Nhớ về ngày tổng tuyển cử đầu tiên 6-1-1946
LSO-Chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Viêt Nam dân chủ cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị: “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Quốc hội đó là cơ quan có quyền lực tối cao của nhân dân, sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta được tổ chức khi mà thù trong, giặc ngoài đe dọa, chống phá, tình hình đất nước ở thế như “ngàn cân treo trên sợi tóc”, hơn 90% nhân dân mù chữ. Ở miền Bắc, từ vĩ tuyên 16 trở ra, giữa tháng 9-1945, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa quân đồng minh tràn sang giải giáp quân Nhật, nhưng thực chất là cướp bóc và nuôi dưỡng, cấu kết với các thế lực phản động trong nước để chống phá điên cuồng tổng tuyển cử của ta. Ở miền Nam, từ vĩ tuyến 16 trở vào, quân đội Pháp được nửa vạn quân Anh yểm hộ đã quay lại đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ, cực nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ở những nơi này, chúng dùng quân đội, cảnh sát, mật thám khủng bố nhân dân, cướp của, đốt nhà hòng ngăn cản tổ chức Tổng tuyển cử của ta.
![]() |
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau cuộc tổng tuyển cử trong cả nước năm 1946, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch nước – Ảnh: Tư liệu |
Vận mệnh Tổ quốc, nền độc lập vừa mới giành của dân tộc đang đứng trước nguy cơ mất còn. Vì thế cách mạng của nhân đân lúc này vẫn là “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”. Bởi vì mất chính quyền là mất tất cả, là trở lại đời nô lệ. Muốn vậy, phải tăng cường khối đoàn kết toàn dân, hòa hợp dân tộc, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ngoại giao. Kháng chiến đi đôi với kiến quốc, chống giặc ngoại xâm gắn liền với chống giặc đói và giặc dốt. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 18-SL về Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Sắc lệnh nêu rõ: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Trong không khí vô cùng phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân cả nước đón nhận và chuẩn bị Tổng tuyển cử như ngày hội lớn của mình. Đảng chủ trương: “phải đưa những người đã ở trong Ủy ban nhân dân có năng lực hành chính ra ứng cử”, và giới thiệu những thân hào có tài, có đức ra ứng cử và cùng đứng chung một số quốc gia liên hiệp với các ứng cử của Việt Minh. Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, không khí càng náo nức. Ngày 5-1-1946 Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi, có đoạn viết: “Ngày mai, mồng sáu tháng giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng… Ngày mai, tất cả cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
Đó là lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, và bằng cả niềm vui sướng cao độ háo hức chuẩn bị, chờ đợi bấy lâu nay. Toàn thể nhân dân ta từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ dành trọn cho ngày lịch sử vĩ đại – ngày 6-1-1946, toàn dân đi bỏ phiếu. Đúng 7 giờ, tiếng chuông, tiếng trống các nhà thờ, chùa chiền, tiếng pháo nổ vang trên khắp các phố phường, làng bản kéo dài 15 phút báo hiệu giờ Tổng tuyển cử bắt đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng hàng chục vạn cử tri đi làm nghĩa vụ công dân của mình. Có cụ già 70, 80 tuổi được con cháu cõng đi bỏ phiếu, nhiều người mù lòa nhờ người nhà dẫn đến tận hòm phiếu để tự tay mình làm nghĩa vụ công dân. Nhân dân miền Nam bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình. Lá phiếu trong cuộc bầu cử này còn được gọi là “lá phiếu máu” , vì nó thấm máu của hơn bốn chục chiến sĩ đã quên mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự nghiệp kháng chiến cứu nước, vì công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng.
Nhìn chung ở cả 71 tỉnh thành trong cả nước, 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ của kiếp tôi đòi đã trở thành “chủ nhân ông”, một nước tự do độc lập. Đã khẳng định với thế giới rằng nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập, có quyền và thực sự có khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và xây dựng chế độ mới, chế độ Cộng hòa dân chủ nhân dân, mà hiện nay là CHXHCN Việt Nam.
MAI TÙNG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()