Nho Quan không còn những ngày chạy lũ
Đê được nâng cấp thành đường giao thông trong vùng phân lũ Nho Quan. Kiên trì khắc phục khó khăn suốt mười năm trời, đến nay huyện miền núi Nho Quan (Ninh Bình) đã hoàn thành 300 km đê bao quanh bảy xã vùng phân lũ, chậm lũ ở địa phương. Hệ thống đê kiên cố với bề mặt đổ bê-tông xi-măng vừa có tác dụng ngăn lũ, vừa trở thành huyết mạch giao thông liên thôn, liên xã. Nhờ đó, hàng chục nghìn hộ ở vùng ngoài đê sông Hoàng Long không phải chạy lũ mỗi khi tới mùa mưa bão, khiến đời sống của họ được ổn định.Nho Quan, huyện miền núi của Ninh Bình song lại có tới 17/27 xã, thị trấn của huyện nằm ngoài đê Hoàng Long, thành thử mùa nước về, nơi này ngập một mầu đỏ ngầu phù sa. Nước mênh mông. Nước nhấn chìm những ngôi nhà cấp bốn, nước như ganh độ cao với nhà hai tầng. Việc chạy lụt đi vào tiềm thức của người dân vùng lũ. Những đứa trẻ vùng này khi lên 6-7 tuổi thì công việc trước tiên các bậc phụ huynh chăm lo là dạy...
Đê được nâng cấp thành đường giao thông trong vùng phân lũ Nho Quan. |
Nho Quan, huyện miền núi của Ninh Bình song lại có tới 17/27 xã, thị trấn của huyện nằm ngoài đê Hoàng Long, thành thử mùa nước về, nơi này ngập một mầu đỏ ngầu phù sa. Nước mênh mông. Nước nhấn chìm những ngôi nhà cấp bốn, nước như ganh độ cao với nhà hai tầng. Việc chạy lụt đi vào tiềm thức của người dân vùng lũ. Những đứa trẻ vùng này khi lên 6-7 tuổi thì công việc trước tiên các bậc phụ huynh chăm lo là dạy chúng bơi để thích nghi với điều kiện sống. Các gia đình phía ngoài đê thường xuyên mở máy thu hình, thu thanh nghe thời tiết và đặc biệt nếu có bão là gói ghém quần áo, phân công từng người trong gia đình lo chạy vật dụng lên đê dựng lều để ở chờ nước rút mới trở về. Đó là những ngày cơ cực. Mỗi đoạn đê dài chừng trăm mét mà có tới hàng chục gia đình lỉnh kỉnh lợn gà, trâu, bò đến trú ngụ. Mưa xuống, mặt đê nhớp nháp bùn và phân trâu, bò. Hơi nóng hầm hập từ tấm bạt che tạm, hơi nóng từ không khí, từ chật chội quện với mồ hôi người tạo nên một thứ mùi nồng nồng rất khó chịu. Đấy là vẫn còn may. Bởi trời mưa, bờ đê nhão nhoét bùn.
Từ khi hệ thống đê trên sông Hoàng Long và sông Đáy được hình thành và việc phân lũ, chậm lũ sông Hồng qua sông Đáy để bảo vệ Thủ đô Hà Nội thì nguy cơ và mức độ lũ lụt ở vùng hạ lưu sông Hoàng Long và sông Đáy tăng lên. Đặc biệt, bảy xã ở vùng phân lũ thuộc huyện Nho Quan và bốn xã thuộc huyện Gia Viễn mức độ thiệt hại hằng năm là khá lớn. Theo số liệu thống kê của Ban Phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Ninh Bình từ năm 1965 đến 2000, vùng phân lũ Đức Long – Gia Tường – Lạc Vân có 17 lần phân lũ, riêng vùng hữu ngạn chiếm 11 lần. Trung bình khoảng hai đến ba năm, vùng Đức Long – Gia Tường – Lạc Vân lại một lần chạy lũ. Mỗi lần phân lũ, có tới gần hai mươi nghìn gia đình ở 21 xã của huyện Nho Quan ngập từ một đến hai mét nước. Lũ không chỉ gây thiệt hại tài sản, nhà cửa, hoa màu của hàng chục nghìn hộ nông dân mà các cơ sở như trường học, giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi cũng bị cuốn trôi. Ngoài ra, môi trường ô nhiễm bởi xác súc vật chết trôi theo dòng nước trong khi người dân phải dùng nước sông để sinh hoạt hằng ngày.
Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 132/QĐ-TTg về việc đầu tư xây dựng công trình phân lũ, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng phân lũ, chậm lũ hệ thống sông Hồng bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Trong đó, vùng phân lũ sông Hoàng Long thuộc huyện Nho Quan, Ninh Bình với mục tiêu cụ thể đề ra là xây dựng các công trình theo hướng kiên cố nhằm giảm nhẹ thiên tai cho nhân dân vùng phân lũ hằng năm. Đồng thời bảo đảm cho nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ sản xuất ăn chắc vụ chiêm xuân, mở rộng diện tích lúa hè thu, chủ động tưới tiêu và tạo điều kiện để nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, không ngừng tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhân dân vùng phân lũ ổn định đời sống, thỏa mãn nhu cầu về học tập, khám, chữa bệnh, cung cấp nước sạch, điện sinh hoạt, v.v chú trọng hạn chế ô nhiễm môi trường trong mùa lũ, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân. Mặt khác, tăng cường khả năng tiêu thoát nước khi lũ tràn về làm giảm thời gian chịu lũ, giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân trong vùng. Lúc đầu, phương án xây dựng dự trù khoảng bảy xã bị nặng nhất với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.
Ban Thường vụ tỉnh Ninh Bình rồi Huyện ủy Nho Quan nêu quyết tâm giải quyết cơ bản việc tưới tiêu hợp lý để ổn định đời sống nhân dân vùng phân lũ. Vậy là 17 xã thuộc huyện Nho Quan, bao gồm: Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Thủy, Gia Tường, Đức Long, Lạc Vân, Phú Sơn, Văn Phong, Lạng Phong, Thượng Hòa, Thanh Lạc, Sơn Thành, Phú Lộc, Văn Phương, Quỳnh Lưu, Sơn Lai và sau này bổ sung thêm ba xã, một thị trấn Nho Quan, nâng số cơ sở được hưởng lợi từ công trình phân lũ lên 21 đơn vị. Một núi công việc được thực hiện như nâng cấp 15 trạm bơm, 25 trạm biến thế, 43 máy bơm với tổng công suất 331.950 m3/giờ. Hệ thống tưới tiêu cấp 1 có chiều dài 12 km, kênh cấp 2 dài 70 km, hệ thống tưới cấp 1 có chiều dài gần 60 km, hệ thống bờ vùng có tổng chiều dài gần 80 km, cống tiêu, tràn xả lũ, v.v. rồi đường liên thôn, xã gần 200 km, 27 trường tiểu học cao tầng 534 phòng học, 15 trụ sở… xây dựng bốn nhà máy nước sạch phục vụ sinh hoạt tại bốn khu gồm Quỳnh Lưu – Sơn Lai, Thượng Hòa – Thanh Lạc – Thanh Sơn, Đức Long – Gia Tường – Lạc Vân và Xích Thổ – Gia Lâm – Gia Sơn – Gia Thủy…
Với tổng kinh phí đầu tư cho công trình hơn hai nghìn tỷ đồng, hơn chục nghìn gia đình ở vùng phân lũ có cuộc sống ổn định, sản xuất phát triển. Vừa qua huyện Nho Quan đã chỉ đạo các xã mở rộng diện tích cây vụ đông, với các giống cây trồng chủ lực: khoai tây, rau xanh, ớt, tỏi, cải bắp, ngô, đậu tương, v.v. đồng thời từng bước mở rộng diện tích trồng hai vụ lúa ăn chắc cùng với nuôi trồng thủy sản nước ngọt và các loại gia cầm gà, vịt theo hướng đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Vùng phân lũ Nho Quan, cuộc sống đang đổi thay từng ngày.
Theo Nhandan
Ý kiến ()