Nhu cầu điện than tăng cao kỷ lục cản trở nỗ lực cắt giảm khí thải
Giám đốc điều hành IEA khẳng định nhu cầu điện than tăng cao là dấu hiệu đáng quan ngại, cho thấy những nỗ lực nhằm đạt mục tiêu trung hòa khí thải của thế giới đã đi chệch hướng như thế nào.
Ngày 17/12, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo xu hướng gia tăng sử dụng than đá tại Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ có thể khiến nhu cầu sản xuất điện từ than lên mức cao kỷ lục trong năm nay, qua đó làm suy yếu các nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
IEA dự báo sản lượng điện than sẽ đạt mức 10.350 TWh trong năm 2021. Nguyên nhân là do đà phục hồi kinh tế nhanh chóng khiến nhu cầu điện tăng mạnh, vượt quá khả năng đáp ứng của các nguồn cung điện sử dụng nguyên liệu có mức phát thải thấp.
Dự báo nhu cầu than đá, bao gồm nhu cầu của các ngành sản xuất xi măng và thép, sẽ tăng 6% trong năm nay. Mặc dù con số này sẽ không vượt mức tiêu thụ kỷ lục của năm 2013 và 2014, song có khả năng sẽ tăng lên mức kỷ lục vào năm tới.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol khẳng định xu hướng này là dấu hiệu đáng quan ngại, cho thấy những nỗ lực nhằm đạt mục tiêu trung hòa khí thải của thế giới đã đi chệch hướng như thế nào.
IEA cho biết Trung Quốc đóng góp tới hơn 50% sản lượng điện than trên toàn cầu. Dự báo trong năm 2021, con số này sẽ tăng 9% so với năm 2020. Trong khi đó, sản lượng điện than tại Ấn Độ sẽ tăng 12% trong năm nay.
Tháng trước, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh), các nước đã nhất trí giảm mức tiêu thụ than đá trong nỗ lực nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Phía Trung Quốc đã cam kết bắt đầu giảm tiêu thụ than đá sau năm 2025, điều này làm dấy lên quan ngại rằng công suất nhiệt điện than của nước này sẽ tiếp tục tăng trong 4 năm tới./.
Ý kiến ()