Nhọc nhằn “gieo chữ” vùng cao
LSO-Không ngại khó, ngại khổ, những giáo viên “cắm bản” ở điểm trường Hin Đăm I, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập vẫn hàng ngày miệt mài đem chữ ươm mầm cho trẻ em vùng cao. Bám bản, vận động trẻ đến lớp và giữ chân trẻ ở lại đến hết niên khóa là cả một sự cố gắng không mệt mỏi của tập thể, cán bộ, giáo viên nơi đây…
Cô và trò Trường Tiểu học II xã Kiên Mộc |
Hành trình gieo chữ
Nhà ở ngoài Khe Vuồng, xã Đình Lập, để đi được đến điểm trường Hin Đăm I, cô Vi Thị Lưu, giáo viên dạy lớp mầm non phải thức dậy từ hơn 5 giờ sáng. Đầu đông, đất trời còn mịt mù trong sương lạnh giá, người giáo viên có thâm niên giảng dạy hơn 20 năm đã phải thức dậy, đặt nắm cơm làm từ tối hôm trước cùng ít muối vừng vào trong cặp cạnh những quyển giáo án và bắt đầu hành trình “gieo chữ”. Nhà cô Lưu cách điểm trường Hin Đăm I gần 15km, trong đó có 5km đường đất đá khó đi và phải lội qua nhiều con suối nhỏ. Cô Lưu cho biết: “Tháng có 4 tuần thì tuần nào cũng phải mang xe đi sửa ít nhất một lần. Khi thì thủng săm, trùng xích, lúc thì sửa phanh, thay lốp. Đi sửa, người ta biết ngay xe đi bản, đi đường rừng. Họ khuyên thay lốp bám đất để đi đường đỡ trơn trượt mà chưa thay được”. Vào những ngày mưa gió, con đường sình lầy bùn đất, không thể đi xe máy, cô phải gửi xe nhà dân ở dọc đường rồi tiếp tục cuốc bộ vào điểm trường. Ấy vậy mà hàng ngày, cô Lưu vẫn sáng đi, tối về, không một ngày nghỉ.
Ươm mầm trên bản vùng cao
Anh Bùi Văn Mẫn, nhà ở xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, là giáo viên dạy thể dục, có thâm niên 5 năm “cắm bản” cho biết: điểm trường Hin Đăm I gồm Trường Tiểu học II xã Kiên Mộc và một lớp mầm non học nhờ cơ sở vật chất của trường tiểu học. Riêng Trường Tiểu học II xã Kiên Mộc có 7 điểm trường. Trong đó chỉ có điểm trường chính là có 2 phòng học và dãy nhà công vụ gồm 3 phòng được kiên cố hóa. Còn lại 6 phân trường đều là nhà tạm, phân trường Kéo Tắm xa nhất không thể đi được bằng xe máy, từ điểm trường chính đến nơi phải mất hơn 2 giờ đồng hồ đi bộ. Trò chuyện với anh, tôi để ý thấy điện thoại anh đang sạc pin trong khi trước đó anh nói ở đây không có điện. Tôi tò mò hỏi thì anh bảo đó là điện của dân, cho trường được thắp một bóng, điện có được là chạy nhờ nước nhưng không phải lúc nào cũng sẵn. Anh Mẫn cho biết thêm: “không có điện nên sáng lên lớp, chiều phải tranh thủ soạn bài. Hôm nào lên lớp cả ngày thì buổi tối phải soạn bài dưới ánh đèn pin, đèn dầu”.
Ngoài 2 phòng học được kiên cố hóa, Trường Tiểu học II xã Kiên Mộc còn có 1 dãy nhà tạm gồm 3 phòng học, trong đó có 1 lớp mầm non. Nhìn quanh thấy mỗi lớp học chỉ trên dưới 10 em học sinh đang chăm chú nghe giảng. Cô Hoàng Thị Thùy, nhà ở xã Đình Lập, vừa hết tiết dạy cho biết: “100% học sinh ở đây đều là người Dao nên ngoài nghiệp vụ chuyên môn, nhiều giáo viên còn phải tự học thêm tiếng Dao để tiện giao tiếp và giảng dạy. Khi đứng lớp, vừa phải nói tiếng Kinh, vừa nói tiếng Dao để học sinh tiếp thu nhanh hơn”. Chợt có tiếng xe máy của 2 nam thanh niên vào trường, anh Mẫn bảo đó là 2 nhân viên y tế và thư viện, biết hôm nay vào trường nên các cô giáo gửi mua thức ăn từ ngoài thị trấn đem vào. Trong tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác ở trường thì có một số ít giáo viên nhà ở ngoài thị trấn, ngày nào cũng sáng đi, tối về, còn đa phần là “cắm bản”. Trẻ nhất có cô Trịnh Thị Đào, sinh năm 1989 và ở xa trường nhất là cô Bế Thị Diệp, nhà tận huyện Tràng Định, lâu lâu mới về thăm nhà một lần.
Trong khi các giáo viên đang giảng bài trên lớp, một vài giáo viên không có tiết dạy tranh thủ nấu cơm trưa. Bữa cơm chỉ có mớ cải trắng, mấy bìa đậu phụ và ít thịt lợn. Cô Vân đang cặm cụi rửa rau ở cạnh bếp nói: “rau của trường tự trồng đấy”. Nói tôi mới để ý, trước dãy nhà công vụ có một khoảng vườn nhỏ trồng rau cải đang đà lớn. Được biết, số rau này do giáo viên mua giống ngoài thị trấn đem vào trồng để phòng khi mưa gió, không ra thị trấn mua thức ăn được.
Rời điểm trường Hin Đăm I khi bên bếp củi rực hồng, cô giáo trẻ đang đảo nồi cơm trắng bốc hơi nghi ngút, xen lẫn khói bếp, đôi mắt cay xè nhìn không khỏi bùi ngùi. Điều làm chúng tôi day dứt hơn cả là câu nói của cô giáo Lưu trước khi chia tay: “Từ khi dạy học ở vùng cao thì chưa từng biết đến khái niệm được tặng hoa, dù chỉ là một bông hoa rừng”.
Ý kiến ()