Nhu cầu nghề nghiệp trong kỷ nguyên số
Trong 2 ngày (24-25/7), tại TP. Huế, đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Nghề phổ biến nhất trên thị trường lao động hiện nay và sự biến động dưới tác động của kỷ nguyên số – vai trò của tổ chức dịch vụ việc làm công”.
Hình ảnh tại Hội thảo. |
Hội thảo do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức với sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội Dịch vụ Việc làm Công thế giới (WAPES), các tổ chức quốc tế (ILO Việt Nam, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển Châu Á), các đoàn đại biểu và tổ chức dịch vụ việc làm đến từ 20 quốc gia thuộc châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương.
Hội thảo là một diễn đàn nhằm đưa ra các sáng kiến, giải pháp và chiến lược sáng tạo để giải quyết tốt hơn việc thay đổi nghề nghiệp phổ biến nhất trên thị trường lao động dưới tác động của kỷ nguyên số trong quá trình triển khai các hành động, chương trình và giải pháp phù hợp với người tìm việc và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ hoá, robot hoá, không chỉ tại Việt Nam và nhiều nước khác, thị trường lao động, việc làm có nhiều thay đổi và sự thay đổi này ở mỗi quốc gia là khác nhau. Toàn cầu hoá thị trường lao động và những tác động của kỷ nguyên số đã làm tăng nhu cầu về dữ liệu nghề nghiệp có thể so sánh được trên toàn cầu, nhưng vẫn có sự khác biệt về cách phân loại ngành nghề giữa các quốc gia.
Do vậy, các tổ chức dịch vụ Việc làm Công (PES) cần có cách phân loại nghề nghiệp gần với tiêu chuẩn phân loại nghề quốc tế. Đặc biệt là thông tin mô tả hoặc thông tin đã được mã hóa về nội dung công việc, những kỹ năng cân thiết, cũng như các mối liên kết với khung năng lực quốc gia và những mô tả chi tiết hơn về các nghề. Các loại thông tin này đều phục vụ cho việc hướng dẫn và đào tạo nghề, phát triển các chương trình dạy nghề, dịch vụ việc làm, hoặc phân tích các nhu cầu nghề nghiệp cụ thể.
“Có hàng nghìn nghề nghiệp trên thị trường lao động hiện nay và rất khó có thể thu thập được hết thông tin và để đánh giá kỷ nguyên số ảnh hưởng tới việc làm ở mức độ nào. Vì vậy, việc thu thập thông tin về các nghề cũng như các mối liên kết với khung năng lực quốc gia là rất cần thiết để phục vụ cho việc hướng dẫn và đào tạo nghề, phát triển các chương trình dạy nghề, dịch vụ việc làm, hoặc phân tích các nhu cầu nghề nghiệp cụ thể”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay.
Theo bà Christine Malecka, Cố vấn cấp cao của Hiệp hội Dịch vụ Việc làm Công thế giới, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong kỷ nguyên số đã có tác động to lớn tới thị trường lao động. Với việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng số hóa trong quá trình sản xuất nên tài nguyên thiên nhiên và lao động phổ thông với chi phí thấp ngày càng mất dần lợi thế, sản xuất đang chuyển dịch dần từ các nước có nhiều lao động phổ thông và tài nguyên sang những nước có nhiều trung tâm nghiên cứu, phát triển, nhiều lao động có kỹ năng, chuyên môn cao và có nhiều thị trường tiêu thụ. Do vậy, việc làm trên thị trường sẽ có nhiều thay đổi, có nghề mất đi nhưng cũng có nhiều nghề mới xuất hiện, tính chất nghề bị thay đổi bởi khoa học công nghệ.
Nhấn mạnh về việc sử dụng phương pháp phân loại trong một thị trường lao động đang thay đổi, ông Bert Koning, Công ty dịch vụ việc làm và giải pháp kết nối dịch vụ (Hà Lan) cho hay: Phương pháp phân loại là cần thiết bởi toàn cầu hóa làm tăng nhu cầu về dữ liệu việc làm có thể so sánh ở phạm vi toàn cầu. Việc phân loại giúp thu thập, chia sẻ thông tin thị trường lao động cho mục đích thống kê, kết nối người tìm việc và những việc làm do PES đưa ra.
Các ý kiến khác tại hội thảo cũng tập trung thảo luận để đưa ra những cách thức hiệu quả nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong việc đưa ra dự báo việc làm và cung cấp thông tin về xu hướng việc làm dưới tác động kỷ nguyên số. Đồng thời, tạo khả năng kết nối cho các thành viên hiện tại của WAPES, các thành viên tiềm năng mới và những nhân tố chủ chốt trong lĩnh vực lao động và việc làm.
Thúc đẩy việc trao đổi với các đối tác tiềm năng để phát triển các sáng kiến trong khu vực cũng như xác định vai trò và trách nhiệm của các tổ chức dịch vụ việc làm công trong việc triển khai công tác thu thập dữ liệu, phát triển và chia sẻ cơ sở dữ liệu tuyển dụng tại mỗi quốc gia thành viên.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()