Nhớ về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam
Cách đây 69 năm (6/1/1946 - 6/1/2015), trong không khí vô cùng phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt già trẻ gái trai đã nô nức đi bỏ phiếu, lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành trong bối cảnh Việt Nam đã thành một nước Độc lập và Tự do; Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời, song chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Trong khi đó, các thế lực đế quốc và tay sai đang ráo riết chống lại Đảng Cộng sản và Việt Minh, hòng lật đổ chính quyền cách mạng và thiết lập một chính quyền phản động tay sai cho đế quốc. Hơn thế nữa, tình hình kinh tế xã hội ở nước ta lúc bấy giờ lại hết sức khó khăn: Công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn đói đe doạ trầm trọng; hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội nặng nề, kinh nghiệm quản lý chính quyền chưa có…
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu |
Đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, nhằm củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng vững mạnh, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, trong đó khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử, đồng thời khẳng định chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó.
Ngày 16/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh ấn định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử. Tiếp đó, Chính phủ lâm thời đã ban hành các Sắc lệnh để xúc tiến công việc chuẩn bị cụ thể cho việc Tổng tuyển cử như: Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/9/1945, thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp gồm có: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu; Sắc lệnh số 39/SL ngày 26/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử gồm 9 người, trong đó có đại diện của các ngành, các giới.
Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử gồm 12 khoản, 70 điều. Trong đó, quy định cuộc Tổng tuyển cử phải được tiến hành theo lối phổ thông đầu phiếu bầu cử trực tiếp và bí mật, đồng thời ấn định thời gian Tổng tuyển cử vào ngày 23/12/1945. Tuy nhiên, lúc này đất nước đang trong tình thế nước sôi, lửa bỏng, thù trong, giặc ngoài, ngàn cân treo sợi tóc. Ở trong nước thì bọn phản động trỗi dậy đòi chia sẻ quyền lực, bên ngoài thì quân Tưởng Giới Thạch đội lốt quân đồng minh vào tước khí giới quân phát xít Nhật, cũng lăm le đòi can thiệp sâu vào cơ cấu Chính quyền còn non trẻ của ta và đòi chia sẻ quyền lực… Để giữ yên được vận nước, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua sóng gió, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký các Sắc lệnh số 71 và Sắc lệnh số 72 để sửa đổi, bổ sung Sắc lệnh 51 về thủ tục ứng cử; bổ sung số đại biểu được bầu cho một số tỉnh để nâng tổng số đại biểu Quốc hội lên 330 đại biểu; đồng thời lùi thời hạn Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946.
Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Toàn văn như sau:
“Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946.
Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ.
Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.
Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.
Ngày mai, Quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:
Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,
Kiên quyết chống bọn thực dân,
Kiên quyết tranh quyền độc lập.
Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.
Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.
Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng.
Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.
Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta.
Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do” [1] .
Nhân dân nô nức đi bỏ phiếu trong ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I |
Sáng chủ nhật, ngày 6/1/1946, đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng cả ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, và bằng cả niềm vui sướng cao độ háo hức chuẩn bị chờ đợi bấy lâu nay, toàn thể nhân dân Việt Nam nô nức đi bỏ phiếu. Tại Hà Nội, trung tâm của cả nước, nơi hàng ngày diễn ra các sự kiện trọng đại ảnh hưởng đến vận mệnh của cả dân tộc, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, hàng chục vạn cử tri Thủ đô đi làm nghĩa vụ công dân. Có những cụ già 70, 80 tuổi được con cháu cõng đi bỏ phiếu, nhiều người mù đã nhờ người nhà dẫn đến tận hòm phiếu để tự tay mình làm nhiệm vụ công dân. Kết quả, 172.765 trong tổng số 187.880, tức 91,95% cử tri của cả 74 khu phố nội thành và 118 làng ngoại thành Hà Nội đã đi bỏ phiếu. 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Người trúng cử thấp phiếu nhất là 52,5%; người đạt phiếu cao nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh được 169.222 phiếu, tức 98,4%. Nhìn chung ở cả 71 tỉnh thành trong cả nước, 89% tổng cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số [2] .
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử tháng 1-1946 đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp cách mạng. Thắng lợi Tổng tuyển cử 6/1/1946 càng khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã thành công dân của một nước độc lập, tự do, tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự mình lựa chọn và dựng xây chế độ Cộng hoà dân chủ. Bằng cuộc Tổng tuyển cử, tất cả mọi công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo đều có quyền dân chủ, bình đẳng, tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Trải qua 69 năm kể từ ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày 6/1/1946 đã trở thành một dấu mốc không thể nào quên trong ký ức mỗi người dân Việt Nam – ngày khai sinh Quốc hội Việt Nam. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước ta đã không ngừng phát triển và trưởng thành, hoạt động ngày càng thiết thực và có hiệu quả, được cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng và đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của dân, do dân và vì dân./.
_________________________
Chú thích:
[1]. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. Năm 2009, tập 4, tr.145.
[2]. Theo Lịch sử Quốc hội Việt Nam
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()