Nhu cầu điện, nước thấp và giá xăng dầu xuống kéo CPI giảm 0,01%
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tính CPI, có ba nhóm hàng giảm giá, bảy nhóm hàng tăng giá và một nhóm hàng giá ổn định so với tháng 10.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu đi xuống theo xu hướng thế giới và giá điện, nước sinh hoạt giảm do nhu cầu tiêu dùng thấp trong mùa mưa là những yếu tố chính tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,01% so với tháng 10 và chỉ tăng 0,08% so với tháng 12/2019…
Như vậy, bình quân 11 tháng, CPI đã tăng 3,51% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó CPI khu vực thành thị tăng 3,13%, khu vực nông thôn tăng 3,87%. Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản 11 tháng đã tăng 2,43% cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có ba nhóm hàng giảm giá, bảy nhóm hàng tăng giá và một nhóm hàng giá ổn định so với tháng 10.
Với nhóm hàng giảm giá, nhóm giao thông xuống mạnh nhất 0,47%, góp phần giảm CPI chung 0,05%, nguyên nhân do giá xăng, dầu được điều chỉnh. Tiếp theo là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,17%, bởi các doanh nghiệp và đơn vị bán lẻ đưa ra các hình thức khuyến mại, giảm giá điện thoại để thu hút khách hàng. Ngoài ra, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cũng trượt giá 0,06%, nguyên nhân là các công ty du lịch đưa ra các chương trình kích cầu du lịch nội địa nên giá dịch vụ du lịch trọn gói giảm.
Với nhóm hàng tăng giá, lên cao nhất là nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép có mức 0,14%, lý do thời tiết chuyển mùa nhu cầu mua sắm giầy dép quần áo của người dân tăng. Tăng thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với 0,01% bởi nhu cầu về các thiết bị phục vụ mùa đông và các mặt hàng thuốc về đường hô hấp tăng khi thời tiết chuyển lạnh.
Bên cạnh đó, nhóm hàng có giá ổn định là giáo dục do tháng này học sinh đã vào học, vì vậy không có biến động về giá của các mặt hàng thuộc nhóm này.
Về tỷ giá, USD trên thị trường thế giới giảm nhẹ khi số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ tăng ghi nhận con số kỷ lục gần 200.000 ca (vào ngày 20/11) khiến một số tiểu bang đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Chỉ số USD đo lường biến động so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) ở mức 92,77 điểm, giảm 0,69% so với tháng 10. Tuy nhiên, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, do vậy tỷ giá giữa VND và USD trong tháng giảm 0,05% so với tháng trước, cụ thể giá USD bình quân ở thị trường tự do quanh mức 23.269 VND/USD.
Điều này cũng phần nào tác động đến giá vàng bình quân trong nước khi có biến động trái chiều với giá vàng thế giới và cao hơn 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới sau khi quy đổi.
Bình quân tháng (đến ngày 25/11) giá vàng thế giới ở mức 1.881,3 USD/ounce giảm 1,27% so với tháng trước. Trên thị trường nội địa, việc giá vàng thế giới biến động liên tục với biên độ mạnh khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng thường đặt ra mức giá mua vào và bán ra chênh lệch cao do lo ngại về rủi ro, điều này cũng khiến giá vàng chênh lệch khá lớn với giá thế giới sau khi quy đổi. Cụ thể, bình quân tháng giá vàng trong nước tăng 0,87% và dao động quanh mức 5,42 triệu đồng/chỉ vàng SJC./.
Ý kiến ()