Nhu cầu yếu tiếp tục đè nặng giá dầu
Đóng cửa ngày 5/10, giá dầu tiếp tục giảm mạnh do lo ngại triển vọng nhu cầu tiêu thụ yếu và những tín hiệu bổ sung từ phía nguồn cung. Cụ thể, giá dầu WTI giảm mạnh ngày thứ hai liên tiếp, với mức giảm 2,27% xuống 82,31 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 2,03% xuống 84,07 USD/thùng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới, nông sản là nhóm mặt hàng duy nhất đóng cửa hôm qua trong sắc xanh. Trong khi đó, lực bán áp đảo trên cả ba nhóm mặt hàng còn lại, kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,41% xuống 2.179 điểm. Sau ngày 4 ngày giảm liên tiếp, chỉ số này đã xuống mức thấp nhất trong 3 tháng. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trên 3.300 tỷ đồng.
Đóng cửa ngày 5/10, giá dầu tiếp tục giảm mạnh do lo ngại triển vọng nhu cầu tiêu thụ yếu và những tín hiệu bổ sung từ phía nguồn cung. Cụ thể, giá dầu WTI giảm mạnh ngày thứ hai liên tiếp, với mức giảm 2,27% xuống 82,31 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 2,03% xuống 84,07 USD/thùng.
Hardeep Singh Puri, Bộ trưởng Dầu mỏ của Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ dầu thô lớn thứ 3 thế giới, cho biết tác động đến nguồn cung từ phía Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong những tháng gần đây có thể dẫn đến sự phá hủy nhu cầu vì các nền kinh tế mong manh khó chấp nhận được việc giá dầu cao lâu hơn.
Bình luận này được đưa ra ngay khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC ) kết thúc cuộc họp trực tuyến của Ủy ban Giám sát chung Bộ trưởng (JMMC) vào ngày 4/10 mà không có sự thay đổi nào về chính sách. Trong đó, Saudi Arabia và Nga, hai thành viên quan trọng của OPEC , tiếp tục cắt giảm nguồn cung trong tháng 11 và tháng 12.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC tại New York, dự đoán rằng nhu cầu xăng sẽ không vượt quá 8,5 triệu thùng/ngày cho đến khi mùa mua sắm trong đợt nghỉ lễ bắt đầu. Trong khi đó, Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates LLC, cho biết các vị thế mua dựa trên dự đoán giá dầu đạt 100 USD/thùng đang được thanh lý.
Vào ngày hôm qua, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia đã nâng giá bán chính thức (OSP) dầu thô Arab Light kỳ hạn tháng 11 thêm 0,4 USD/thùng, từ mức cao nhất 4 USD/thùng của tháng 10/2023, sang thị trường châu Á. Việc giá dầu liên tục tăng cao có thể trở thành mối đe dọa tới tiêu thụ tại các quốc gia khu vực này.
Về phía nguồn cung, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, Alparslan Bayraktar, cho biết đường ống dẫn dầu thô từ Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ bị đình chỉ khoảng 6 tháng qua, đã sẵn sàng hoạt động. Ankara cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị nhằm khôi phục hoạt động trên tuyến đường ống này. Trước khi bị đình chỉ hoạt động, đường ống dẫn dầu từ phía bắc Iraq đến cảng xuất khẩu Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển khoảng 0,5% tổng sản lượng dầu thế giới, tương đương khoảng 400.000 – 500.000 thùng/ngày.
Trong bối cảnh thị trường đang thắt chặt, sự bổ sung nguồn cung từ đường ống dẫn dầu Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ góp phần làm giảm bớt áp lực thâm hụt, gây sức ép lên giá dầu.
Ngoài ra, công ty tư vấn toàn cầu Deloitte dự đoán rằng đường ống dẫn dầu Trans Mountain Expansion (TMX) với công suất vận chuyển khoảng 590.000 thùng/ngày để xuất khẩu, dự kiến sẽ thúc đẩy sản lượng dầu của Canada thêm khoảng 375.000 thùng/ngày trong 2 năm tới, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm. Nguồn cung dầu bổ sung ở Bắc Mỹ này sẽ bù đắp cho sự sụt giảm về sản lượng mà OPEC cắt giảm.
Nguồn:https://nhandan.vn/nhu-cau-yeu-tiep-tuc-de-nang-gia-dau-post776197.html
Ý kiến ()