Nhọc nhằn nghề khai thác đá xây dựng
LSO-Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.800 lao động đang làm việc tại 61 mỏ khai thác khoáng sản, trong đó có gần 50 mỏ khai thác đá xây dựng có giấy phép khai thác còn hiệu lực. Theo đánh giá của ngành chức năng, lao động làm việc tại các mỏ khai thác đá xây dựng có nguy cơ tai nạn lao động cao nhất.
Công nhân tổ khoan nổ thuộc mỏ đá Giang Sơn, huyện Cao Lộc |
Một ngày cuối tháng 4/2017, chúng tôi có dịp khảo sát thực tế điều kiện lao động của những người thợ mỏ khai thác đá thuộc mỏ đá Giang Sơn (tại thôn Tềnh Chè, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc). Trên diện tích khoảng 7 ha là những đống đá, mạt đã qua chế biến chất đống như những quả đồi thấp, xen lẫn là giàn máy nghiền đang rít lên chói tai hòa lẫn tiếng máy đục chát chúa phát ra trên những sườn núi ngay bên cạnh. Không gian lao động sản xuất ngột ngạt, nhưng những người thợ mỏ đá vẫn miệt mài làm việc.
Khuôn mặt rám đen, hốc hác, anh Nguyễn Văn Lanh, 41 tuổi, quê Ninh Bình có 18 năm kinh nghiệm về khoan nổ cho biết: Vẫn biết điều kiện làm việc tại các mỏ khai thác đá xây dựng tiềm ẩn rủi ro cao về mất an toàn lao động, nhưng làm nhiều thành quen. Với gần 20 năm kinh nghiệm khoan nổ, treo mình trên những vách đá cheo leo nhưng trong quá trình làm việc tôi chưa để xảy ra sai sót nào. Được biết, hiện mỏ đá Giang Sơn có 20 lao động đang làm việc, riêng tổ khoan nổ có tới 9 người hằng ngày tiếp xúc với bụi, tiếng ồn và vật liệu nổ công nghiệp trên những vách đá cao từ 3 đến 70 m. Có điều đáng mừng là từ khi mỏ đá Giang Sơn đi vào hoạt động từ năm 2010 đến nay chưa để xảy ra vụ tai nạn lao động nào đối với người lao động.
Tạm xa xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, chúng tôi di chuyển về “thủ phủ” mỏ đá của tỉnh Lạng Sơn đó là huyện Hữu Lũng. Theo thống kê hiện trên địa bàn huyện này có tới 23 mỏ đá đang hoạt động, hằng năm cung cấp hàng trăm nghìn mét khối đá cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Các mỏ đá của Hữu Lũng cũng tập trung đông nhất lực lượng công nhân khai thác đá từ các tỉnh đổ về.
Trong cái nắng oi ả của những ngày đầu hè, chúng tôi đến mỏ khai thác đá của Công ty Cổ phần ACC78 tại thôn Gốc Me, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng. Lau mồ hôi trên gương mặt đen sạm, anh Bùi Khắc Chừng 43 tuổi quê ở huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng kể: “Gia đình tôi có hai đời làm phu đá, 19 tuổi tôi đã theo cha đi làm khoan nổ tại mỏ đá ở Hải Dương, khi thành nghề tôi kinh qua hàng chục mỏ đá thuộc các tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa và giờ thì đầu quân cho Công ty ACC 78 huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn”. Gần 1/4 thế kỷ gắn với nghề khoan nổ anh cũng chứng kiến nhiều thăng trầm của nghề khai thác đá. Bản thân anh trong một lần bất cẩn khi thực hiện khoan nổ tại mỏ đá thuộc tỉnh Hải Dương đã gặp tai nạn, nhưng do sử dụng nghiêm túc trang bị bảo hộ lao động đúng cách, lần đó anh chỉ bị va đập xây xát ở vùng vai và chân.
Vẫn biết, làm công nhân khai thác mỏ đá xây dựng nhiều vất vả, nguy hiểm nhưng những người làm đá vẫn vững tin vào tương lai. Anh Đường Quang Minh, 51 tuổi, trú ở thôn Gốc Me, xã Đồng Tân có 12 năm kinh nghiệm đang làm việc tại mỏ đá ACC 78 trầm ngâm tâm sự: Thu nhập của những người làm khoan nổ dù tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao nhưng bù lại, thu nhập cũng không đến nỗi, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp trả tiền lương, phụ cấp độc hại khoảng 8 triệu đồng, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình và các con học tập.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, những lao động làm việc tại các mỏ khai thác đá xây dựng có nguy cơ tai nạn lao động cao nhất. Trong môi trường độc hại và nguy hiểm ấy, họ rất cần sự quan tâm hơn nữa của các chủ sử dụng lao động và điều quan trọng hơn cả là các mỏ đá cần khai thác theo đúng quy trình quy định, đồng thời trang bị đầy đủ bảo hộ để đảm bảo an toàn cho người lao động.
TRANG NINH
Ý kiến ()