Nhọc nhằn công tác truyền thông giáo dục sức khỏe
LSO - 6giờ sáng ngày 29/5/2014, anh em chúng tôi chuẩn bị hành trang cho một buổi truyền thông, đích đến của chuyến đi lần này là thôn bản Phải, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình. Cơn mưa nhẹ dường như đã xua đi cái nóng nực của những ngày đầu hè. Ghé qua Trung tâm y tế huyện để đón thêm hai cán bộ Đội y tế dự phòng, anh em chúng tôi thẳng tiến tới xã Tú Mịch.
Đường về thôn Bản Phải, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình
Khi chỉ còn cách Ủy ban nhân dân xã chừng 3km, cũng là lúc bắt đầu hành trình đầy gian nan vất vả của anh em đoàn công tác truyền thông. Con đường độc đạo dẫn đến Ủy ban nhân dân xã đang trong quá trình thi công, không có xe ô tô nào có thể vào được. Chị Sơn Đội trưởng đội y tế dự phòng huyện gọi điện thoại cho trạm y tế xã đề nghị cử cán bộ ra đón. Sau 30 phút gọi sự trợ giúp, 2 chiếc xe máy đã chờ chúng tôi ở đầu đoạn đường bê tông nối vào trung tâm xã. Hai cán bộ lớn tuổi hơn được ưu tiên đi chuyến trước. Tôi và một thanh niên trẻ tuổi tên Tuyển mới về công tác ở Đội Y tế dự phòng huyện vừa đi bộ vừa trò chuyện để chờ chuyến sau.
Cơn mưa rào ập đến khiến hai anh em tôi phải chạy vội vào một quán nhỏ ven đường. Nhìn trời mưa như trút nước, Tuyển tâm sự với tôi: “có khi mưa thế này lại dễ đi hơn, không thì bánh sau lúc nào cũng chực đòi đi phía trước, anh ạ”. Tôi động viên Tuyển mà cũng là động viên cho chính mình, dù khó khăn thế nào cũng phải đến cho bằng được. Mặc vội xong bộ quần áo mưa mua tại quán, cũng là lúc hai chiếc xe máy đã quay trở lại đón chúng tôi.
Vào đến Ủy ban nhân dân xã Tú Mịch, đồng hồ điểm đúng 8 giờ. Chúng tôi được đồng chí phó chủ chị Ủy ban nhân dân xã dẫn đi, kèm theo đó là trang bị cho một chiếc xe máy đã nạp đầy nhiên liệu. Cùng với hai chiếc xe máy của cán bộ trạm y tế xã, anh em chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về với bản Phải.
Con đường tới bản Phải chỉ chừng 7km nhưng thực sự là một cuộc chiến với chúng tôi. Đi trên còn đường gập ghềnh đá sỏi, chưa được năm trăm mét là bắt đầu đoạn đường đất đầy bùn lầy kèm theo đó là những vũng nước lớn nhỏ đan xen nằm ngổn ngang khắp mặt đường. Chốc chốc, những người ngồi sau lại nhảy xuống đi bộ. Chiếc xe máy lại gào thét, gầm lên giữa rừng thông, như dồn hết sức mạnh vốn có để vượt qua từng con dốc. Thỉnh thoảng bó tay trước những con dốc cao, chiếc xe cứ đứng yên mà bánh xe cứ quay tít, phun trào những mảng bùn lúc màu đỏ, có lúc lại màu đen ra phía sau gần chục mét. Để góp sức người cùng sức máy vượt qua con dốc, anh lái xe xõa hai chân ra như hai mái chèo vừa giữ thăng bằng vừa đạp bùn để cho con thuyền máy tiến lên phía trước. Thỉnh thoảng đám người đi bộ lại vượt lên. Những đôi giầy, đôi dép đã không còn ở đúng vị trí của nó, thay vào đó là ở một bên tay, còn tay kia là chiếc que củi nhặt ở dọc đường để chống cho đỡ trơn trượt.
Cứ như thế, vượt qua con dốc này đến con dốc khác, đoàn công tác của chúng tôi ngày càng tiến xa khỏi trung tâm xã hơn. Bó tay trước con dốc đứng ở phía trước, anh em chúng tôi gửi xe ở một nhà dân ven đường, tiếp tục khuân vác hành trang tiến về phía trước, để đến với cái đích của mình, địa điểm chính là nhà văn hóa thôn, nơi hàng ngày được trưng dụng làm trường mầm non của thôn bản Phải.
10 giờ 15 phút chúng tôi có mặt tại nhà văn hóa thôn, hơn chục người đại diện các hộ gia đình có con trong độ tuổi tiêm chủng đã chờ chúng tôi từ lâu. Rửa vội chân tay, cởi bộ quần áo mưa ra mới phát hiện quần áo chúng tôi mặc đã ướt hết mồ hôi không biết từ bao giờ. Đóng vội hai tấm vải trắng lên tường làm màn chiếu, lắp chiếc máy chiếu và bật chiếc máy tính xách tay, thế là buổi truyền thông sẵn sàng được bắt đầu.
Chờ thêm khoảng 10 phút, thêm hơn chục người dân xung quanh đến, buổi truyền thông bắt đầu khai mạc. Bằng hình thức truyền thông phù hợp, có sự giao lưu hỏi đáp giữa người dân với cán bộ truyền thông của tỉnh, của đội y tế dự phòng huyện và trạm y tế xã, kèm theo đó là những chiếc bánh, chiếc kẹo được đội y tế dự phòng huyện chuẩn bị đã làm cho buổi truyền thông như một ngày hội của các ông bố bà mẹ.
Đối tượng triệu tập tham dự buổi truyền thông lần này là những ông bố, bà mẹ có con trong diện tiêm chủng thuộc hai thôn bản Phải và bản Roọc. Trong đó có 14 trường hợp có con trong độ tuổi tiêm vác xin Quinvaxem, loại 5 trong 1, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ. Nhưng những đối tượng này từ đầu năm 2014 không tổ chức cho con em mình đi tiêm phòng, vì lo ngại những trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng trong năm 2013 và đầu năm 2014 lại xảy ra với chính con em của mình. Điều này đã ảnh hưởng đến kết quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong xã nói riêng, toàn huyện nói chung.
12 giờ 30 phút buổi truyền thông kết thúc, kết quả không nằm ngoài mong đợi. Hầu hết các ông bố bà mẹ đã đồng ý đăng ký tiêm chủng cho con em mình theo lịch tiêm chủng của trạm y tế xã hàng tháng. Bên cạnh đó cũng còn có phần nhỏ bà mẹ, còn phần vân không biết có nên cho con em mình đi tiêm phòng hay không, vì sợ cha mẹ chồng phản đối. Chị Tàng Thị Diệp, thôn bản Roọc cho biết: “Hàng ngày đi làm ruộng, làm đồng, chỉ có ông bà ở nhà trông cháu. Sau khi tiêm vác xin về cháu bị sốt, khó trông giữ nên bà của cháu không cho đi tiêm. Còn ông của cháu thì nói tiêm vác xin vào làm cháu bị gầy đi nên không cho đi tiêm. Tuy nhiên sau buổi truyền thông này, bản thân sẽ cố gắng phấn đấu tuyên truyền cho bố mẹ chồng để có được sự đồng ý của ông bà cho cháu đi tiêm phòng”
Chia tay với sự nuối tiếc, vì còn bao điều muốn nói, muốn hỏi. Ra về với niềm phấn khởi vì thành quả đã đạt được tại buổi truyền thông. Vừa bước ra khỏi cửa nhà văn hóa thôn, chị Mây, Trưởng trạm y tế xã Tú Mịch đã phát cho chúng tôi mỗi người một chiếc gậy đã vót nhọn một đầu để chống cho đỡ trơn và một chiếc que để khều đất khi cần thiết. Cầm chiếc gậy trên tay, mỗi người trong chúng tôi cảm thấy sự mệt mỏi và đói khát tràn về. Bước chân của chúng tôi càng trĩu nặng hơn khi bùn đất cứ níu lấy giầy dép không cho chúng tôi đi, như trong lòng những người dân đang vẫy tay chào tạm biệt kia mà trong lòng chưa muốn cho chúng tôi về.
Cơn mưa đã dứt từ giữa buổi truyền thông giáo dục sức khỏe, làm cho con đường trở lại Trung tâm xã khó khăn vất vả hơn vì bùn đất. Khi vào những chiếc xe máy của chúng tôi hai đến ba lần phải đỗ lại để cậy đi lớp bùn kẹt nơi bánh xe, thì khi về, số lượt đỗ lại để cậy bùn đất tăng gấp đôi gấp ba lần. 14 giờ 30 phút chúng tôi trở lại đến Ủy ban nhân dân xã. 15 giờ chúng tôi được ăn bữa trưa do Ủy ban nhân dân xã chuẩn bị sẵn. Bữa cơn nguội lạnh vì đã chuẩn bị từ lâu, nhưng trong lòng chúng tôi lại cảm thấy ấm cúng vô cùng vì hơn 90% kế hoạch đề ra chúng tôi đã hoàn thành. Cũng có thể do đói và mệt nên bữa cơm được cảm nhận ngon hơn, ấm cúng hơn bình thường.
Sau bữa cơm trưa muộn màng và một vài phút làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã cùng trạm y tế xã, chúng tôi được đưa ra đầu con đường bê tông liên xã đang được thi công. Nơi là khởi đầu cho sự gian nan vất vả và cũng là nơi kết thúc sự vất vả gian nan ấy, sau một chuyến đi truyền thông giáo dục sức khỏe tại thôn bản.
Đây không phải là buổi đầu tiên Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Lạng Sơn tổ chức truyền thông cho bà con nhân dân tại thôn bản, càng không phải là buổi cuối cùng. Trong 15 năm qua, kể từ ngay thành lập, hàng trăm, hàng nghìn buổi truyền thông đã được thực hiện. Đối tượng là bà con nhân dân có, đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã có và cán bộ chủ chốt của huyện cũng có. Tuy nhiên, nhận thức của bà con nhân dân ta còn nhiền hạn chế, cần lắm những buổi truyền thông như thế này để góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng của bà con nhân dân.
ĐỖ TUẤN (TT truyền thông GDSK Lạng Sơn)
Ý kiến ()