Nhớ lời Bác dặn: " Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén..."
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng".
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.
Báo chí là hoạt động tinh thần quan trọng của một xã hội văn minh. Những trang báo dù thuộc loại hình gì cũng đều mang ý nghĩa phản ánh hơi thở từng ngày của cuộc sống xã hội, phản ánh rõ nét trình độ văn hóa và khoa học của một đất nước. Từ trong kháng chiến, Bác Hồ chỉ rõ nhiệm vụ, mục đích chung của các tờ báo là tuyên truyền cổ động, huấn luyện, tổ chức nhân dân đoàn kết, thi đua yêu nước để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Nhưng mỗi tờ báo phải căn cứ vào đối tượng phục vụ của mình để định ra nội dung cụ thể, hình thức thể hiện riêng – điều làm nên bản sắc của tờ báo. Báo chí cách mạng phải làm tốt nhiệm vụ cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân. Báo chí là kênh thông tin để đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước được nhận thức và thực hiện bởi nhân dân. Theo chiều ngược lại, những tâm tư nguyện vọng của nhân dân về những gì còn bất cập của cơ chế, chính sách được phản hồi lại, qua báo chí, để được điều chỉnh cho phù hợp hơn. Cũng tại Ðại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Ðảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”. Người đồng thời cũng nêu tấm gương mẫu mực về vai trò của báo chí và nhà báo trong việc xây dựng xã hội mới, đời sống mới. Trên mặt báo – đặc biệt là Báo Nhân Dân, với bút danh CB – Người thường xuyên có những bài viết về những gương người tốt, việc tốt, những nơi làm tốt, những cách làm tốt trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới và nhiều điều chưa tốt, cần chấn chỉnh trong những hoạt động của các cấp, các ngành, các địa phương… Nhiều vấn đề được Bác viết đi viết lại nhiều lần: giữ gìn an ninh – trật tự, phòng chống lụt bão, Tết trồng cây, những việc đáng khen và đáng chê trong khi thực hiện nếp sống mới, cần kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh thống nhất đất nước…
Yêu cầu đặt ra với báo chí trong thời kỳ mới là phải đi sâu vào thực tiễn đổi mới và phát triển của đất nước, góp phần tổng kết và phổ biến kịp thời những kinh nghiệm, bài học, tham gia một cách năng động, tích cực vào quá trình hoạch định và hoàn thiện các chính sách kinh tế – xã hội, tham gia và phát huy vai trò quản lý xã hội của báo chí. Nền báo chí cách mạng của chúng ta không rời xa mục tiêu phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. “Ðề tài” của chúng ta hôm nay – theo cách nói của Bác Hồ – là cuộc đấu tranh để bảo vệ vững chắc và phát triển bền vững đất nước. Báo chí hôm nay vẫn là trận địa đấu tranh nóng bỏng. Trên mặt trận đó, mỗi người làm báo hằng ngày phải đấu tranh với những sức ép, những cám dỗ hướng con người đến những đổi chác thực dụng. Ðể vượt qua những thử thách, đòi hỏi những người làm báo rèn luyện đủ tài, đủ tâm, đủ đức để có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, để từng trang báo hấp dẫn hơn…
Theo Nhandan
Ý kiến ()