Nhớ lời Bác dạy lấy tài liệu viết báo
Phóng viên phòng kinh tế Báo Lạng Sơn trao đổi nghiệp vụ viết báo |
Là một nhà báo cách mạng đầu tiên, Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, bài nói dạy thế hệ đi sau cách viết báo. Năm 1953, trong bài “Cách viết” Bác đã dạy, muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là: “Nghe, thấy, hỏi, xem. Nghe lắng tai nghe cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết”. Với mỗi nhà báo, khâu lao động đầu tiên trong chuỗi hoạt động sáng tạo ra sản phẩm báo chí là khai thác tài liệu. Tài liệu tốt, đương nhiên bài viết dễ tốt mà muốn tài liệu tốt thì nghe là một trong những khâu quan trọng để có tài liệu tốt. Nghe ở đây là nghe thông tin từ bên ngoài. Con người thường có hoạt động giao tiếp vì vậy nghe và thấy là một trong những hoạt động của con người. Thấy ở đây là thấy dân làm, cán bộ làm, thấy những việc cụ thể bằng mắt. Nghe và thấy chính là quan sát để có tài liệu.
Hoạt động báo chí năng động như hiện nay đôi khi người làm báo không có thời gian mà nghiền ngẫm, suy nghĩ quá nhiều. Hiện nay với công nghệ báo chí hiện đại thông tin và chuyển tải thông tin có khi không còn khâu trung gian (Phát thanh trực tiếp, truyền hình trực tiếp, hoặc thông tin trực tiếp trên báo Internet). Vì vậy quan sát để lấy tài liệu rất có ý nghĩa. Có khi chỉ cần quan sát một hiện tượng; đã chính vụ sản xuất nhưng trên cánh đồng nọ chưa ai làm đất, mấy thửa ruộng bờ xôi ruộng mật thành sân đá bóng cho bọn trẻ, ngày mùa mà cánh đồng vắng hoe…Như vậy có thể kết luận phong trào sản xuất ở đấy đang có vấn đề. Bác dạy nghe và thấy để lấy tài liệu chính là nhẽ đó. Quan sát tốt sẽ có thông tin tốt, mà thông tin tốt thì đã là thắng lợi đến 70% của người làm báo.
Bác dạy hỏi tức là phỏng vấn: “Hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội, hỏi việc, tình hình ở các nơi”. Một trong những cách lấy tài liệu viết báo là phỏng vấn các đối tượng của báo chí. Khi phỏng vấn người được hỏi sẽ trả lời những gì nhà báo muốn biết. Nhưng cũng có thể họ trả lời đấy mà như không trả lời, hỏi mà không thu được câu trả lời như ý. Như vậy phải biết cách hỏi, phải biết hòa mình với quần chúng, gắn bó với quần chúng, lăn lộn với cơ sở. Vui cái vui của người dân, buồn cái buồn của dân. Quý trọng và luôn coi họ là người thân của mình. Có như vậy khi ta hỏi, khi ta trò chuyện mới có những thông tin tốt. Đã có lần tôi được một người quen thuộc lực lượng Quản lý thị trường kể câu chuyện, anh đượcnhà báo phỏng vấn nhưng hỏi cứ như hỏi cung làm anh không thể trả lời được. Tất nhiên anh không vui, và nhà báo nọ cũng không thu được kết quả như ý. Cùng câu chuyện đó tôi còn nhớ tháng 3/2008, có cô nhà báo tên Ngọc, khi xuống xã Tân Thành huyện Cao Lộc lấy tài liệu thấy người dân cấy cô cũng lội xuống rộng cấy cùng. Đến trưa họ mời bằng được về nhà ăn cơm và suốt sau đó hỏi gì, phỏng vấn thế nào họ cũng nói một cách đầy cởi mở thân mật.
Bác dạy xem, theo báo chí hiện đại tức là khai thác thông tin viết báo qua văn bản: “Xem sách vở, xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài, muốn có nhiều tài liệu thì phải xem cho rộng”. Khai thác thông tin qua tài liệu văn bản là một trong những cách khai thác tài liệu khá tin cậy, bởi văn bản bao giờ cũng được lưu lại khá chính xác, rõ ràng và có nguồn cung cấp. Đặc biệt những văn bản có cơ quan phát hành thì độ chính xác càng cao. Khi khai thác qua tài liệu tức là xem nhà báo sẽ có thông tin tin cậy để sáng tạo tác phẩm báo chí. Xem ở đây còn có ý nghĩa là học tập học ở sách vở, báo chí, các tài liệu đã được kiểm chứng. Có những nhà báo chỉ khai thác trong tư liệu lịch sử nhưng khái quát được những bào báo rất hay. Mới đây thôi khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của ta, nhóm phóng viên VOV đã dùng các tài liệu, bản đồ nước ngoài viết những bài báo rất hùng hồn minh chứng cho toàn thế giới biết đâu là sự thật.
Từ ngày Bác viết bài “cách viết” cho đến nay đã 61 năm. Thế nhưng những lời dạy của Bác gắn với báo chí hiện đại vẫn đầy ý nghĩa và nguyên giá trị. Ý nghĩa bởi làm báo theo lời Bác dạy là gắn liền với đời sống quần chúng nhân dân, phục vụ nhân dân và sống trong lòng dân.
Ý kiến ()