Nhớ một thời Liên Xô
LSO-Có một thời cái gì tốt, cái gì nhiều, người ta đều gắn cho hai từ Liên Xô. Quả thật, thời ấy hầu như trong mỗi gia đình Việt ít nhất có một món đồ Liên Xô sản xuất, những món đồ ấy giờ đã trở thành kỷ niệm nhưng ít nhiều chúng ghi dấu ấn về đất nước của Cách mạng Tháng Mười.
Phóng viên Báo Lạng Sơn xem tác phẩm Lê-nin toàn tập |
Trên giá sách nhà tôi còn mấy cuốn sách thời Liên Xô. Nhìn cuốn “Đagétxtan của tôi”, thằng con lên 10 của tôi không luận được giá vì sau cuốn sách đề 3 kô – pếch. Cái giá ấy thời bấy giờ chắc nó bằng nửa ki lô gam gạo ở Việt Nam – cái giá cực rẻ cho một cuốn sách 400 trang. Sau này đọc lại những dòng lịch sử mới rõ, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam hơn 4 tỷ rúp vàng, mỗi rúp vàng bằng 5 đô la thời giá lúc bấy giờ – một con số cực lớn. Vì vậy, đa phần mỗi gia đình người Việt đều có ít nhất một món đồ Liên Xô là như vậy.
Bắt đầu bằng đồ gia dụng thì nồi nhôm Liên Xô là nồi dày dặn nhất, có một chiếc nồi như thế có thể dùng cả đời người. Rồi bàn là, nồi áp suất, cho đến cái thìa, cái dĩa, bi – đông đựng nước, xô chậu… cơ bản được cung cấp từ Liên Xô với giá cực kỳ rẻ. Những năm bao cấp, gia đình cán bộ mới được phân phối mâm Liên Xô, từ cái mâm có người cắt ra làm thành muôi, thìa, gò thành bát ăn cơm đủ cho cả một gia đình 4 người. Đã là đồ Liên Xô thì rất chắc chắn, tuy hình thức, mẫu mã hơi thô nhưng bền theo kiểu nồi đồng cối đá, rất hợp với tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam. Người Việt đón nhận đồ Liên Xô như một món quà may mắn.
Thứ nữa là thực phẩm Liên Xô. Thời ấy, nhà tôi là gia đình cán bộ nên hay được phân phối thực phẩm Liên Xô. Ấn tượng của tôi về thực phẩm Liên Xô là những phuy mỡ ép được đóng vào thùng 100 kg. Thùng bằng gỗ sồi đai sắt giống bom bia bây giờ. Ở cái thời bao cấp còn phải tiết kiệm từng thìa mỡ thì mỗi lần được phân phối mỡ viện trợ từ Liên Xô là cả một niềm vui với con trẻ vì ít nhất cả vài tháng sẽ không còn phải ăn rau, đậu xào chay. Chỉ hiềm một nỗi hình như cái gì nhiều thì không ngon. Mỡ được viện trợ từ Liên Xô cũng vậy, mỗi sáng rang cơm bằng mỡ này thì quần áo, đầu tóc cứ hăng hăng, béo béo cả ngày, nhưng dù sao đấy cũng là dấu ấn của một thời không phai. Còn các loại đồ hộp của Liên Xô hộp nào cũng rõ to. Ngay hạt ngô được Liên Xô viện trợ hạt nào cũng tầm hạt lạc, vuông vức như răng ngựa, vì thế mà người Việt Nam gọi ngô Liên Xô là “ngô răng ngựa”. Món ngô này mà rang trên cát nóng nó nở bung, ăn cũng bùi bùi. Giờ chắc chẳng ai còn nhá nổi món ngô ấy nữa nhưng mỗi lần nhấm nhá món ngô nếp của các cháu hàng xóm mua mời, tôi lại nhớ đến nao lòng cái thời ngô răng ngựa Liên Xô.
Còn với bọn học trò, tôi đồ rằng hầu hết đồ dùng, sách, vở, học cụ là đồ Liên Xô. Lúc bấy giờ, hiệu sách bán đầy đồ Liên Xô, những cái thiệp chúc mừng bán cực rẻ chỉ vài xu. Bán vậy thôi chứ thời ấy đã ai tặng thiệp sinh nhật, thiệp cưới hay các ngày kỷ niệm đâu? Thế mà cứ in, cứ cấp, chất đầy cửa hàng. Họa báo Liên Xô xuất bản tháng 2 kỳ mà gần như cấp không. Thông thường thì họa báo được bán ở bưu điện nhưng khi bán chưa hết số mới đã về, thế là các cô bưu điện phát không, ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Liên Xô mà! Họa báo Liên Xô in công nghệ khá tiên tiến nên màu sắc, đường nét và giấy cực tốt. Hồi đó có một cái mốt, bọn học trò dùng luôn họa báo cũ để bọc sách. Thế là vở viết, sách giáo khoa cứ xanh xanh đỏ đỏ nhìn thích thích là. Rồi vở viết, mực viết và cả quần áo, giầy dép, cặp sách Liên Xô, thi thoảng lại được phát hoặc mua với giá cực rẻ (giống như hỗ trợ hộ nghèo bây giờ), vì thế mà chúng tôi có khi đến trường mặc toàn đồ Liên Xô, trông cũng giống các cậu Xa xa, I go va trên màn ảnh ở tận Liên Xô xa xôi.
Câu chuyện về Liên Xô của tôi là vậy. Không biết lịch sử có lặp lại và có sự quay trở lại của cái thời Liên Xô không nhưng với thế hệ 7X như chúng tôi – thế hệ giao lưu, chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Liên Xô, tôi tin rằng Liên Xô luôn trong trái tim chúng tôi.
NGUYỄN NHẬT ANH
Ý kiến ()