Nhọc nhằn Yên Lỗ
(LSO) – Nhắc đến xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia, ai cũng ngần ngại khi đi trên con đường vào xã này bởi giao thông đến trung tâm xã vẫn là đường đất, mùa mưa đường ngập ngụa bùn đến quá đầu gối còn ngày nắng thì bụi mù. Người dân nơi đây mong mỏi có con đường cứng hóa để thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi có dịp công tác tại xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia. Đường từ thị trấn Bình Gia đến xã Yên Lỗ dài 46 km, nhưng vẫn còn 16 km đường đất từ chợ Khuổi Lào, Thiện Hòa đến trung tâm xã Yên Lỗ với những khúc cua tay áo qua các sườn đồi, có đoạn lại dốc thẳng đứng lên đỉnh đồi rồi lại đổ dốc với một bên là vực sâu hun hút. Sau gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại UBND xã Yên Lỗ.
Hành trình đến xã đã phần nào giúp chúng tôi hiểu được cuộc sống vất vả của người dân cũng như những cán bộ và các thầy cô giáo đang công tác nơi đây. Tiếp chúng tôi, ông Hoàng Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Yên Lỗ chia sẻ: Chỉ cần cơn mưa nhỏ là con đường lầy lội, trơn trượt hàng tháng trời, cả xã gần như bị cô lập. Đường giao thông khó khăn kéo theo nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa của người dân.
Chỉ sau một trận mưa nhỏ, con đường lầy lội dẫn vào trung tâm xã Yên Lỗ, huyện Bình Gia đã trở nên lầy lội
Để khắc phục những đoạn đường khó người dân trong xã tự đóng góp tiền mua đá, sỏi để đổ rải lên những rãnh, khe bùn lầy trên mặt đường. Tuy nhiên, với 16 km đường đất, cộng với xe tải chở vật liệu xây dựng, thu mua gỗ bóc đi lại hằng ngày khiến những khối đá ít ỏi rải trên như những “hạt muối bỏ bể”. Giao thông khó khăn, sản phẩm nông sản của người dân sản xuất ra bị thương lái ép giá hoặc không có thương lái vào thu mua.
Mong mỏi con đường được cứng hóa
Đường giao thông đi lại khó khăn không chỉ cản trở đến sự phát triển kinh tế – xã hội của xã mà còn ảnh hưởng đến việc đi lại, học tập của con trẻ và các thầy, cô giáo, cán bộ xã từ ngoài vào đây công tác.
Thầy giáo Hoàng Văn Toàn, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tân Tiến, xã Yên Lỗ cho biết: Nhà tôi ở thị trấn Bình Gia, 11 năm giảng dạy tại Yên Lỗ, tôi ngại nhất mỗi khi mùa mưa đến bởi ngày nắng đi lại đã khó khăn thì ngày mưa càng khó khăn gấp bội lần. Để di chuyển an toàn, tôi và đồng nghiệp mỗi khi đi lại phải đi thành tốp 3 – 4 người để hỗ trợ nhau đẩy xe, khiêng xe đi qua các rãnh bùn lầy nhão nhoét.
Ông Hoàng Văn Chiến, Trưởng thôn Khuổi Chặng, xã Yên Lỗ cho biết: Thôn Khuổi Chặng cách trung tâm xã gần 9 km, hoàn toàn đường đất, nhưng cách trục đường nhựa gần 25 km, mỗi khi mùa mưa đến, Khuổi Chặng gần như bị cô lập với các thôn bản khác. Muốn ra ngoài mua nhu yếu phẩm, giao lưu hàng hóa, người dân chỉ còn cách đi bộ hoặc chờ nắng ráo gần cả tháng mới có thể đi lại được. Chúng tôi mong mỏi có con đường cứng hóa đi lại được 4 mùa để thuận tiện giao thương hàng hóa, phục vụ sản xuất và tránh được tình trạng “mua đắt, bán rẻ” các hàng nông sản, nhu yếu phẩm tiêu dùng.
Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: Chính quyền, người dân Yên Lỗ đang mong sự cải thiện về cơ sở hạ tầng, và trong số những hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cần đầu tư khẩn trương thì một con đường về trung tâm xã sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của Yên Lỗ. Con đường mở ra không chỉ giúp đồng bào nơi đây đi lại thuận tiện để phát triển kinh tế – xã hội mà còn cho con trẻ thuận tiện đi học, nuôi dưỡng ước mơ tương lai nơi vùng cao Yên Lỗ.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()