Nhộn nhịp chợ đêm nông sản
(LSO) – Khi đa số người dân còn chìm trong giấc ngủ sâu cũng là lúc chợ đêm nông sản trước cổng chợ Giếng Vuông, đường Bắc Sơn, phường Hoàng văn Thụ, thành phố Lạng Sơn trở nên sôi động. Đây là chợ tự phát đã hoạt động gần 10 năm nay. Chợ họp từ 1 giờ đến đến khoảng 5 giờ sáng, thu hút hàng trăm tiểu thương không chỉ khu vực thành phố Lạng Sơn mà còn ở nhiều huyện, tỉnh lân cận đến buôn bán…
Đồng hồ chỉ 2 giờ sáng, chúng tôi lục tục trở dậy đi chợ đêm nông sản. Những tưởng là sớm, thế nhưng khi chúng tôi đến, chợ đã tấp nập. Từ khắp các ngả đường, hàng chục ô tô tải, hàng trăm xe máy, xe thồ chở rau xanh, hoa quả, cua, cá, ốc… nối nhau đến chợ. Mỗi người nhanh chóng kiếm cho mình một chỗ đứng và bày hàng ra bán.
Nhanh tay dỡ những thùng cá, cua, ốc từ xe tải xuống, chị Hạnh, đến từ thành phố Bắc Giang chia sẻ: Hơn 6 năm nay, đêm nào vợ chồng tôi cũng mang cua, cá, ốc từ Bắc Giang lên bán. Sau đó chúng tôi mua các loại rau, củ đặc sản như: rau cải ngồng, khoai nghệ, cà chua, ngô ngọt… về chợ Hà Vị, thành phố Bắc Giang bán lẻ. Tuy phải dậy sớm nhưng bán ở chợ này chạy hàng, 4-5 tạ cua, cá, ốc cũng chỉ vài tiếng là hết veo.
Các loại rau đặc sản được mang đến bán buôn tại chợ đêm nông sản
Người mua, người bán đến chợ ngày một đông. Ánh đèn cao áp và đèn pin hắt loang loáng trên những sạp rau xanh. Người mua theo mớ, có người lại mua cân, mua gánh. Vừa thồ ra hơn 50 bó rau cải ngồng, anh Hoàng Văn Thì, thôn Nà Hán, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc cho biết: Hôm nào tôi cũng mang rau xuống chợ đêm này bán. Mùa nào, thức nấy, vào vụ thu đông thì trồng rau cải ngồng và ngô ngọt. Mỗi lứa ngô ngọt thu hoạch khoảng 1.000 bắp/sào, tính ra thu nhập cao hơn trồng lúa 4-5 lần. Không chỉ mang ngô của gia đình đi bán mà hiện tôi còn thu mua của những gia đình xung quanh mang ra chợ đêm bán.
Bà Vũ Thị Mai Nhung, Trưởng Ban Quản lý chợ Giếng Vuông cho biết: Vì không có chợ riêng nên chợ đêm nông sản họp trước cổng chợ Giếng Vuông. Tại chợ này, mỗi đêm có hàng trăm tấn rau, củ, quả, nông sản được tiêu thụ. Người đến đây mua, bán từ khắp các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội… và các huyện trong tỉnh như: Cao Lộc, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Quan… Nhiều thương lái mang hàng nơi khác đến đây bán buôn và lại mua buôn những thứ ở đây mang về quê mình bán.
Khoảng thời gian từ 1 giờ đến 3 giờ sáng là lúc chợ đêm hoạt động nhộn nhịp, sôi động nhất, lượng người bán mua cũng đến đông nhất. Cảnh mua bán ở chợ đêm diễn ra rất nhanh chóng, yên ả, ít nghe những lời rao chát chúa hay mặc cả giá, “cò kè bớt một thêm hai”, bởi các thương lái hầu như đều đã quen mặt nhau, là mối hàng thân thuộc của nhau và rất thông thạo giá cả trên thị trường.
Việc mua bán, trao đổi hàng hoá ở đây phải khẩn trương, nhanh chóng để đến 6 giờ sáng trả lại mặt bằng cho các hộ kinh doanh và các gia đình sống ở khu vực này cũng như để đảm bảo giao thông.
Chúng tôi rời chợ đêm, trời sáng rõ, người mua, kẻ bán ở xa thành phố Lạng Sơn đã về hết, chỉ còn lại dăm người ở những xã ngoại thành lúi húi thu dọn đồ đạc. Gương mặt ai cũng rạng rỡ, tuy vất vả, nhưng họ đã có một đêm “giao dịch” nông sản thành công. Hơn 6 giờ sáng, mọi hoạt động của chợ đêm ngừng hẳn, nhường chỗ cho những tấp nập thường ngày giữa trung tâm thành phố. Trong tâm trí chúng tôi vẫn in đậm những mong muốn của các tiểu thương chợ đêm nông sản: Chợ đêm nông sản sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi có một khu chợ riêng biệt, về lâu dài, trong tour du lịch, chợ đêm nông sản này còn có thể là nơi kết nối, quảng bá những nông sản đặc sản của tỉnh. Khi ấy, nông sản sẽ bán chạy hơn, đến các thị trường xa hơn và thu nhập của nhà nông chắc chắn cũng sẽ tăng.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()