Nhớ mãi ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Bắc Sơn
LSO- Ngày ấy, nhân kỷ niệm lần thứ 55 khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940 – 27/9/1995), mặc dù lịch làm việc đã kín, nhưng nhận được lời mời của địa phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với Văn phòng hoãn các kế hoạch khác để lên dự lễ.
Đại tướng cùng phu nhân Đặng Bích Hà đáp máy bay xuống Bắc Sơn vào sáng 26/9/1995. Cùng đi còn có Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
Khi máy bay trực thăng chở Đại tướng hạ xuống Bắc Sơn, đã có hơn 6.000 người ở sân vận động chào đón Đại tướng và các vị cùng đi. Lãnh đạo địa phương cho biết, đã từ lâu, ngày khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9) trở thành ngày hội truyền thống của nhân dân, có hàng vạn người hội tụ về đây dự lễ.
Ngay trong ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Bắc Sơn tháp tùng đi viếng nghĩa trang liệt sỹ Bắc Sơn, Đại tướng đã thắp nén nhang thành kính tưởng niệm những anh hùng liệt sỹ Bắc Sơn đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc. Tiếp theo, Đại tướng đến thăm Bảo tàng Bắc Sơn, Đại tướng đã rất chăm chú theo dõi quá trình diễn ra cuộc khởi nghĩa, ngắm chân dung những anh hùng liệt sỹ, những hiện vật quý giá nay còn giữ lại được. Đi bên cạnh Đại tướng luôn có các đồng chí: Hoàng Tanh, Dương Công Đá, Hoàng Quang Hiểu, có phu nhân Đại tướng là Đặng Bích Hà, có ông Nguyễn Cao Đàm, người chiến sỹ cuối cùng còn sống của Đội du kích Bắc Sơn năm xưa, có anh Dương Công Sửu, lãnh đạo Tỉnh đội Lạng Sơn, cùng cán bộ lão thành cách mạng Bắc Sơn và các cháu thiếu nhi…
Phong cảnh đèo Tam Canh. Ảnh: THANH SƠN
Vẻ giản dị, chân thành của Đại tướng khiến những người xung quanh thấy vui vẻ, ấm lòng. Đại tướng đã chụp bức ảnh kỷ niệm với những người cùng đi ngay chỗ bậc lên xuống nhà bảo tàng. Một bức ảnh giàu ý nghĩa, một bức ảnh lịch sử.
Sáng 27/9/1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra dự mít tinh tại sân vận động trung tâm huyện Bắc Sơn. Bài phát biểu của ông bị ngắt quãng nhiều lần bởi những tràng vỗ tay kéo dài. Đại tướng nhấn mạnh:
– Lúc đó chưa có nhiều đảng viên như bây giờ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ trong 10 giờ đồng hồ, đã vận động được 600 người với vài khẩu súng trường, ít súng kíp, còn lại là gậy gộc, giáo mác dám xông vào đồn giặc chiến đấu. Khởi nghĩa Bắc Sơn mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc. Đội cứu quốc quân I vô cùng anh dũng, giữ vững căn cứ của Đảng trước tổng khởi nghĩa năm 1945, nhiều chiến sỹ cứu quốc quân đã trở thành những tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng như Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Chu Văn Tấn, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
Sau này tổng kết, khẳng định thắng lợi là do sức mạnh và lực lượng to lớn của nhân dân. Lúc bấy giờ chắc chắn không ai nghĩ tới cái chết, chức tước, vai vế trong chính quyền hay trong quân đội. Sau chiến thắng, cái lợi mà mọi người nhận được là độc lập, tự do, là dân tộc được giải phóng khỏi ách nô lệ của thực dân phong kiến. Động cơ, lợi ích ấy thật trong sáng, đẹp đẽ và mãi mãi trường tồn như một giá trị tinh thần của “thế hệ khởi nghĩa Bắc Sơn” trao lại cho con cháu.
Sau buổi sáng dự mít tinh kỷ niệm 27/9, khi về nghỉ tại trụ sở Huyện ủy Bắc Sơn, một nhà nhiếp ảnh đã đề nghị:
– Thưa Đại tướng, các bậc lão thành cách mạng Bắc Sơn, lãnh đạo huyện cùng bà con các dân tộc xin được chịp bức ảnh kỷ niệm với Đại tướng.
“Đồng ý”, Đại tướng đáp ngay, nhưng ngay sau đó có lời bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng:
– Để 2 giờ chiều ta chụp. Giờ muộn rồi, mọi người nghỉ trưa, ăn trưa đã.
Và đúng như hẹn, 14 giờ chiều, Đại tướng cùng phu nhân đã đứng ra vui vẻ chụp ảnh kỷ niệm cùng mọi người. Ai ai cũng háo hức chờ được giây phút chụp ảnh cùng Đại tướng, đều cùng cảm thấy niềm vinh dự tự hào.
HÀ THẮNG (Bắc Sơn)

Ý kiến ()