Nhóm ngành I, II, IV và VI sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh 2021
Tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021 diễn ra sáng 24/8 theo hình thức trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, nhóm ngành I, II, IV và VI sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh 2021.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của cả nước, trong đó có ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Tuy nhiên, giáo dục đại học vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, cùng các địa phương ứng phó tốt với dịch Covid-19.
Công tác đào tạo, tuyển sinh, nhập học trong điều kiện dịch bệnh khó khăn nhưng được bảo đảm. Những chính sách tự chủ đại học được triển khai; thành tích nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh và tiếp tục duy trì trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Đáng chú ý, năm học vừa qua, công tác thi THPT và tuyển sinh đã được kịp thời điều chỉnh và thực hiện thành công. Kết quả thi tốt nghiệp THPT được hầu hết các cơ sở đào tạo sử dụng để tuyển sinh. Công tác tuyển sinh bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo theo đúng quy định của pháp luật; minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh và cung cấp thông tin cho thí sinh. Phần mềm tuyển sinh đã phát huy tác dụng: thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất; và giúp cơ sở đào tạo thống kê, dự tính được thí sinh ảo…
Kết quả, trong tổng số 459.618 chỉ tiêu xét tuyển đại học chính quy, các cơ sở đào tạo đã tuyển được 412.961 chỉ tiêu, đạt 89,94%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo 2020 – 2021 vẫn có sự lệch lớn giữa các nhóm ngành. Nhiều nhóm ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (nhóm ngành I), Nghệ thuật (nhóm ngành II), Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên (nhóm ngành IV), Sức khỏe (nhóm ngành VI) có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong tuyển sinh năm 2021. Mặt khác, số lượng ngành đào tạo tăng khá nhanh, đặc biệt là các ngành được các cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ triển khai. Điều này cũng bộc lộ sự đồng bộ giữa các Luật liên quan là thách thức lớn trong việc đẩy mạnh tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình trước xã hội và vai trò giám sát của các bên liên quan, trong đó có vai trò quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Một số cơ sở đào tạo tuyển sinh tốt, nhưng chưa đầu tư về các điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng với quy mô đào tạo (thiếu nguồn lực); trong khi đó một số trường hoạt động kém hiệu quả, tuyển sinh thấp so với năng lực. Đáng chú ý, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ năm 2021 đã tăng lên là 31,12 % (năm 2020 là xấp xỉ 30%) nhưng vẫn thấp so với thế giới.
Điểm đáng chú ý số lượng trường có đội ngũ giảng viên có tỷ lệ tiến sĩ dưới 24% vẫn đang rất lớn, khoảng 50% tổng số cơ sở đào tạo. Đặc biệt, năm 2020 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ là 5.111 nhưng chỉ thực hiện được 1.274, tương ứng 24,93%.
Vì vậy, trong tuyển sinh giai đoạn 2022-2025 , ngành giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với công tác ứng phó đại dịch. Đối với các trường thi riêng, thi bổ sung, thi đánh giá năng lực gọn nhẹ 1-2 môn, hoặc thi năng khiếu, hoặc kết hợp với kết quả thi THPT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích thi theo nhóm trường, gọn nhẹ trong một buổi thi, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Tiến tới hình thành các tổ chức, trung tâm khảo thí độc lập: ngân hàng đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính, bảo đảm minh bạch, công bằng giữa các lần thi…
Ý kiến ()