Những bài học từ bẫy thu nhập trung bình
Thời gian gần đây khái niệm bẫy thu nhập trung bình được nhắc tới như là một cách nói hình tượng về tình trạng của nền kinh tế sau khi đạt được mức thu nhập trung bình nhất định lại bị rơi vào trì trệ. Không những dừng lại ở mức thu nhập đó, không tăng trưởng tiếp mà toàn bộ những gì giúp nền kinh tế tạo ra được mức thu nhập trung bình trong quá trình phát triển trước đây lại trở thành một cản trở cho các bước phát triển tiếp theo.
Có thể nói, việc phấn đấu phát triển từ một nước có thu nhập thấp đến thu nhập trung bình là cả một quá trình không đơn giản, thế nhưng để tiếp tục vươn lên thành nước có thu nhập cao đòi hỏi lại phải trải qua một quá trình cam go hơn rất nhiều. Để quá trình phát triển không dừng lại ở mức thu nhập trung bình, hay nói cách khác là tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì một quốc gia phải hoạch định chiến lược phát triển sao cho duy trì được tốc độ tăng trưởng một cách bền vững.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, tiêu chí của Ngân hàng thế giới trong những năm gần đây, những nước có mức thu nhập bình quân đầu người (GNI) dưới 975 USD là thuộc nhóm thu nhập thấp; những nước có mức thu nhập trong khoảng từ 976-3.855 USD thuộc nhóm có mức thu nhập trung bình thấp; các nước từ 3.856-11.905 USD thuộc nhóm thu nhập trung bình cao; và những nước có mức trên 11.906 USD là nhóm có mức thu nhập cao. Tất nhiên, tiêu chuẩn đánh giá tiêu chí này khá linh hoạt. Dựa vào tiêu chí động, nếu một nước bước vào nhóm các nước thu nhập trung bình nhưng không trở thành nước có thu nhập cao sau một thời gian dài tăng trưởng thì nước đó rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Theo tiêu chí này, trên thực tế, nếu các nước trở nên giàu có nhờ xuất khẩu dầu mỏ sẽ bị loại trừ, ngoài các nền kinh tế phát triển như Mỹ và các nước châu Âu, chỉ có các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,… là thành công trong việc vượt qua nhóm thu nhập trung bình. Rất nhiều nước Mỹ Latinh, đã từng có mức phát triển tương đương với châu Âu, hay như một số nước châu Á đã trở thành nước thu nhập trung bình rất lâu nhưng đã không thể trở thành thành viên của câu lạc bộ các nước giàu. Thậm chí một số nước Mỹ Latinh đã vượt qua ranh giới giữa nhóm thu nhập trung bình và nhóm thu nhập cao lại rơi trở lại nhóm thu nhập trung bình.
Một số bài học từ bẫy thu nhập trung bình
Vấn đề đặt ra là vậy tại sao một số quốc gia, có cùng mức độ phát triển, lại thoát khỏi bẫy phát triển và tại sao một số quốc gia khác lại không thể? Điều này phụ thuộc vào những nhân tố gây ra những cái bẫy hoặc tắc nghẽn trên đường phát triển của một quốc gia. Nhóm nhân tố thứ nhất bao gồm các vấn đề như dân số, hành vi tiết kiệm, vốn nhân lực với giáo dục. Nhóm thứ hai liên quan tới khía cạnh định tính hơn của quá trình tăng trưởng kinh tế như phát triển tài chính hoặc tính đa dạng của nền kinh tế. Nhóm thứ ba liên quan tới các thể chế chính trị như tham nhũng, mâu thuẫn, bất ổn… có thể làm cho một quốc gia bị rơi vào một tình trạng mà nghèo đói tạo ra thể chế kém và ngược lại.
Nhiều khuyến nghị chính sách thường dưới dạng các đề xuất nỗ lực tài chính tập trung trong ngắn hạn, với kỳ vọng là đủ sức mạnh cần thiết để “đẩy” một nền kinh tế thoát khỏi bẫy trong quá trình phát triển, đặc biệt là các nước nghèo thoát bẫy kém phát triển. Các khuyến nghị này thường theo hướng “cú huých lớn”, tăng nhanh thu nhập của các quốc gia thông qua các gói hỗ trợ lớn, với giả định rằng những nguồn hỗ trợ này sẽ đủ để tạo ra một quá trình tăng trưởng kinh tế tự thân. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy chiến lược này không mấy hiệu quả.
Chiến lược thứ hai là thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế tại các quốc gia nhằm tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đã được coi là những bài học thành công. Cụ thể là: thứ nhất, hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế thế giới hiện nay mở hơn và quá trình toàn cầu hóa giúp các quốc gia có thể tăng trưởng cao bằng cách nhập khẩu các ý tưởng, công nghệ và bí quyết từ các nước khác và khai thác nguồn nhu cầu trên thế giới để tạo ra một thị trường sâu rộng và linh hoạt cho sản phẩm của mình. Thứ hai, duy trì được sự ổn định vĩ mô. Trong các giai đoạn phát triển điều chính yếu là phải tránh được những tác động tiêu cực của sự bất ổn định và khó tiên liệu về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân. Thứ ba, có tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao. Mức đầu tư công cao trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng với “định hướng tương lai”, hạn chế tiêu dùng hiện tại để phấn đấu đạt mức thu nhập cao hơn trong tương lai. Thứ tư, tôn trọng các quy luật cân bằng được thị trường. Các doanh nghiệp đều có đầy đủ quyền đối với tài sản của mình để họ yên tâm đầu tư. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính phủ các nước không được can thiệp để phát hiện lợi thế cạnh tranh của nước mình, từ đó tận dụng tốt nhất nguồn nhân lực và vốn. Trong nhiều trường hợp, chính phủ thậm chí định hướng sự phát triển với những chính sách có tầm nhìn và linh hoạt. Thứ năm, có chính phủ quyết tâm, đáng tin cậy và đủ năng lực. Tăng trưởng không chỉ liên quan tới kinh tế mà còn đòi hỏi có một nền tảng chính trị vững chắc. Chính phủ và các cơ quan của chính phủ phải không ngừng tìm kiếm các giải pháp hành động cần thiết để duy trì động lực tăng trưởng kinh tế. Nếu thiếu vắng nền tảng chính trị này thì việc duy trì các chính sách thúc đẩy kinh tế tăng trưởng là rất khó, nếu không nói là không thể làm được.
Vậy tại sao một số quốc gia lại đánh mất động lực tăng trưởng? Câu trả lời cũng không đơn giản bởi vì một quốc gia có thể gặp một hoặc nhiều vấn đề gây hạn chế, thậm chí tạo ra sự bế tắc trong tăng trưởng trong nhiều năm. Những phân tích và kinh nghiệm thực tế có thể thấy một số bài học như sau: Thứ nhất, quản lý kinh tế vĩ mô yếu kém. Điều này là khá rõ ràng vì thiếu sự ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế sẽ trở nên rối ren và nhiều tín hiệu thị trường, chính sách bị che mờ hoặc thậm chí mất đi. Thứ hai, thâm hụt kép về ngân sách và thương mại dẫn tới tình trạng nợ công tăng cao và mất khả năng chi trả và đầu tư công. Thứ ba, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư thấp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nền tảng công nghệ, thiếu máy móc thiết bị chuẩn bị cơ sở cho tăng trưởng dài hạn. Thứ tư, quá tập trung vào các ngành công nghệ thấp, cải tiến công nghệ không đủ nhanh để tham gia các nấc thang giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị toàn cầu, làm cho các sản phẩm của quốc gia đó có chất lượng thấp và khả năng cạnh tranh quốc tế thấp. Thứ năm, cạnh tranh lao động giá rẻ giúp một số quốc gia tạo đà tăng trưởng trong thời gian đầu. Tuy nhiên, kéo dài lợi thế cạnh tranh này có thể dẫn tới hệ quả là trình độ nguồn nhân lực thấp. Thứ sáu, không tạo ra được một môi trường để phát triển khu vực doanh nghiệp năng động và có khả năng cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là khu vực tư nhân.
Và một hàm ý cho Việt Nam
Việt Nam đang phải đối mặt với sự không ít thách thức để duy trì tốc độ tăng trưởng cao của sự phát triển trong thời gian dài. Các doanh nghiệp trong nước vẫn thiếu cạnh tranh, các chính sách và thể chế vẫn còn yếu so với tiêu chuẩn khu vực Đông Á. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ năm 1990 chủ yếu dựa trên gia tăng đầu vào, bao gồm cả việc mở rộng tín dụng. Mặc dù nguồn cung lao động tăng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực về cơ bản chưa được cải thiện. Đầu tư đóng góp tương đối cao trong tăng trưởng GDP của Việt Nam. Tổng mức đầu tư so với GDP đã tăng đáng kể từ năm 2000. Tuy nhiên, hiệu quả của mức độ đầu tư cao đã bị một số học giả hoài nghi khi so sánh chỉ số ICOR của Việt Nam với các nước Đông Á lân cận. Gần đây, tốc độ tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu trong khi nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một hệ quả trực tiếp của việc áp dụng một chiến lược tăng trưởng dựa trên đầu tư là gia tăng khoảng cách đầu tư và tiết kiệm. Tỷ lệ tiết kiệm trong nước ở Việt Nam là vừa phải, khoảng 30%. Bởi vì khoảng cách này, tài khoản vãng lai đã thâm hụt từ năm 2000. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chịu gánh nặng thâm hụt ngân sách.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên hoặc các ngành thâm dụng lao động giá rẻ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng công nghệ cao vẫn rất chậm chạp. Gần đây, Việt Nam đã phải đối mặt với một số vấn đề cho thấy tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế. Vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008, Việt Nam đã phải đối mặt với kinh tế được cho là “nóng” do tăng trưởng tín dụng rất lớn và dòng vốn đầu tư khổng lồ. Việt Nam đã mở rộng tín dụng rất lớn trong năm 2007, cùng với giá năng lượng và lương thực thế giới tăng, đã gây ra áp lực lạm phát. Ngoài ra, để ứng phó với các dòng vốn lớn (cả vốn FDI và đầu tư gián tiếp), điều này đã buộc phải thay đổi các ưu tiên từ tăng trưởng sang ổn định kinh tế vào năm 2008 với các biện pháp như chính sách thắt chặt tiền tệ và cắt giảm chi tiêu công. Chính sách đã phát huy tác dụng và làm giảm lạm phát, kìm hãm thị trường nhà ở và bong bóng tài chính.
Tăng trưởng kinh tế gần đây còn bắt nguồn từ các chính sách mở cửa kinh tế trong đó trọng tâm là tự do hóa thương mại trong những thập kỷ qua. Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006, nền kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi to lớn. Mặc dù nguồn FDI dồi dào và chuyển giao công nghệ, chi phí lao động rẻ và tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam vẫn còn kém cạnh tranh quốc tế do chi phí giao dịch cao….
Những khó khăn hiện nay của nền kinh tế có thể khái quát hóa hai nhóm nguyên nhân làm nền tảng sâu xa cho hiện trạng kinh tế của Việt Nam. Thứ nhất, sự hội nhập vào môi trường toàn cầu của Việt Nam chưa thực sự thích ứng giữa thị trường trong nước và môi trường quốc tế, đặc biệt là việc cấu trúc lại nền kinh tế trong nước chưa tiến tới tương đồng với cấu trúc kinh tế thế giới. Thứ hai, năng suất trong khu vực phi sản xuất tăng nhanh hơn khu vực sản xuất, khiến nguồn lực bị rút khỏi khu vực sản xuất để chuyển sang khu vực phi sản xuất. Quá trình này tự nó tạo ra những bong bóng trên các thị trường tài chính và bất động sản, khiến tỷ suất lợi nhuận càng tăng cao và nguồn lực càng bị rút khỏi khu vực sản xuất.
Có thể nói, đặc thù của tư duy về mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay là cần có sự tương thích hơn nữa với những thay đổi nhanh chóng và lớn lao trong thực tiễn của Việt Nam và thế giới kể từ khi bắt đầu Đổi mới tới nay. Nhiều nước nhỏ ở Đông Nam Á và thành công của họ đều cho thấy một bài học hữu hiệu về sự cần thiết có một khu vực kinh tế tư nhân năng động. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cần được định hướng lại với mục tiêu chủ yếu chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý và tạo lập thị trường. Khu vực kinh tế hộ gia đình ở nông thông cần tiếp tục được giải phóng thông qua đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa và hình thành thị trường đầy đủ trong sản xuất nông nghiệp. Với một tầm nhìn về mô hình tăng trưởng như vậy, Nhà nước cần chủ động lái các nguồn lực chủ chốt trong nền kinh tế vào khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay vì tập trung hóa cho các doanh nghiệp nhà nước lớn. Đối với những ngành non trẻ cần có sự đầu tư xây dựng thông qua vai trò của Nhà nước, thì vai trò tạo dựng thị trường đối với ngành đó cần được đặt ra ngay từ đầu…
Một nước đi sau luôn có lợi thế học hỏi kinh nghiệm của nước đi trước, rút ngắn con đường phát triển và tránh được những cái bẫy làm cản trở sự phát triển. Một số quốc gia đã làm được điều này, rút ngắn con đường bứt phá từ một nước kém phát triển lên hàng các nước phát triển trong vòng vài thập kỷ. Nhưng cũng có nhiều quốc gia đã không làm được điều này mà sau khi đạt mức thu nhập trung bình thì lại mất động lực tăng trưởng. Lịch sử thoát nghèo để trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, dù đó là một lịch sử hết sức gian nan, và có thể có sự chi phối của những yếu tố ngẫu nhiên hay bất ngờ của hoàn cảnh, nhưng dẫu sao nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã thực hiện được, hay về cơ bản là đã thực hiện được. Tuy vậy, từ thoát nghèo đến giàu có và thịnh vượng lại là một quá trình phức tạp, khó khăn và khó kiểm soát hơn gấp nhiều lần.
Việt Nam có thể làm tránh được bẫy thu nhập trung bình hay không và có thể rút ngắn con đường bứt phá hơn nữa không? Câu trả lời hoàn toàn thuộc vào Việt Nam. Mặc dù đang xuất hiện tính dễ tổn thương nhưng xét về tổng thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn hội đủ các điều kiện thuận lợi. Vấn đề là cần phải có một chiến lược bứt phá lên hàng các nước phát triển thông qua tăng trưởng cao và bền vững. Chiến lược này khác hẳn với chiến lược phát triển thoát ra khỏi các nước kém phát triển. Sự khác biệt cơ bản là ở tư duy phát triển, ở quan điểm phát triển, ở thể chế kinh tế cho phát triển.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()