LSO-Từ thực tiễn 80 năm Đảng lãnh đạo, nền báo chí đã phát triển và lớn mạnh nhằm thực hiện từng bước thắng lợi cương lĩnh cách mạng, có thể rút ra những vấn đề cốt tử có ý nghĩa không chỉ như sự đúc kết đánh giá những kinh nghiệm trong quá khứ mà còn có giá trị như cơ sở thực tế cho việc hoạch định chính sách, tổ chức, phát triển hệ thống báo chí trong tương lai.Thứ nhất: Có thể nói rằng việc đánh giá đúng tầm quan trọng và to lớn của báo chí là nhận thức nhất quán từ khi thành lập Đảng đến các kỳ đại hội Đảng, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các đồng chí có trách nhiệm cao trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp. Điểm khởi đầu của nền báo chí cách mạng đó chính là tờ báo “Thanh niên” do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và tổ chức xuất bản nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, giáo dục, cổ vũ lòng yêu nước, tổ chức nhân dân đứng vào hàng ngũ cách mạng.Thứ hai: Đảng nắm vững...
LSO-Từ thực tiễn 80 năm Đảng lãnh đạo, nền báo chí đã phát triển và lớn mạnh nhằm thực hiện từng bước thắng lợi cương lĩnh cách mạng, có thể rút ra những vấn đề cốt tử có ý nghĩa không chỉ như sự đúc kết đánh giá những kinh nghiệm trong quá khứ mà còn có giá trị như cơ sở thực tế cho việc hoạch định chính sách, tổ chức, phát triển hệ thống báo chí trong tương lai.
Thứ nhất: Có thể nói rằng việc đánh giá đúng tầm quan trọng và to lớn của báo chí là nhận thức nhất quán từ khi thành lập Đảng đến các kỳ đại hội Đảng, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các đồng chí có trách nhiệm cao trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước các cấp. Điểm khởi đầu của nền báo chí cách mạng đó chính là tờ báo “Thanh niên” do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và tổ chức xuất bản nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, giáo dục, cổ vũ lòng yêu nước, tổ chức nhân dân đứng vào hàng ngũ cách mạng.
Thứ hai: Đảng nắm vững quyền lãnh đạo báo chí là nguyên tắc “bất di bất dịch”, là vấn đề sống còn của cách mạng. Thực tế 80 năm Đảng lãnh đạo đối với báo chí là một nguyên tắc hàng đầu quyết định. Nó thể hiện trên các mặt: định hướng nội dung, hoạch định chủ trương, chính sách phát triển, kiểm tra, đánh giá, xử lý kịp thời những vấn đề nẩy sinh; lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và kiểm tra hoạt động của đội ngũ báo chí. Do nắm vững vai trò lãnh đạo đối với báo chí mà Đảng ta đã kịp thời định hướng báo chí và giáo dục nâng cao trình độ dân trí, định hướng chính trị – xã hội cho nhân dân. Đã kịp thời ngăn chặn và vạch mặt những âm mưu, thủ đoạn phá hoại tư tưởng – văn hóa của kẻ thù, thông qua báo chí để giáo dục tinh thần yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân vững chắc trong chiến tranh cách mạng cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Phóng viên tác nghiệp – Ảnh: Lộc Hoàn
Thứ ba: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã được xây dựng, phát triển nhằm thực hiện mục tiêu cao cả của cách mạng là giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, nền báo chí ấy gắn liền với số phận nhân dân, hoạt động vì nhân dân. Tính chất của nền báo chí ấy được định bởi cương lĩnh của Đảng, bởi mục tiêu của cách mạng mà Đảng lãnh đạo, tổ chức thực hiện, được khái quát bằng một câu: “Báo chí vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể vừa là diễn đàn của nhân dân”. Hay nói cách khác, báo chí là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân, là sự liên hệ giữa dân với Đảng. Nó không chỉ là phương tiện của Đảng để tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mà còn thể hiện tâm tư nguyện vọng cũng như trí tuệ của nhân dân tham gia quản lý xã hội. Ngay từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (tháng 3, năm 1931), Đảng đã khẳng định “Các báo của Đảng là những cơ quan liên lạc của Đảng và quần chúng lao khổ”. Tính nhân dân, tính dân tộc và hiện đại của nền báo chí nước ta được thể hiện từ nội dung đến hình thức, từ quy mô phát triển lẫn hình thức phát hành. Bất cứ những biểu hiện nào đi chệch tính chất đã được xác định đều được kiểm tra, phát hiện và uốn nắn kịp thời. Trong Chỉ thị 08 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII, Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VII và Nghị quyết Đại hội khóa IX, X… Đảng đã kiên quyết phê bình khuynh hướng thương mại hóa báo chí, lên án hiện tượng một số tờ báo chạy theo thị hiếu tầm thường mà xa rời tôn chỉ, mục đích, làm hoen ố đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội.
Thứ tư: Có thể nói rằng chính sự lãnh đạo của Đảng và tính chất của nền báo chí cách mạng Việt Nam thể hiện trước hết ở công tác cán bộ. Bởi vì khâu cán bộ có ý nghĩa quyết định trong hoạt động báo chí. Cán bộ có năng lực luôn là điều kiện tiên quyết để giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ là dây chuyền của bộ máy tổ chức, nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt đến mấy cũng bị tê liệt”. Hoạt động báo chí là hoạt động chính trị – xã hội. Dù có ý thức hay không ý thức thì các sản phẩm báo chí vẫn cứ tác động và can dự vào các quan hệ chính trị – xã hội, tham gia thúc đẩy hay cản trở khuynh hướng vận động tiến trình của thời đại. Do đó việc tạo ra sản phẩm báo chí đạt chất lượng ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào người cán bộ làm báo.
Nhìn một cách tổng thể, những vấn đề đã đề cập trên là những nhận xét khoa học, từ thực tiễn lịch sử của cả nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây vẫn còn là những vấn đề nóng hổi mang tính thời sự của thế kỷ XXI.
80 năm lịch sử oanh liệt và anh hùng của dân tộc ta cũng là 80 năm liên tục phát triển và trưởng thành của nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh. Trong suốt 80 năm ấy, dưới ánh sáng chỉ dẫn của Đảng và Bác Hồ, nền báo chí cách mạng luôn là đội quân xung kích, đi đầu trên mặt trận công tác tư tưởng, góp phần to lớn vào mỗi chiến công của cách mạng, vào từng bước chuyển biến đi lên của đất nước. Nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng tự hào đã đứng vững trên lập trường cách mạng, kiên định trước mọi thử thách khắc nghiệt, đấu tranh có hiệu quả với kẻ thù giai cấp, kẻ thù dân tộc trung thành son sắt với lý tưởng cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, với sự tin yêu của nhân dân và chiến sĩ cả nước.
Mai Tùng
Ý kiến ()