Những “bác sỹ áo đỏ” thầm lặng
(LSO) – Để hạn chế thấp nhất hậu quả của tai nạn giao thông gây ra, những “bác sỹ áo đỏ” tại các điểm sơ cấp cứu (SCC) ban đầu trên địa bàn tỉnh đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm túc trực luôn sẵn sàng đến hiện trường để SCC và đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời. Những việc làm thầm lặng của các tình nguyện viên đó đã góp phần giữ lại tính mạng cho hàng trăm người khi bị tai nạn giao thông.
Ngã tư đường đi Hồng Phong – Phú Xá giao với đường sang khu Ga, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) là một trong những địa điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nhất trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi năm, các tình nguyện viên tại Điểm SCC xã Phú Xá tham gia sơ cấp cứu cho từ 20 đến 30 người bị tai nạn giao thông tại đây.
Đại diện lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh cùng lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh trao thiết bị y tế cho Điểm sơ cấp cứu xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng
Anh Phạm Duy Khương, Đội trưởng Điểm SCC xã Phú Xá cho biết: Điểm SCC ở xã được thành lập từ năm 2015 và chỉ có 3 thành viên (trong đó có 2 vợ chồng tôi) nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng, dù ngày hay đêm vẫn đến hiện trường vụ tai nạn để SCC ban đầu cho nạn nhân. Một trong những vụ tai nạn mà tôi cùng các tình nguyện viên trực tiếp tham gia SCC và nhớ mãi đó là vào 1 đêm trong năm 2017, va chạm giữa 2 xe máy khiến 1 người tử vong, 3 người bị thương nặng. Khi nghe tin có tai nạn, chúng tôi lập tức có mặt để SCC cho 4 nạn nhân. Với những kiến thức được trang bị và có các kỹ năng xử lý tình huống nên chúng tôi đã phối hợp với người dân trong khu vực SCC ban đầu và đưa 3 người bị thương đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời, rồi sau đó tìm cách liên hệ thông báo đến người nhà nạn nhân.
Theo anh Khương, không chỉ có tai nạn giao thông mà các tài xế tham gia giao thông lúc đêm hôm gặp cảm, ốm đau bất thường hoặc người dân gần đó bị tai nạn do lao động cũng gọi điện đến cho chúng tôi để nhờ sự giúp đỡ.
Còn đối với bà Nguyễn Thanh Loan, Đội trưởng Điểm SCC thị trấn Chi Lăng cũng có “thâm niên” với nghề từ những ngày đầu mới thành lập điểm SCC. Điểm SCC thị trấn Chi Lăng được đặt tại khu vực quốc lộ 1A để kịp thời cứu chữa các trường hợp va quệt, tai nạn giao thông luôn trên quốc lộ. Bà Loan cho biết: Điểm SCC thị trấn Chi Lăng đã có 11 năm hoạt động. Hiện tại, điểm có 5 tình nguyện viên luôn sẵn sàng SCC ban đầu cho các nạn nhân. Hằng năm, các tình nguyện viên được tham gia các lớp tập huấn do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, huyện tổ chức để có thêm kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống khi có tại nạn giao thông xảy ra. Những năm qua, Ban An toàn giao thông tỉnh, huyện và Hội CTĐ các cấp vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ các thiết bị y tế, thuốc, băng, bông, gạc cho Điểm SCC.
Trên đây chỉ là 2 trong số 42 tình nguyện viên tại các điểm SCC trên địa bàn tỉnh luôn thay phiên nhau túc trực, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ SCC ban đầu và giữ tài sản cho nạn nhân bị tai nạn giao thông. Tính từ năm 2018 đến hết tháng 9/2020, các tình nguyện viên tại 12 điểm SCC đã sơ cứu được 120 người bị tai nạn giao thông. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã sơ cứu được 31 người bị tai nạn giao thông, kịp thời đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Bà Nông Bích Thuận, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 12 điểm SCC được đặt tại các quốc lộ: 1A, 1B, 4A 4B qua địa phận của tỉnh. Trong đó, 2 điểm SCC tại xã Hùng Việt và xã Chi Lăng (huyện Tràng Định) mới được đặt trong năm 2019. Hằng năm, các tình nguyện viên tại các điểm SCC được các cấp Hội CTĐ tổ chức các lớp tập huấn, cấp thiết bị y tế, quần áo để thực hiện việc SCC người bị nạn kịp thời, hiệu quả nhất. Thời gian qua, hình ảnh những bác sỹ không chuyên khoác trên mình màu áo đỏ chữ thập đã không xa lạ với những lái xe, người tham gia giao thông và với những người dân địa phương. Chính họ là những người đã góp phần giảm thiểu số người tử vong hoặc thương tật nặng cho người bị tai nạn giao thông.
Ý kiến ()