Nhức nhối buôn lậu xăng dầu trên biển
Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán xăng dầu trái phép với số lượng lên tới hàng trăm nghìn lít, cho thấy tình trạng này đang diễn ra hết sức phức tạp. Do lợi nhuận hấp dẫn, các đối tượng buôn lậu đã bất chấp các thủ đoạn nhằm đưa lượng lớn xăng dầu vào nội địa tiêu thụ. Nếu không có những giải pháp quyết liệt, chế tài đủ mạnh thì xăng dầu "lậu" vẫn còn “đất diễn” và gây ra những hậu quả khó lường.
Lắm mưu, nhiều kế buôn lậu
Trong số hàng loạt vụ buôn lậu xăng dầu bị phát hiện, bắt giữ thời gian gần đây, phần lớn xăng dầu nhập lậu đến từ các nước trong khu vực, được vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ nhằm thu lợi bất chính. Cụ thể, hồi 22 giờ ngày 3-8, tổ công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 kiểm tra, phát hiện và tạm giữ tàu cá cải hoán số hiệu BT 94482 TS đang sang mạn trái phép dầu đi-ê-den (DO) cho các tàu cá BT 94608 TS và BT 94428 TS tại khu vực biển Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Toàn bộ số dầu của ba tàu này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. 19 thuyền viên trên ba tàu không xuất trình được giấy tờ tùy thân và bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Thuyền trưởng tàu BT 94482 TS khai nhận trên tàu có khoảng 120 nghìn lít dầu DO và đang sang mạn cho hai tàu khác thì bị lực lượng cảnh sát biển bắt quả tang.
Trước đó, qua trinh sát nắm tình hình, lực lượng cảnh sát biển cũng đã bất ngờ kiểm tra tàu cá (đã được hoán cải) Hồng Thu số hiệu CT 97777 TS trên đường từ ngoài khơi về đất liền, phát hiện tàu cá này chở hơn 28 nghìn lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Cảnh sát biển phát hiện tàu cá hoán cải mang số hiệu TG 91221 TS do ông Nguyễn Quang Tuấn làm thuyền trưởng, chở hơn 80 nghìn lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đang trên đường đi tiêu thụ. Một cán bộ trinh sát cảnh sát biển cho biết: “Tàu cá hoán cải rất khó bị phát hiện bằng mắt thường bởi bên ngoài tàu không có gì thay đổi. Tuy nhiên, khu hầm cá, chứa nước đá và vật tư,… đều được gỡ bỏ để làm két chứa dầu. Đây là một trong những chiêu trò nhằm qua mặt lực lượng chức năng”.
Tại Hải Phòng, tình trạng buôn bán xăng dầu lậu cũng diễn ra hết sức phức tạp. Khoảng 21 giờ 30 phút, ngày 25-7, trong khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển tại phía đông nam đảo Hòn Dấu, Biên đội III – 16 thuộc Hải đoàn Biên phòng 38 (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) phát hiện một tàu không treo biển số, đang vận chuyển khoảng 40 nghìn lít xăng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Qua kiểm tra, cả bốn người trên tàu đều không xuất trình được giấy tờ có liên quan về người và phương tiện. Trước đó, ngày 27-4, Biên phòng cửa khẩu Cảng Hải Phòng nhận được thông tin về tàu HP 90599 TS tại khu vực đón trả hoa tiêu Hòn Dấu có nhiều biểu hiện “lạ”. Lập tức, các phương tiện của lực lượng biên phòng xuất phát, kiểm tra, phát hiện trên tàu HP 90599 TS do Lê Văn Tuấn, SN 1987, ở phường Máy Chai (quận Ngô Quyền) điều khiển có 80 nghìn lít xăng A92 không có giấy tờ, bốn thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn,…
Trên thực tế, có hàng chục, thậm chí hàng trăm vụ buôn bán xăng dầu lậu trên địa bàn cả nước vẫn ngang nhiên diễn ra mà không bị xử lý. Theo lực lượng chức năng, phương thức, thủ đoạn buôn lậu xăng dầu của các đối tượng đều được tính toán kỹ và hợp thức hóa trên giấy tờ. Bọn chúng thường móc nối với các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất xăng dầu, khi đến phao số “0”, vào thời điểm đêm tối để sang chiết xăng dầu bán cho các tàu (dạng tàu cá) đợi sẵn, mà không tái xuất ra nước ngoài theo quy định hoặc có trường hợp sử dụng giấy tờ, hóa đơn quay vòng để vận chuyển xăng dầu lậu, khiến các cơ quan chức năng khó phát hiện, xử lý.
Để đối phó, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển thường liên lạc với nhau bằng sim điện thoại rác, lợi dụng đêm tối giao nhận hàng ngay trên biển. Khi bị kiểm tra, các đối tượng trình hóa đơn mua bán dầu hợp pháp, thực chất là hóa đơn quay vòng cho nên rất khó xác định các hành vi vi phạm. Các hoạt động mua bán này thường có tổ chức và quy mô lớn. Khi bị bắt giữ, mặc dù số lượng xăng dầu lậu lớn nhưng cũng chỉ bị xử lý hành chính khiến hiệu quả phòng, chống buôn lậu không cao. Nhiều trường hợp sau khi bị phạt hành chính lại tiếp tục tổ chức buôn lậu, vận chuyển dầu trái phép.
Cần có chế tài đủ mạnh
Theo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, từ đầu năm tới nay, lực lượng Cảnh sát biển đã kiểm tra, tạm giữ hơn mười phương tiện có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển, trong đó có nhiều vụ xảy ra trên vùng biển Bà Rịa- Vũng Tàu. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng khác, như hải quan, biên phòng cũng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép. Đại tá Lê Xuân Thanh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết: “Ở vùng biển giáp ranh với Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a, tình hình buôn lậu xăng dầu diễn biến rất phức tạp. Các tàu thuyền Việt Nam khi giao nhận hàng tại Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a lợi dụng giá xăng dầu bên đó rẻ để mua, đem về Việt Nam tiêu thụ. Hoạt động này làm cho thị trường xăng dầu của Việt Nam bị xáo trộn và ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xăng dầu làm ăn chân chính trong nước”.
Đại tá Phạm Văn Phong, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết thêm: Mỗi ngày, trên các tuyến sông, biển của tỉnh có hàng trăm lượt tàu hàng, tàu dịch vụ dầu khí và tàu đánh bắt hải sản ra vào các cảng. Tại các vùng neo và khu vực đón trả hoa tiêu, các hoạt động đưa đón thủy thủ đoàn, cung cấp nhu yếu phẩm, chuyển tải hàng hóa cũng diễn ra sôi động. Đây là cơ hội thuận lợi để các đối tượng buôn lậu tổ chức sang mạn, mua bán, vận chuyển hàng hóa và xăng dầu trái phép.
Trong những năm qua, tình hình giá dầu thế giới và khu vực có nhiều biến động, đặc biệt do giá xăng dầu của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực nên một số đối tượng đã cố tình mua xăng dầu đưa về nội địa tiêu thụ nhằm trục lợi không chỉ gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm thất thu ngân sách nhà nước mà còn tác động không nhỏ đến an ninh năng lượng quốc gia. Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Hùng Anh cho biết, tính từ ngày 16-12-2014 đến nay, lực lượng hải quan đã kiểm tra, bắt giữ gần 63 nghìn m3 dầu các loại, hơn 6,5 triệu lít xăng và gần 51 nghìn lít dầu xuất. Trong đó, chủ yếu diễn ra ở các địa bàn: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu,…
Đối tượng buôn lậu sử dụng các phương thức tinh vi như lợi dụng loại hình tạm nhập tái xuất, ngụy trang phương tiện buôn lậu hoạt động theo các loại tàu đánh cá, dùng phương tiện tàu thuyền có công suất lớn và hệ thống thông tin liên lạc hiện đại để thỏa thuận về thời gian, địa điểm, số lượng, chủng loại để sang mạn xăng dầu từ các tàu buôn bán trái phép xuống các tàu nhỏ tại các vùng biển cách bờ khoảng 40 đến 60 hải lý, khu vực ngoài phao số “0”. Sau đó neo đậu ở vùng biển giáp ranh hoặc vùng sông, khu vực có nhiều luồng lạch chằng chịt rồi lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu hoặc vào thời điểm lực lượng chức năng bàn giao ca để chuyển tải sang các tàu nhỏ vào bờ nhằm tẩu tán, tiêu thụ.
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống buôn lậu xăng dầu, cần có các chế tài đủ sức răn đe, như tại thời điểm kiểm tra chủ phương tiện vận chuyển, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ theo quy định thì bị xử lý vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa, thậm chí bị truy tố hình sự. Có như vậy mới tránh được việc mua bán, vận chuyển trái phép khi bị cơ quan chức năng kiểm tra sẽ hợp thức hóa bằng hóa đơn, chứng từ,… Ngoài ra, cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền, giáo dục, phối hợp các cơ quan liên quan tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân khu vực biên giới, không buôn lậu hoặc tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu xăng dầu.
Xăng dầu lậu được tuồn vào thị trường nội địa sẽ rất nguy hiểm, bởi các cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp kinh doanh chân chính sẽ không bán được sản phẩm do xăng dầu lậu trốn thuế, bán rẻ hơn nhiều so với các công ty xăng dầu đầu mối nhập về phải chịu thuế, phí. Ngoài ra, nó còn làm rối loạn thị trường, xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng do các loại xăng dầu nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ. Phan Thế Ruệ Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam |
Theo Nhandan
Ý kiến ()