Nhớ ngày Cách mạng Tháng Tám ở Lạng Sơn
(LSO) – Một ngày đầu thu năm 2000, chúng tôi may mắn được gặp, hỏi chuyện bác Hoàng Văn Kiểu, cán bộ cách mạng lão thành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Lạng Sơn. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở đường Lê Hồng Phong, thành phố Lạng Sơn, bác bồi hồi kể lại kỷ niệm về những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 trên quê hương Xứ Lạng.
Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, thực dân Pháp cấu kết với phát xít Nhật tăng cường đàn áp, khủng bố và bóc lột nhân dân ta thậm tệ. Chúng lập ra hàng loạt trại tập trung, nhà tù ở: Cao Lộc, Bắc Sơn, Thoát Lãng, Văn Uyên… Hành động của kẻ thù càng làm cho quần chúng thêm căm thù giặc, tạo thuận lợi cho việc vận động, tổ chức phong trào Việt Minh của tỉnh. Phong trào phát triển mạnh ở: Tràng Định, Thoát Lãng, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Uyên… Nhiều tổ chức quần chúng như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên cứu quốc… được thành lập. Từ cuối năm 1944 đầu 1945, các đội vũ trang tuyên truyền và căn cứ du kích lần lượt được thành lập ở Hội Hoan (Thoát Lãng), Thụy Hùng (Văn Uyên), Chí Minh (Tràng Định), Văn Mịch (Bình Gia)… Các đội vũ trang này đã tự mua sắm vũ khí, tổ chức phục kích tước vũ khí của lính dõng trang bị cho mình.
Tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hơn 10 vạn nhân dân thủ đô Hà Nội sau cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh: TƯ LIỆU
Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, Pháp quỳ gối đầu hàng. Nhật giữ nguyên bộ máy cai trị tay sai của Pháp để giúp chúng thống trị, bóc lột. Trước tình hình đó, Cứu quốc quân ở căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai hoạt động mạnh, tuyên truyền rộng rãi chủ trương tiến tới khởi nghĩa của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Các đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh tăng cường phát triển lực lượng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, nhiều địa phương trong tỉnh lần lượt nổi dậy giành chính quyền: ngày 18/4, châu Bắc Sơn giành thắng lợi; ngày 19/4, châu Bình Gia được giải phóng; ngày 2/5 đội vũ trang từ Bình Gia, Bắc Sơn tiến về giải phóng châu Bằng Mạc; ngày 3/5, quân ta tiến công đồn Pò Mã, tiến lên giành chính quyền ở Tràng Định. Ở Thoát Lãng, trung đội giải phóng do đồng chí Hoàng Văn Kiểu chỉ huy, đến đầu tháng 5 hoàn toàn làm chủ Thoát Lãng… Từ đây, vùng giải phóng của tỉnh đã liên kết từ Bằng Mạc qua Bắc Sơn, Bình Gia đến Tràng Định, Thoát Lãng.
Trước tình hình phong trào cách mạng diễn biến mau lẹ, tháng 5/1945 Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng chỉ thị cho Lạng Sơn thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Cấp ủy gồm 3 đồng chí: Lô Quang Nam (Bí thư), Hoàng Văn Kiểu và Tuấn Sơn. Tỉnh ủy mới đề ra chủ trương mở rộng vùng giải phóng, tiến về thị xã, giải phóng toàn tỉnh…
Trước thắng lợi của cách mạng, quân Nhật điên cuồng chống phá. Từ 18 đến 25/5, chúng huy động lực lượng tiến công vào vùng giải phóng Bình Gia – Bắc Sơn. Chúng đã bị quân dân ta đánh trả quyết liệt, buộc phải tháo lui. Đêm 3/7, lực lượng vũ trang dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Văn Kiểu tấn công đồn Điềm He, châu Điềm He được giải phóng.
Cột cờ Phai Vệ thành phố Lạng Sơn, điểm dừng chân của nhiều du khách. Ảnh: THANH SƠN
Giữa lúc cao trào kháng Nhật đang phát triển mạnh mẽ, tình hình thế giới cũng có biến chuyển lớn. Đầu tháng 8, Hồng quân Liên xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Đội quân Quan Đông của Nhật bị đánh tan, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện. Quân đồng minh chuẩn bị đổ bộ vào Đông Dương giải giáp quân Nhật. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc. Quốc dân đại hội họp tại Tân Trào từ ngày 16 đến 18/8 bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Sau khi có lệnh tổng khởi nghĩa, nhiều tỉnh đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Đặc biệt, ngày 19/8, Hà Nội giành chính quyền thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của cả nước. Ở tỉnh ta, ngày 19/8, quân cách mạng giành chính quyền tại Ôn Châu và Tràng Định. Ngày 22/8 châu Thoát Lãng được giải phóng. Ngày 24/8, tại Ba Xã, Tỉnh ủy họp đề ra chủ trương nhanh chóng giải phóng tỉnh lỵ Lạng Sơn. Ngay đêm 24/8, các lực lượng vũ trang tiến về giải phóng tỉnh lỵ. Rạng sáng 25/8, lực lượng cách mạng tiến vào thị xã. Nhân dân với băng cờ, khẩu hiệu rầm rộ xuống đường chào đón cách mạng. Quân cách mạng nhanh chóng chiếm các căn cứ đóng quân của địch, buộc tỉnh trưởng Linh Quang Vọng đầu hàng. Ngay chiều hôm đó, Tỉnh bộ Việt Minh tổ chức mít tinh lớn tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, công bố 10 chính sách của Việt Minh, kêu gọi nhân dân đoàn kết bảo vệ quê hương, ủng hộ Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Sau đó quần chúng diễu hành biểu dương lực lượng. Không khí vui mừng tràn ngập khắp thị xã. Cùng ngày, ở Cao Lộc cũng đã giành chính quyền về tay nhân dân.
Sau khi thị xã được giải phóng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo việc xử lý với quân Tưởng đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật và điều động một số đơn vị vũ trang hỗ trợ các địa phương chưa giải phóng. Ngày 29/8 châu Lộc Bình được giải phóng. Đầu tháng 9, châu Đình Lập giành chính quyền thắng lợi.
Như vậy, từ tháng 4 đến đầu tháng 9/1945, dưới sự chỉ đạo và tổ chức trực tiếp của Tỉnh ủy và Tỉnh bộ Việt Minh, quần chúng cách mạng ở các địa phương trong tỉnh đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Chính quyền thực dân phong kiến bị xóa bỏ. Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn bắt tay vào xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng vừa mới giành được…
Do tuổi cao, bác Hoàng Văn Kiểu đã qua đời năm 2006. Câu chuyện mà bác kể cách đây gần 20 năm vẫn sâu đậm trong tâm trí chúng tôi. Đó là cả một thời kỳ lịch sử hào hùng của nhân dân Lạng Sơn nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
HỮU SƠN (T.P Lạng Sơn)
Ý kiến ()