Nhọc nhằn vượt qua bão lũ
LSO-Thảm họa thiên tai bao giờ cũng là thử thách lớn nhất đối với con người. Song đối với một cơ sở y tế như Trung tâm y tế huyện Văn Lãng, thì sự nhọc nhằm lại nhân lên gấp bội phần, vì họ không chỉ tự cứu mình, mà còn vượt qua khó khăn để cứu người.
Công việc chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Văn Lãng trở lại hoạt động bình thường |
Ngày 20/7/2014 là một ngày đặc biệt đối với 2 cháu bé được sinh ra tại Trung tâm Y tế Văn Lãng khi thời khắc 2 bà mẹ trẻ, một người ở Bắc La, một người ở Thanh Long chuyển dạ thì cũng là thời điểm Trung tâm Y tế huyện bị chia cắt bởi nước lũ. Cả khu bệnh viện cũ và khu mới được nâng cấp mở rộng của Trung tâm Y tế Văn Lãng rộng trên 8000 m2 nằm trọn trong thung lũng thấp nhất của thị trấn Na Sầm và là khu vực cửa đổ ra sông của con suối Bản Tích. Theo địa hình, khi nước lên, con đường dẫn vào bệnh viện (BV) bị ngập trước tiên và thế là trong chốc lát, toàn bộ BV nằm trong thế bị nước bao vây, chia cắt. May mà nước lên vào buổi sáng, tuy là ngày thứ Bảy, song thực hiện tốt sự chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt huyện và chỉ đạo của Sở Y tế về công tác phòng chống bão lụt, nhận biết được vị trí “chông chênh” của Trung tâm khi lũ bão đến, vì vậy toàn thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm có mặt đầy đủ. Đối với một Trung tâm y tế, khi đã sớm bị cô lập vì nước lũ, thì phương châm “ 4 tại chỗ” chỉ phát huy từng phần tác dụng vì nước lên nhanh và có chỗ ngập đến gần 2m.
Ở một Trung tâm vừa thực hiện cải tạo nâng cấp, mở rộng, vừa hoạt động chuyên môn, thì khi bão lũ đến đã gây nhiều khó khăn; mặt khác trong Trung tâm lúc này có đến 66 bệnh nhân đang điều trị, việc tính toán trong việc sơ tán, chăm sóc, điều trị là rất nan giải. Bác sĩ Vi Văn Nhất, phó Giám đốc Trung tâm nói rằng, khi nước tấn công vào khoa Ngoại, Sản tại khu mới mở rộng, thì vẫn còn nhiều bệnh nhân đang điều trị. Với cách thức, sơ tán bệnh nhân, máy móc thiết bị từ thấp lên cao, nước lên đến đâu sơ tán đến đấy, tuy cán bộ nhân viên có vất vả một chút song làm theo kiểu “cuốn chiếu” như thế này đã tiết kiệm được thời gian và giải quyết được nhiều việc. Chỉ trong buổi sáng ngày 20/7 bệnh viện vừa là nơi cứu chữa bệnh nhân vừa như một cái trại tỵ nạn khi người dân xung quanh khiêng vác đồ dùng gia đình, đưa cả người già, trẻ em lên tránh trú. Gian nan nhất vẫn là công tác hậu cần, gần trăm con người, từ đội ngũ cán bộ đến bệnh nhân và người nhà của họ phải sinh hoạt trong điều kiện không điện, thiếu nước. Hơn ai hết, tấm lòng “lương y như từ mẫu” đã được cán bộ nhân viên BV thể hiện bằng hành động của mình. Thiếu nước, mọi người cùng san sẻ và đặc biệt ưu tiên bệnh nhân; thiếu ăn, anh chị em và người nhà bệnh nhân dùng tạm mỳ tôm cho đỡ đói lòng và dùng thuyền của lực lượng cứu hộ để tiếp tế cơm, cháo cho các bệnh nhân theo chế độ ăn riêng biệt của từng người… Không có điện, từng viên thuốc vẫn chu đáo, mũi tiêm dưới ánh nến lờ mờ vẫn chính xác… Người bệnh được cứu chữa, sản phụ được chăm sóc, những cháu bé mới ra đời được an toàn, đó là kết quả sự đùm bọc thương yêu của đội ngũ cán bộ, nhân viên BV với người dân. Với giọng cảm động và biết ơn, chị Hoàng Thị Bim, xã Bắc La nói với chúng tôi: “ Ra BV sinh cháu mà lại gặp bão lũ, nhà lại ở xa cách sông cách suối, được các y bác sĩ tận tình chăm sóc để “mẹ tròn con vuông” thật cảm ơn lắm lắm”.
Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Đặng Văn Năm, Giám đốc Trung tâm nói rằng, 3 ngày trực chống bão lũ mà ruột gan nóng như lửa đốt khi gia đình gọi điện lên là nhà cũng bị ngập nước. Sốt ruột là vậy, song anh cũng chỉ ra chỗ vắng gọi về động viên vợ con cố gắng thu dọn đồ đạc, đảm bảo an toàn, mà không tiết lộ với đồng nghiệp để anh em yên tâm. Anh nói: “ Là giám đốc, mình là người đứng mũi chịu sào trong lúc khó khăn; mà không riêng gì mình, nhiều anh em trong chế độ nghỉ cuối tuần cũng không thể về được. Thôi thì cùng nhau ở lại để mỗi người mỗi việc cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ”
Đội y tế dự phòng chuẩn bị bình phun, hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường |
Quang cảnh bệnh viện khi nước rút trông thật tệ với ngổn ngang bùn đất, bê tông gạch ngói, rác rưởi. Nếu chạy lũ đã vất vả, khắc phục hậu quả của lũ càng vất vả hơn. Với tinh thần trách nhiệm rất cao, anh chị em cùng nhau dọn vệ sinh toàn bộ BV, lau chùi từng cánh cửa kính, quét từng viên gạch lát và chuẩn bị hóa chất, bình phun để tiệt trùng từng phòng bệnh nhân đến toàn bộ khuôn viên BV, đảm bảo vệ sinh phòng dịch bệnh sau lũ, đề phòng lây nhiễm chéo.
Nước đã rút, nắng đã lên, BV lại sạch sẽ gọn gàng đón người dân đến khám và điều trị. Giao lại công việc cho 2 phó giám đốc, bác sĩ Năm bớt chút thời gian về nhà riêng để cùng vợ con lau dọn nhà cửa sau lũ. Câu đầu tiên mà vợ anh hỏi là sự an toàn của BV, của bệnh nhân trong đợt lũ này. Anh cười, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt khắc khổ của người vừa trải qua sự nhọc nhằn vì bão lũ.
MINH HỒNG
Ý kiến ()