Nhu cầu bức thiết của ngành GD&ĐT
Giáo viên Trường Tiểu học bán trú xã Mông Ân (Bình Gia) bồi dưỡng hè cho học sinh trước khi vào lớp 1 |
Những niềm vui đầu tiên
Dù là những ngày nghỉ hè, song, cô giáo Hoàng Thị Hương, Hiệu trưởng Trường MN xã Mông Ân (Bình Gia) vẫn tất bật với việc khởi công xây dựng trường mới từ nguồn vốn chương trình 135 (quy mô 2 tầng 4 phòng học trên diện tích đất 2.492,9 m2) mới được quy hoạch. Nhà trường đã được ngành GD&ĐT đến khảo sát và đề nghị đầu tư xây dựng bếp ăn bán trú ngay trong dịp hè này. Cô cho biết: “Tuy đã huy động 100% trẻ mẫu giáo và 50% trẻ nhà trẻ đến lớp, song vấn đề ăn bán trú đối với nhà trường vẫn là nan giải. Được đầu tư đồng bộ, học sinh được chăm lo chu đáo hơn, chắc chắn tỷ lệ huy động độ tuổi nhà trẻ trong năm học tới sẽ cao hơn”. Cùng niềm vui sẽ được đầu tư xây dựng bếp nấu ăn cho trường chính, cô giáo Nông Thị Khặm, Hiệu trưởng Trường MN xã Thiện Thuật cho biết: là một xã rộng, phân bố dân cư rải rác, Trường MN xã Thiện Thuật có đến 9 phân trường. Do địa hình chia cắt nên bếp ở trường chính vẫn là bếp tạm và không hỗ trợ được cho các phân trường, nên tình cảnh “9 điểm trường, 9 cái bếp” cứ tồn tại nhiều năm nay. Sắp tới, có bếp mới, trường chính sẽ hỗ trợ cho 3 phân trường là Khuổi Y, Khuổi Lù và Cốc Pây. Các cháu sẽ được ăn uống vệ sinh hơn mà phụ huynh cũng đỡ khổ vì phải thay nhau đến nấu.
Là một xã vùng ngoài, song việc tìm địa điểm để xây dựng trường MN lại là một việc rất khó khăn đối với xã Vĩnh Lại (Văn Quan). Làm việc với chúng tôi, bà Hoàng Thị Hiếu, Chủ tịch UBND xã cho biết: UBND xã đã chỉ đạo tìm đến 7 địa điểm để xây dựng trường song tất cả đều không ứng được các tiêu chí cần thiết. Vừa qua xã đã có địa điểm do người dân thôn Nà Lặp hiến với diện tích 2.175 m2. Việc được đầu tư xây dựng trường một cách đồng bộ sẽ tạo điều kiện để tách CSVC ra khỏi tiểu học và nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.
Đầu tư thiết thực
Thống kê của ngành GD&ĐT cho thấy, hiện toàn tỉnh vẫn còn 25 xã chưa có trường MN độc lập và còn tới 778 lớp phải học nhờ, học mượn. Tuy số trẻ được ăn bán trú đã đạt trên 98%, song do quá nhiều phân trường nên phổ biến là bếp tạm, chưa đạt yêu cầu về vệ sinh. Bên cạnh đó, với 92 trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT), tình trạng bếp tạm, chưa có nhà ăn đã khiến sinh hoạt bán trú của học sinh gặp nhiều khó khăn. Trước tình trạng đó, UBND tỉnh chỉ đạo ngành GD&ĐT rà soát, thống kê thực trạng về lớp học, bếp, nhà ăn của các trường MN và phổ thông DTBT trên địa bàn tỉnh để lập đề án huy động các nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2017-2020. Ngay trong năm 2016, UBND tỉnh đã quyết định chi ngay 10 tỷ đồng để xây dựng 25 bếp ăn cho 25 trường MN có nhu cầu cấp bách nhất tại 10 huyện (mỗi suất đầu tư là 400 triệu đồng bao gồm công trình xây dựng và các trang thiết bị phục vụ). Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động hội tụ các nguồn lực để xây dựng trường MN như Đình Lập, Hữu Lũng, Bình Gia… Theo kế hoạch chung, từ năm 2017 đến 2020, toàn tỉnh sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng CSVC trường, lớp học cho 25 trường MN đã có đất nhưng chưa có cơ sở riêng và xây dựng bếp ăn cho các trường MN, bếp ăn và nhà ăn cho các trường bán trú.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Đây là một đề án lớn được đầu tư bằng sự hợp lực của các nguồn vốn, thời gian thực hiện không dài. Đối với một tỉnh nghèo như tỉnh ta, việc đầu tư xây dựng phòng học để tách trường MN, xây dựng đồng bộ bếp và nhà ăn cho các nhà trường là một sự quan tâm đặc biệt và là cố gắng lớn. Vì vậy, ngành GD&ĐT đã và đang tiến hành khảo sát theo phương châm “đến tận nơi, mắt thấy, tai nghe, tay sờ”, có biên bản làm việc cụ thể đối với các trường và địa phương. Để làm sao việc đầu tư mang lại hiệu quả tức thời và thiết thực, tránh dàn trải, không phát huy được công năng của công trình, gây lãng phí và tốn kém vì phát sinh.
Ý kiến ()