Những bài học của công nghệ
Nếu đứng ở 10 năm trước đây và nhìn vào thế giới công nghệ ngày nay, chắc chắn nhiều người sẽ gọi đó là một sự thần kỳ. Nhưng điều gì ẩn sau sự thần kỳ ấy?
|
David Pogue – Nhà báo công nghệ của The New York Times. |
Tháng 10/2000, David Pogue có bài viết đầu tiên về thế giới công nghệ đăng trên trên tờ The New York Times và giờ đây ông đã trở thành một trong những cây viết xuất sắc nhất thế giới trong lĩnh vực này. Nhân kỷ niệm 10 năm chính thức làm một nhà báo công nghệ, David Pogue đã có một bài viết chia sẻ những bài học hay những kinh nghiệm mà ông đã đúc kết được. Những bài học của David Pogue cũng chính là một hình ảnh thu nhỏ của thế giới qua con mắt công nghệ. ICTnews xin trích đăng bài viết này.
Công nghệ không ra đời để thay thế nhau
Ngày nay người ta hay dùng những cụm từ kiểu như “sát thủ của iPhone” (iPhone killer) hay “kẻ sẽ giết chết Kindle” (Kindle killer) để nói về những sản phẩm mới cùng loại vừa xuất hiện trên thị trường. Ngoài sự gây chú ý với độc giả, những cụm từ này đã được lịch sử chứng minh rõ ràng là… sai. Lịch sử của công nghệ tiêu dùng là sự phân nhánh chứ không bao giờ thay thế nhau.
Khi TV ra đời, nhiều người cho rằng nó sẽ giết chết radio, khi café hoàn tan ra đời, người ta nói rằng nó sẽ được dùng để thay thế… nước lọc. Nhưng rốt cuộc những điều này đã không xảy ra và tương lai iPhone sẽ vẫn tồn tại song song cùng Android phone, sách in sẽ vẫn sống bên cạnh sách điện tử trên iPad, Kindle… Những thứ ra đời sau không thay thế cái ra đời trước mà chúng chỉ bổ sung cho nhau.
|
“Công nghệ không sinh ra để thay thế nhau mà chúng sẽ rẽ nhánh để bổ sung cho nhau” |
Sớm hay muộn, yêu cầu của con người sẽ được thỏa mãn
Hình dung lại 10 năm trước đây, nếu muốn xem một bộ phim, bạn sẽ phải lái xe đến một ngôi nhà nào đó và thuê một chiếc băng video hay một chiếc đĩa nhựa rồi trở về nhà, bật đầu máy lên ngồi xem trong sự thấp thỏm sợ “vấp đĩa”. Nhưng ngày nay, rất nhiều người xem phim, đọc báo, nghe nhạc, xem lại album ảnh cưới. xem TV, đọc truyện (sách)… bằng chiếc laptop.
Sở dĩ những thứ này xuất hiện là bởi chúng ta yêu cầu thế giới công nghệ phải đạt được đến đó, chúng ta mong muốn sự “thỏa mãn ngay lập tức” và sự “dễ dàng truy cập”.
Thiết bị số còn là công cụ… thể hiện cái tôi
Làm nhà báo công nghệ cũng giống như đứng trên sân khấu, bạn sẽ phải đón nhận những dòng phản hồi bất tận của người dùng, của độc giả mà đa phần đó là những phản hồi rất “to tiếng” và chất chứa đầy sự kích động.
Đã có lần, một độc giả gửi email về và công kích tôi dữ dội vì đã dám “chê” một sản phẩm mà anh ta yêu thích rồi còn đề nghị tôi phải bị sa thải vì việc này. Từ đó tôi hiểu rằng, ngày nay, những sản phẩm công nghệ đã không còn “thông thường” như trước kia bởi rất nhiều người cho rằng khi các nhà báo công nghệ chê bai hay công kích một sản phẩm đồng nghĩa với việc công kích và hạ thấp cá nhân người chọn mua (dùng) sản phẩm đó và họ sẽ phản ứng lại một cách khá dữ dội.
“Nhìn đời” qua màn hình
Xúc cảm cá nhân ngày càng có vai trò to lớn trong thế giới công nghệ. Ngày nay, các nhà báo khó lòng viết những câu có các từ như “Apple”, “Microsoft” hay “Google” mà không khuấy lên cảm xúc của độc giả.
Có một lần tôi thử nghiệm trong bài viết đánh giá (review) về iPad. Tôi viết 2 bài khác nhau, có độ dài như nhau, một phần có đánh giá rất tích cực và phần kia thì ngược lại, chê tơi bời nhưng sau đó tôi trộn vào thành 1 bài và đăng lên. Điều mà tôi khám phá ra sau bài viết đó là mỗi người sẽ nhìn vào sản phẩm này bằng con mắt và những nền tảng hiểu biết về công nghệ của chính bản thân họ.
Trên blog hay email của tôi, những độc giả “ghét Apple” than thở về “tình yêu” của tôi với iPad còn những “fan cuồng” của Apple lại kịch liệt chỉ trích tôi vì đã dám chê sản phẩm của họ. Tất nhiên là mỗi nhóm này đều bỏ quên mất nửa kia của bài viết.
|
Ngày nay, các nhà báo công nghệ phải nhớ rằng đôi khi chê một sản phẩm có nghĩa là họ đang “khiêu chiến” với rất nhiều người khác… |
Không khó để kể ra những người chiến thắng
Một trong những niềm vui lớn của nghề làm báo công nghệ là khi được là người đầu tiên vén bức màn bí ẩn của những sản phẩm tuyệt vời và sau đó loan báo thông tin đó đến với công chúng. Nhưng thực tế là không quá khó để nhận ra “chân dung của kẻ chiến thắng” và ai cũng có thể làm được điều đó.
Nhiều người chắc vẫn chưa quên Microsoft Spot Watch (năm 2003). Đó là một chiếc đồng hồ đeo tay có khả năng kết nối không dây và có thể hiển thị lịch làm việc, lịch hẹn hay tin nhắn nhưng người dùng sẽ phải chi ra tới 10 USD mỗi tháng cho việc này. Chi phí cao trong khi thiết bị lại ngày nào cũng cần phải được sạc pin và không thể hoạt động nếu người dùng ra khỏi địa bàn đã đăng ký…
Vấn đề là trong đa số những trường hợp thất bại này, những người trong công ty lại không thể và không dám nói thẳng ý kiến của mình và thực tế là những “quả bom xịt” vẫn tiếp tục được cho ra đời đều đặn.
Mẫu thử (concept) có thể chẳng bao giờ trở thành thực tế
Có những ý tưởng rất đột phá và mới lạ nhưng có điều không phải bao giờ chúng cũng được người dùng đón nhận.
Hãy nhìn vào bài học của điện thoại kèm video. Khi bạn nói chuyện điện thoại, bạn không cần phải thể hiện cho người ở đầu dây bên kia biết rằng bạn đang ở đó, đang tồn tại và cần phải xuất hiện trước mắt họ. Khi nói chuyện điện thoại, bạn vẫn muốn phá phách một chút, muốn trợn mắt hay thậm chí là… ngoáy mũi mà không sợ người bên kia đánh giá với những ấn tượng không hay. Đó mới là điện thoại. Tất nhiên, cũng có trường hợp bạn muốn nhìn thấy mặt đứa cháu mới sinh, muốn nhìn mặt người thân lâu ngày không gặp… và khi đó bạn đã có Skype, có FaceTime (trên iPhone 4) nhưng video phone không cần thiết cho cuộc sống thường ngày và đó là lý do tại sao bạn sẽ thất bại nếu cố gắng bán cho người dùng một chiếc điện thoại có cả camera và màn hình.
Giới trẻ cũng không cần đến một thiết bị liên lạc với chức năng chỉ có nhắn tin và đó là vì sao Motorola V200 thất bại hay người ta cũng chẳng cần một chiếc TV có khả năng lướt web (Google TV).
|
BlackBerry là một số rất ít sản phẩm công nghệ “sống dai” |
Không có gì là mãi mãi – vòng đời của sản phẩm chỉ là vài năm
Trong số hàng ngàn sản phẩm mà tôi đã viết bài nhận xét trong 10 năm qua, chỉ có một số rất ít còn tồn tại đến ngày nay và càng ít hơn nữa khi những sản phẩm đó còn được người dùng tín nhiệm. Có thể dễ dàng kể ra những cái tên như iPod, BlackBerry hay Internet Explorer… và còn đó hàng tá những cái tên khác đã từng khuynh đảo thế giới cách đây không lâu như PocketPC, SmartDisplay, MicroMV, MSN Explorer, Aibo hay mới đây nhất là Palm.
Mọi người đều biết và chấp nhận quy luật này của công nghệ. Trong năm ngoái, bạn vẫn còn rất háo hức và săn lùng để mua cho bằng được một sản phẩm nào đó nhưng đến mùa đông năm nay, giả sử bạn có đánh mất nó, cảm giác nuối tiếc là không đáng kể và cũng rất nhanh chóng trôi qua.
Không một ai có thể đuổi được sản phẩm công nghệ
Đi đến đâu tôi cũng nhận được phản ứng quen thuộc của mọi người là than phiền về tốc độ ra đời quá nhanh của các dòng sản phẩm công nghệ và điều đó khiến họ không thể đuổi kịp xu hướng chung của thị trường. Điều này thể hiện rất rõ ở việc mọi người thường rất khó khăn khi ra quyết định mua sản phẩm nào để không nhanh chóng bị trở thành “kẻ lạc hậu”.
Và rồi với bất kỳ quyết định nào, họ cũng là kẻ thua cuộc vì sự thay đổi của thế giới công nghệ là không có bất kỳ một quy luật hay chu kỳ nào. Ngay sau ngày bạn mua một chiếc điện thoại di động hiện đại nhất, thị trường liền xuất hiện một mẫu khác với vô số những tính năng mới hiện đại hơn. Cách tốt nhất là hãy đừng thốt lên câu: “Biết thế này thì…”.
Và bây giờ là một bí mật nho nhỏ: Tất cả những điều này đang khiến tôi trở nên quá tải. Tôi phải đọc vô số những trang web khác nhau mỗi ngày, lướt qua hàng trăm blog, săm soi các tạp chí, tham dự những hội nghị và nghe các nhân viên PR lên giọng…Đôi khi tôi có cảm giác như mình đang phải chèo thuyền bằng tay trên đỉnh của một con sóng thần.
Và đến một lúc nào đó, bạn cảm thấy mình quá cô đơn, hãy nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất. Khi đó hãy đặt chiếc iPad xuống, tắt chiếc smartphone đi và ngồi vào bàn ăn cùng cả gia đình.
Ý kiến ()