Nhớ ngày Giỗ tổ mồng Mười tháng Ba: Lễ hội đền Hùng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
(LSO) – Ngày 10/3 (Âm lịch) đã trở thành ngày Quốc giỗ của cả dân tộc Việt. Giỗ Tổ Hùng Vương hay còn gọi là “Lễ hội Đền Hùng” thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ Ăn quả nhớ người trồng cây” như một tinh thần văn hóa Việt Nam. Là ngày để mọi người dân Việt Nam tận hưởng giá trị của sự bình yên và biết ơn sự hy sinh của đồng bào có công cùng vua Hùng dựng nước.
Thời kỳ Hùng Vương là giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt – nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước. Nhớ về cuội nguồn, tri ân công đức tổ tông, mỗi người con đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, luôn tự nhủ và mong làm sao để xứng đáng với tổ tiên, với công lao như lời Bác Hồ đã dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Thăm đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với các chiến sĩ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (Ảnh tư liệu)
Giỗ tổ Hùng Vương là để hòa cùng lòng tưởng nhớ của hàng triệu triệu người con đất Việt hướng về tổ tiên dựng nước, là dịp để con Lạc, cháu Hồng hành hương về nơi đã sinh ra dân tộc mình – một dân tộc chưa hề biết cúi đầu khuất phục trước thế lực ngoại bang xâm lược. Bốn nghìn năm qua, dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi công lao các Vua Hùng, từ việc nhỏ nhất như cày ruộng, săn bắn đến những công trình vĩ đại trong cuộc chinh phục thiên nhiên, đắp đê trị thủy và đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi.
Từ Phong Châu, mẹ Âu Cơ cùng đàn con băng qua bao núi đồi, vượt qua bao sơn lâm, chướng khí mở mang đất đai, chí thú gieo trồng, ruộng đồng ngày một thênh thang, đường xá ngày một dài, rộng. Trên rừng, dưới biển đâu đâu cũng thấm mồ hôi, công sức của lớp lớp con cháu Lạc Hồng. Một trong những nét đẹp là tinh thần cố kết cộng đồng, hai chữ “đồng bào” gắn liền với câu chuyện bà Âu Cơ sinh ra trăm trứng, nở ra trăm con, tình cảm đồng bào vì thế mà càng có giá trị thiêng liêng. 54 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S này, dù ở miền xuôi hay miền ngược, đều là con một mẹ, là cây một cội, là hoa một cành. Dù ở trong nước hay ngoài nước, người Việt Nam vẫn luôn nhớ có chung một ngày Giỗ Tổ. Tìm về non thiêng Nghĩa Lĩnh là tìm về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, yếu tố tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc, trong suốt cuộc trường chinh giữ nước và dựng nước hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Ở đâu, lúc nào, dù lịch sử di vào những khúc cam go nhất cũng được hóa giải thành công bằng trí tuệ, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Chính vì vậy, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần nhắc đến hai chữ “Đoàn kết”. Đó không chỉ là sự đồng cảm mà còn là sự minh triết về cuội nguồn, là tâm nguyện về sức mạnh và trường tồn của dân tộc.
Việc thành lập nước Văn Lang của các Vua Hùng giai đoạn phôi thai đầu tiên của Việt Nam, dù mới hình thành nhưng đã cố kết được lòng người. Từ tình cảm cộng đồng, dẫn đến ý thức cộng đồng, thể hiện rõ tình đồng bào ruột thịt. Bước đầu hiểu được mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, thấy được sức mạnh của cộng đồng trong việc làm thủy lợi, trao đổi sản phẩm và đấu tranh gìn giữ bản làng, đất nước. Xã hội Việt tộc nguyên thủy đã kết hợp với nhau bằng tâm, cư xử với nhau bằng đức. Thông qua Giỗ Tổ Hùng Vương, không những nhằm tôn vinh giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, mà còn tuyên truyền, quảng bá rộng rãi di sản ‘tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”.
Hùng Vương dù là huyền thoại nhưng đã bao gồm triết lý sống, làm nền tảng từ thời sơ khai trong tinh thần và tâm linh. Luôn là căn bản trong tinh thần đại đoàn kết và tự hào dân tộc qua nhiều thế hệ, tổ tiên ta đã xây dựng và bảo vệ biên giới “Từ mục Nam quan đến mũi Cà Mau”.
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ tổ mồng Mười tháng Ba”, đó không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta, mỗi người dân Việt khẳng định sức mạnh giống nòi và sự trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc Việt.
Ý kiến ()