Nhộn nhịp thị trường đồ cúng Vua bếp
LSO-Mặc dù còn vài ngày nữa mới đến ngày 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời (theo phong tục của người Việt) nhưng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, nhiều cửa hàng đã bán bán các đồ lễ cúng. Theo quan sát của chúng tôi, đồ cúng như hàng mã, cá chép vàng năm nay được nhiều cửa hàng bày bán hơn, giá cả so với năm trước không có nhiều biến động.
Đồ hàng mã cúng ông Công, ông Táo tại chợ Giếng Vuông |
Ngày 21 tháng Chạp, dọc các ki ốt bán hàng ở khu vực chợ Kỳ Lừa, chợ Chi Lăng, trong khu vực chợ Giếng Vuông đã rực rỡ với những bộ hàng mã cúng Vua bếp. Vẫn theo truyền thống, bộ hàng mã bao gồm ba bộ mũ, áo, giày, cá chép và một số thoi vàng. Kích cỡ bộ cúng khá đa dạng với cỡ nhỏ, cỡ trung và cỡ lớn. Đặc biệt năm nay nhiều cửa hàng bày bán bộ đồ này kèm theo ngựa giấy. (Thường các tỉnh miền Trung cũng lễ ông Công, ông Táo có kèm theo ngựa giấy).
Bà Hiên, chủ ki ốt bán hàng mã tại chợ Giếng Vuông cho biết: các đồ cúng này chủ yếu nhập từ Bắc Ninh, năm nay rất nhiều cửa hàng nhập về nên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, giá cả vì thế cũng không tăng so với năm trước. Trung bình một bộ đồ hàng mã cỡ lớn, bao gồm cả ngựa giấy bán tại chợ Giếng Vuông khoảng 60.000 đồng/bộ; bộ nhỏ khoảng 35.000 đồng/bộ. Khu vực chợ Kỳ Lừa giá cả cũng không có nhiều khác biệt.
Đối với các xe đẩy bán hàng rong, hoặc bên khu vực chợ Chi Lăng, người bán nói giá cao hơn đôi chút, bộ lớn khoảng 70.000 đồng/bộ. Tuy nhiên nếu khéo mặc cả, khách hàng vẫn có thể mua với mức giá thấp hơn, sát với giá bình quân trong khu vực thành phố. Chị Hương, người dân tại khối Hoàng Hoa Thám, Phường Chi Lăng cho biết: thường thì gia đình mình hay mua bộ đồ nhỏ để cúng tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời, giá cả năm nay ở mức trung bình, không có biến động so với năm trước.
Nếu như các bộ hàng mã được bày bán từ rất sớm, thì mặt hàng cá chép đỏ lại khá hiếm. Chủ cửa hàng Thùy – Vy, chợ Giếng Vuông lý giải: nếu muốn mua cá chép đỏ thì phải đến chiều 22 tháng Chạp, hoặc tới đúng ngày 23 mới có nhiều. Tâm lý chung của các cửa hàng là ngại nhập cá từ sớm bởi sợ nhiều rủi ro trong quá trình nuôi bảo quản. Cá thường được nhập từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Đến giáp ngày, theo đơn đặt hàng, cá chép được vận chuyển bằng xe tải đến các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố.
Mặc dù vậy ở khu vực bên ngoài chợ Giêng Vuông và một số điểm ở khu vực chợ Kỳ Lừa cũng đã có lác đác một số cửa hàng bán cá chép đỏ. Theo khảo sát của chúng tôi, giá cá chép cũng ở mức vừa phải. Cá kích cỡ “đẹp” (to bằng khoảng 3 ngón tay người lớn) có giá khoảng 10.000 đồng/con. Còn loại nhỏ hơn thì từ 5.000 đồng-7.000 đồng/con.
Như vậy với thị trường năm nay, chỉ với từ 50.000 đồng trở lên là các gia đình đã có thể bày biện đủ cho lễ cúng ông Công, ông Táo, gồm đồ hàng mã và cá chép đỏ. Chị Nguyễn Ngân, phường Hoàng Văn Thụ chia sẻ: năm nào nhà mình cũng mua đủ bộ để tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời, nhưng mình mua bộ nhỏ thôi, vừa tiết kiệm, vừa vẫn đủ lễ. Cũng xong thì hóa vàng đảm bảo vệ sinh và phóng sinh cá chép ra sông.
Những năm gần đây, đời sống của người dân trên địa bàn đã được nâng lên nhiều. Lễ cúng ông Công, ông Táo được nhiều người chú trọng hơn, bởi quan niệm các vị Vua bếp của gia đình sẽ báo cáo với Ngọc Hoàng những việc lớn nhỏ trong gia đình, cầu cho làm ăn được hanh thông. Tuy nhiên cũng có ít nhiều những biểu hiện thái quá như vung tay mua, đốt hàng mã gây ô nhiễm, lãng phí; phóng sinh cá mà vứt cả túi nilon ra sông…đó là những điều nên tránh trong lễ cúng ý nghĩa này.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()