Những bài học tốt về tổ chức xét nghiệm COVID-19
Người dân Hà Nội xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 – Ảnh: Phạm Hải/VNN |
Ở đợt bùng phát dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay), Việt Nam đã thực hiện trên 9 triệu mẫu xét nghiệm COVID-19 cho gần 28 triệu người, qua đó phát hiện, “bóc tách” ra khỏi cộng đồng 343.972 trường hợp F0.
Trao đổi với VietNamNet, TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Trường Đại học Sydney, Australia) nhận định: “Xét nghiệm giúp xác định ca bệnh để có biện pháp phòng lây nhiễm cho người xung quanh, đồng thời theo dõi sức khỏe và điều trị kịp thời. Từ đó, làm chậm tốc độ lây nhiễm, giúp hệ thống y tế có đủ năng lực điều trị các trường hợp bệnh nặng trong lúc chờ phủ đủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân”.
Theo TS. Thu Anh, hiện Việt Nam triển khai công tác lấy mẫu xét nghiệm linh hoạt theo từng địa phương.
Tại các tỉnh thành có số F0 nhỏ, dịch mới chớm lây trong cộng đồng, việc lấy mẫu xét nghiệm sẽ theo phương thức cũ, tức là tập trung chủ yếu vào truy vết để xét nghiệm F1 và sàng lọc nhóm người nguy cơ khác như cán bộ y tế, người có triệu chứng ho sốt.
Khi dịch có dấu hiệu lan ra cộng đồng, để “đi trước”, chặn nguồn lây, cần xét nghiệm rộng trong cộng đồng, từ đó phát hiện các ổ dịch tiềm ẩn và cách ly người nhiễm virus. Một ví dụ điển hình là Đà Nẵng, Thành phố đã triển khai xét nghiệm rộng và chặn đường lây của dịch bệnh nhiều lần.
Với một số địa phương bùng phát dịch mạnh, do nguồn lực cần phân bổ vào nhiều hoạt động phòng chống dịch nên ưu tiên xét nghiệm người có triệu chứng nghi mắc COVID-19 và các nhóm nguy cơ cao khác (như cán bộ y tế, người tiếp xúc nhiều do nhu cầu công việc, người tiếp xúc F0, người dân sống ở vùng phong tỏa).
Nếu lượng mẫu không quá lớn, phương pháp xét nghiệm chủ yếu là RT-PCR đơn hoặc gộp (mẫu trộn dương tính sẽ tiếp tục xét nghiệm mẫu đơn).
Trường hợp năng lực làm PCR còn hạn chế, không thể đáp ứng lượng mẫu quá lớn, việc tầm soát cộng đồng thường sử dụng test kháng nguyên nhanh. Tuy nhiên, loại test này có nhược điểm là chỉ nhạy cao khi bệnh nhân có triệu chứng hô hấp, dễ để “lọt lưới” những ca không triệu chứng.
TS. Thu Anh đánh giá, thực tế với các tỉnh thành đang bùng phát dịch, việc xét nghiệm rộng là vô cùng khó khăn, khi hệ thống xét nghiệm chưa được đầu tư bài bản để đáp ứng quy mô xét nghiệm lớn và liên tục.
“Xét nghiệm một lần không có nhiều ý nghĩa bởi một người có kết quả âm tính hôm nay, đang trong giai đoạn ủ bệnh, hoặc tiếp xúc với F0 ngày mai vẫn có thể dương tính sau vài ngày. Vì thế, xét nghiệm cần được lặp lại”, TS. Thu Anh nói.
Bên cạnh đó, một số hạn chế về công tác xét nghiệm như kit xét nghiệm chưa đủ độ nhạy, việc tổ chức lấy mẫu chưa đảm bảo an toàn, lượng mẫu lớn hơn năng lực xét nghiệm dẫn tới tồn mẫu, chậm trả mẫu… vẫn còn xảy ra tại các địa phương.
Cần đầu tư nhiều hơn cho công tác xét nghiệm
Theo TS.BS Nguyễn Thu Anh, nhiều nước phát triển như Pháp, Mỹ, Canada, Australia,… đã thay đổi phương thức tổ chức xét nghiệm, đem lại hiệu quả cao. Đây là giải pháp mà Việt Nam có thể học hỏi.
Họ tổ chức xét nghiệm theo quy trình sau:
1. Cho phép và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại nhà (không mất sức cho cán bộ y tế, hạn chế tình trạng tụ tập đông người ở điểm lấy mẫu). Người dân được phát ống mẫu có mã barcode, dùng điện thoại scan lên hệ thống xét nghiệm rồi tự lấy mẫu, đóng gói và chuyển tới một điểm tập trung như cơ sở y tế, hiệu thuốc… Việc lấy mẫu có thể thực hiện tại nhà thuốc, trường học, ký túc xá, khu trọ…
Để người dân hợp tác và lấy mẫu tốt, xét nghiệm đi kèm với thông báo nếu dương tính, bệnh nhân sẽ được y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe và cung cấp thực phẩm trong quá trình cách ly tại nhà. Bởi khi không thấy quyền lợi, người dân dễ có xu hướng lấy mẫu không chính xác.
2. Mẫu bệnh phẩm được tập trung lại và vận chuyển về phòng xét nghiệm. Tại tất cả công đoạn, mẫu bệnh phẩm đều được scan barcode lên hệ thống để cán bộ quản lý nắm bắt hiện ống mẫu đang ở đâu, tắc nghẽn công đoạn nào, thời gian chậm trễ là bao nhiêu.
3. Khi ống chuyển tới phòng xét nghiệm, kỹ thuật viên xét nghiệm có trang bị đồ bảo hộ sẽ tiếp nhận, đặt các ống mẫu vào hệ thống robot xử lý mẫu. Sau đó, robot quét mã vạch, tự đánh giá xem mẫu đạt tiêu chuẩn không (ứng dụng công nghệ AI), trả lại mẫu lỗi và thực hiện tất cả các bước xét nghiệm còn lại mà không cần sự can thiệp của kỹ thuật viên.
4. Khi hoàn thành việc xét nghiệm, kết quả tự động ghi nhận lên hệ thống, trả tin nhắn hoặc email thông báo tới người dân, cơ quan y tế chịu trách nhiệm phòng chống dịch trong khu vực và các đơn vị tham gia phòng chống dịch có liên quan. Vì thế, thông tin được cập nhật nhanh chóng, kịp thời.
Kết quả xét nghiệm cũng được chuyển dạng thành QRcode, tích hợp với hệ thống thông tin điện tử để người dân sử dụng mã vạch khi đi làm, đi siêu thị, đi khám bệnh hoặc di chuyển tới các nơi khác.
Ở Canada, chi phí cho 1 mẫu PCR đơn qua dây chuyền tự động là khoảng 20 đôla Canada, tương đương trên 350.000 đồng cho toàn bộ công đoạn từ lấy mẫu đến trả kết quả.
Phương thức xét nghiệm này có nhiều ưu điểm hơn phương thức cũ.
TS Thu Anh phân tích, tại các nước đang ứng dụng hệ thống xét nghiệm công nghệ cao, mỗi hệ thống có thể đạt công suất 100.000 mẫu đơn PCR/ngày hoặc hơn. Tuy nhiên, với phương thức cũ, ngay tại 2 thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TPHCM, công suất trên rất khó đạt được.
Bên cạnh đó, cách lấy mẫu xét nghiệm truyền thống cần huy động rất nhiều nhân lực như người lấy mẫu, người ghi chép, người phân luồng…
Quy trình vận chuyển mẫu, xét nghiệm cũng mất nhiều thời gian hơn: Nhân viên y tế thu gom mẫu, chuyển về phòng lab, dán barcode, ghi tay và thực hiện rất nhiều công đoạn mới có thể bắt đầu xét nghiệm. Khi có kết quả, cần nhập excel, làm phiếu trả kết quả xét nghiệm (bệnh nhân dương tính sẽ được thông báo, người xét nghiệm âm tính đa số không được thông báo).
“Đặc biệt, việc đi lấy mẫu trực tiếp hay tập trung đông nhân lực trong phòng lab dễ lây nhiễm bệnh. Chưa kể có thể xảy ra nhầm lẫn giữa mẫu này với mẫu kia, thất lạc hồ sơ, giấy tờ,… ảnh hưởng đến tính chính xác của xét nghiệm”, TS. Thu Anh nói.
Tại Việt Nam, một số đơn vị y tế tư nhân đã triển khai trả kết quả tự động cho cả mẫu âm tính và dương tính, còn mô hình “dây chuyền xét nghiệm” như trên chưa được thí điểm.
Tuy nhiên, TS. Thu Anh cũng nhấn mạnh, phương thức tổ chức xét nghiệm theo cách nhiều nước phát triển đang áp dụng phải có sự đầu tư về máy móc, hệ thống dây chuyền.
“Việc loại bỏ hoàn toàn SARS-CoV-2 gần như không thể, vì thế sớm hay muộn cũng phải đầu tư vào các hệ thống xét nghiệm năng suất cao, chính xác, tự động như vậy. Đầu tư vào hệ thống xét nghiệm sẽ giúp chúng ta phát hiện các ổ dịch ở giai đoạn sớm, dễ kiểm soát hơn và giảm tác động tới hoạt động kinh tế, xã hội, giáo dục. Đồng thời, hệ thống này còn có thể sử dụng để chẩn đoán các loại bệnh khác”, TS chia sẻ.
Khi chưa có điều kiện áp dụng mô hình trên, theo TS.BS Nguyễn Thu Anh, cần tập trung vào một số giải pháp trước mắt để phát huy hiệu quả vai trò của xét nghiệm.
Thứ nhất, đầu tư về kit test. Kit xét nghiệm nên chọn loại có độ nhạy cao, tránh “bỏ lọt” F0.
Thứ hai, tổ chức xét nghiệm phải có quy trình rõ ràng với các bước nhanh gọn, đảm bảo an toàn. Vật tư, nhân sự, kế hoạch phải được chuẩn bị trước. Nên phối hợp với tổ dân phố địa phương, chia nhóm cư dân để hẹn giờ ra lấy mẫu, tránh tập trung quá đông cùng lúc. Tổ chức lấy mẫu ở khu vực ngoài trời, thông thoáng, hạn chế nguy cơ lây lan; yêu cầu người dân tuân thủ giãn cách.
Thứ ba, xét nghiệm nên có sự lặp lại. “Theo tôi, nếu không làm được PCR đơn thì có thể làm nhiều lần xét nghiệm kháng nguyên nhanh, cách này nhiều nước cũng đã áp dụng. Việc xét nghiệm lặp lại khá tốn kém nên cần cân đối nguồn lực kinh tế, lưu ý tìm các test kit độ nhạy cao sẽ giúp đạt hiệu quả tốt nhất”, TS Thu Anh nói.
Thứ tư, nếu không đủ nguồn lực xét nghiệm số lượng mẫu lớn, cần đảm bảo tối thiểu việc xét nghiệm nhóm nguy cơ cao. Tuy nhiên, phải xác định với cách này, nhiều F0 trong cộng đồng có nguy cơ bị “bỏ lọt”, dịch tiếp tục lây lan và phải quản lý rủi ro bằng giãn cách xã hội chặt chẽ.
Cuối cùng, cần thiết lập hệ thống xét nghiệm giám sát định kỳ trên toàn quốc để có được thông tin đại diện về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, giúp cơ quan chức năng lập kế hoạch ứng phó tốt hơn.
Ý kiến ()