Nhọc nhằn công nhân cầu đường
LSO-Hệ thống hạ tầng giao thông cầu, đường bộ của tỉnh trong hai năm trở lại đây được củng cố, cải thiện rất lớn cả về số lượng và chất lượng. Để có được thành quả ấy có sự đóng góp rất lớn từ lực lượng công nhân làm cầu đường. Với họ “nắng bụi, mưa dầm sửa cầu đêm, “vá” đường sương sớm vì tương lai”, công việc vất vả là vậy nhưng họ luôn tự hào và gắn bó với nghề, góp phần làm nên những con đường khang trang, sạch đẹp, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công nhân Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng giao thông Lạng Sơn trình diễn thi công đưa vật liệu carboncor vào sửa chữa đường bộ tại thành phố Lạng Sơn |
Hiện nay, phương tiện thiết bị phục vụ thi công cầu đường bộ rất hiện đại, góp phần giải phóng sức lao động cho người công nhân cầu đường. Nhưng dù thiết bị có hiện đại đến đâu thì vai trò của người công nhân cầu đường vẫn là yếu tố quyết định đến hiệu quả công việc. Do đó, với những người gắn bó với nghề công nhân cầu đường việc đối mặt với hoàn cảnh “nắng trên đầu, nhựa nóng dưới chân” đã rất đỗi quen thuộc.
Lau vội giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt sạm đi vì nắng gió khi vừa thực hiện xong một đoạn thảm thử mặt đường dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, chị Hoàng Thị Nhiên, quê ở xã Trung Lương, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, hiện là công nhân xí nghiệp thảm bê tông nhựa Công ty Cổ phần Licôgi 16 (đơn vị đang thi công dự án đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn) cho biết: Gần 20 năm làm công nhân cầu đường, vui buồn với nghề, lúc thăng lúc trầm đều đã trải qua, nhưng người đã chọn nghề và nghề đã chọn người thì dù công việc có vất vả thế nào thì vẫn vượt qua. Khi mới làm nghề, tôi không nghĩ điều kiện làm việc lại cực nhọc, khắc nghiệt đến thế, có những lúc tưởng chừng không chịu nổi nhưng rồi dần cũng quen. Chú thấy đấy, trong điều kiện làm việc trực tiếp ngoài trời vào mùa hè thời tiết nắng nóng lại liên tục tiếp xúc với vật liệu bê tông nhựa nóng ở mức nhiệt 140 độ C, với người bình thường sẽ rất khó có thể chịu đựng được nhưng với công nhân làm đường như chúng tôi đã được “tôi luyện” thì đó là chuyện bình thường.
Điều kiện làm việc của người công nhân cầu đường rất đặc thù và độc hại, đó là lao động trực tiếp ngoài trời với điều kiện thời tiết nắng, mưa thất thường, thường xuyên tiếp xúc với các loại vật liệu hóa chất độc hại và phải di chuyển liên tục theo từng tuyến đường, từng dự án. Nhưng vì cuộc sống, sự gắn bó với nghề nên những người công nhân cầu đường vẫn dốc lòng, dốc sức để tạo ra những cung đường, cây cầu nối những niềm vui.
Chị Hoàng Thị Tuyến, trú tại thị trấn Lộc Bình – gia đình có hai thế hệ làm công nhân cầu đường biên chế Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng giao thông Lạng Sơn tâm sự: Bố mẹ chồng tôi đều là công nhân của công ty từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, giờ đến lượt chồng và tôi tiếp nối nghề. Thấm thoát đến nay cũng đã 15 năm gắn bó với công việc duy tu, sửa chữa đường. Mặc dù rất vất vả, ngày nắng cũng như ngày mưa thường xuyên phải bám đường để bảo đảm giao thông, xử lý sự cố, thậm chí rủi ro tai nạn rình rập và áp lực tiến độ công việc, trong khi đồng lương thấp, nhưng vì lòng yêu nghề và mỗi khi thấy con đường do mình bảo dưỡng, duy tu được êm thuận thông suốt, tôi cũng như những công nhân cầu đường khác đều thấy vui và tự hào.
Ông Phạm Hữu Tuân, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Lạng Sơn – doanh nghiệp trong tỉnh có số lượng công nhân lao động trên lĩnh vực cầu đường bộ lớn nhất tỉnh cho biết: Hiện công ty có 134 công nhân làm việc tại các hạt quản lý đường bộ, các bộ phận chuyên trách chuyên làm công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường giao thông, cầu đường bộ. Hai năm trở lại đây, công tác chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân tại đơn vị được lãnh đạo công ty đặc biệt quan tâm. Ngoài thực hiện chế độ tiền lương theo cơ chế khoán, công ty còn thực hiện nghiêm túc các chế độ về bảo đảm vệ sinh an toàn lao động cho công nhân. Cụ thể như: trang bị bảo hộ lao động, thực hiện hỗ trợ đường, sữa theo tháng, khám sức khỏe định kỳ, tham quan nghỉ mát và thực hiện đầy đủ các chế độ khác. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của lãnh đạo công ty hiện nay là làm sao tạo được nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Để thực hiện được vấn đề này, đơn vị đang cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trên lĩnh vực duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ; tìm kiếm nhiều việc làm mới cũng như đầu tư trang thiết bị để giải phóng sức lao động, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao hiệu quả công việc.
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 7.000 công nhân lao động tại các công trường xây dựng. Trong đó, khoảng 2.000 công nhân lao động trong lĩnh vực cầu đường bộ. Một số công trường sử dụng lao động công nhân cầu đường lớn như: công trường dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; cầu Kỳ Cùng; đường xuất, nhập khẩu đấu nối cửa khẩu Tân Thanh với khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc); đường đến trung tâm xã Tân Yên; đường Lũng Vài – Bản Pẻn… Riêng Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Lạng Sơn trong năm 2017 đã hoàn thành 36 công trình giao thông. |
TRANG NINH
Ý kiến ()