Nhọc nhằn đường đến Lâm Ca
LSO-Trong muôn vàn cái khó của xã vùng sâu Lâm Ca, huyện Đình Lập, có lẽ cái khó về con đường là nổi hơn cả. Tình trạng giao thông yếu kém đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây.
Đường vào trung tâm xã Lâm Ca còn nhiều bùn lầy |
Dừng nghỉ ở một quán nước ven đường nằm ở trung tâm thị trấn Nông trường, huyện Đình Lập, ông già bán quán nước tỏ ra khá e ngại khi chúng tôi hỏi đường vào xã Lâm Ca. Hỏi ra mới biết, từ đầu năm đến giờ mưa suốt, con đường đất duy nhất dẫn vào xã Lâm Ca bùn đất đùn lên trơn trượt, nhiều người dân trong xã có việc ra ngoài đều phải đi bộ, cũng có một vài trường hợp đi xe máy nhưng khi ra đến nơi, xe hỏng phải dắt bộ đến cả chục cây số mới sửa được. Những câu chuyện của ông già bán quán nước đã phần nào nói lên cái khó của con đường và cũng từ đó càng thôi thúc chúng tôi đi bằng được. Tuy chỉ cách trung tâm huyện Đình Lập chừng hơn 30 km nhưng để vào được đến trung tâm xã Lâm Ca cũng phải mất gần 3 tiếng đồng hồ đi xe máy. Đấy là mùa khô, còn nếu vào mùa mưa, nhiều người dân nơi đây thay vì đi xe máy đã lựa chọn phương án đi bộ cho… nhanh bởi gần như Lâm Ca bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Tưởng chừng là vô lý nhưng quả thực, có vào đến Lâm Ca rồi mới thấy được phần nào cảnh khổ của người dân khi ngày ngày phải đi lại qua con đường đất này.
Đường sá khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Vừa mừng vì thu được món tiền kha khá từ bán keo, nhưng bà Lã Thị Thà, thôn Pắc Vằn vẫn không khỏi ấm ức. Bà Thà chia sẻ: cách đây chừng hơn 6 năm, nhà bà trồng được khoảng 3.000 cây keo và năm ngoái đã cho thu hoạch. Hợp đất, gia đình lại chịu khó chăm sóc nên những rừng keo của nhà bà Thà phát triển nhanh chóng, cây nào cây đấy xanh tốt, tư thương thu mua hết luôn. Thế nhưng, cây keo nhà bà lại bị trả giá thấp hơn so với những hộ trồng keo khác ngoài thị trấn Nông trường cũng như một vài xã lân cận khác. Tư thương giải thích đó là vì đường vào Lâm Ca khó quá, chi phí vận chuyển tăng nên đành phải hạ giá thu mua. Chấp nhận giá thành thấp, gia đình bà Thà cùng nhiều hộ dân khác ở Lâm Ca vẫn phải bám đất, bám rừng để phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Thành Giang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: đường trục chính dẫn vào xã đã khó nhưng đường liên thôn còn khó hơn rất nhiều. Xã có 22 thôn, bản thì phần lớn đường đến các thôn là đường đất. Từ nhiều đời nay, những con đường đất đã gây rất nhiều khó khăn cho đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân. Là một xã thuần nông nhưng với hệ thống giao thông yếu kém, sản phẩm nông nghiệp của xã vẫn chỉ mang tính tự cung tự cấp. Một số sản phẩm đưa được ra ngoài thị trường bên ngoài như chè, sản phẩm nhựa, gỗ thông, keo thì luôn bị trả giá thấp hơn do phải gánh chi phí vận chuyển, thậm chí có hộ còn không tiêu thụ được sản phẩm.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế mà giao thông yếu kém đã gây rất nhiều khó khăn cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Những chuyện ngã, hỏng xe hay học sinh phải nghỉ học do đường xấu là chuyện bình thường vẫn diễn ra ở Lâm Ca, thậm chí có cả những vụ người bệnh suýt mất mạng cũng đã xảy ra. Ông Giang cho biết: trường hợp gần nhất vào năm 2013, một người dân trong xã bị bệnh phải đưa đi cấp cứu bằng xe máy, nhưng đi được một đoạn ngắn xe máy đành chịu vì đường khó quá, thế là bà con trong xã đưa người bệnh vào chõng và thay nhau khiêng bộ cả chục cây số. Sau đó người dân này được đưa đến bệnh biện đa khoa ở Sơn Động cấp cứu kịp thời và đã may mắn thoát chết.
Hơn 900 hộ dân ở Lâm Ca là hơn 900 hoàn cảnh cụ thể khác nhau nhưng họ đều có chung một mong muốn đó là con đường 247 chạy qua địa bàn xã được nâng cấp, cải tạo để người dân đi lại thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
TÂN AN
Ý kiến ()