hoảng không. Cắt giảm gánh nặng nợ nần cho các nước bị khủng hoảng sẽ chỉ giúp họ xử lý vấn đề được đến như vậy. Suy cho cùng, lãi suất chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ (dù đang tăng nhanh) trong tổng vay nợ của họ. Cắt giảm được 50-60% tổng số tiền phải trả hằng tháng đối với các khoản vay nợ chắc chắn sẽ cải thiện sức khỏe tài chính của các nước này về lâu dài. Nhưng trừ phi các nước này phục hồi được tăng trưởng kinh tế hoặc phải chấp nhận mức lãi suất cắt cổ, họ sẽ khó lòng vay vốn được trên thị trường trái phiếu. Trong số ba quốc gia EU bị khủng hoảng nợ công hiện nay, chỉ có Ai-len là có cơ hội thuyết phục được các nhà đầu tư nhất. Giả sử nợ công của Ai-len giảm được khoảng 50% vào năm 2013, khi đó tỷ lệ nợ công sẽ giảm xuống còn khoảng 60% GDP – mức khả dĩ có thể kiểm soát. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, Ai-len sẽ vẫn bị thâm hụt ngân sách cực lớn, đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện các biện pháp khắc khổ.
Nhưng với Hy Lạp và Bồ Đào Nha, bức tranh đều sẽ u ám hơn. Các nhà đầu tư không tin rằng nền kinh tế Hy Lạp sẽ đủ sức chịu đựng được các chương trình giảm chi ngân sách cần thiết để kéo tụt mức thâm hụt hiện vẫn còn quá cao này. Chính phủ Hy Lạp sẽ phải phụ thuộc vào các khoản vay nước ngoài là chính để vá các lỗ hổng thâm thủng ngân sách. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Hy Lạp đã giảm, nhưng vẫn còn rất lớn. Hy Lạp sẽ khó lòng lấy xuất khẩu để làm dịu đi hậu quả của các biện pháp. Hy Lạp hầu như chỉ giao thương với các nước EU vốn cũng đang trì trệ. Các nhà đầu tư chắc chắn cho rằng, họ sẽ không được giải cứu thêm một lần nữa và do đó sẽ đóng cánh cửa thị trường vốn trước mũi Hy Lạp.
Với Bồ Đào Nha, nước này có mức nợ công khoảng 95% GDP, nhưng lại có tỷ lệ thâm hụt ngân sách lớn, nợ tư nhân cao và thâm hụt vãng lai ở mức tương đương Hy Lạp. Tổng nợ chính phủ và tư nhân của Bồ Đào Nha (không tính nợ liên ngân hàng) hiện vào khoảng 300% GDP. Một phần của nợ tư nhân cuối cùng sẽ được chính phủ gánh thay. Theo cam kết với EU và IMF, Bồ Đào Nha sẽ phải giảm được 35 tỷ ơ-rô nợ trong hệ thống ngân hàng, tương đương 20% GDP. Nhưng với việc nền kinh tế Bồ Đào Nha chắc chắn sẽ suy thoái trong hai năm tới. Số nợ từ khu vực tư nhân chuyển sang khu vực Nhà nước sẽ cao hơn nhiều con số 35 tỷ ơ-rô. Kinh tế Bồ Đào Nha mở cửa hơn Hy Lạp, nhưng không thể mở bằng Ai-len, và cũng không giao thương nhiều với các bạn hàng ngoài EU. Hơn nữa, Tây Ban Nha – thị trường xuất khẩu chính của Bồ Đào Nha – đã qua nhiều năm tăng trưởng trì trệ do nước này cũng phải vật lộn với những khó khăn tương tự như của người hàng xóm.
Theo bài báo, việc các nước khu vực Eurozone tiếp tục tung ra các khoản cứu trợ mới dành cho Hy Lạp và Bồ Đào Nha là khó xảy ra. Các nước sẽ nhận thấy rằng tiếp tục cho một nước, vốn đã bấp bênh trên khoản nợ hiện có, vay thêm tiền sẽ không thể giải quyết vấn đề. Như vậy sẽ có hai giải pháp: Chuyển nhượng tài chính hoặc 'tống khứ' kẻ gây phiền toái ra khỏi liên minh tiền tệ. Tuy nhiên, cả hai giải pháp này đều là những bài toán rất khó đối với EU.
Ý kiến ()