Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
LSO- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu lịch sử về chiến dịch giải phóng biên giới năm 1950, mở cửa thông thương sang các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em, trong 5 năm, từ 1990 đến 1995, tôi đã vinh dự 3 lần được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp (chiều 8/9/1993, đêm 21/3/1994 và chiều 17/8/1995) tại văn phòng, khu nhà riêng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) trong không khí chan hòa tình thân thiết Đại tướng dành cho.
Mở đầu buổi làm việc đầu tiên, ông mỉm cười, giọng nói ấm áp: “Không gọi là bác Giáp nhé, gọi là đại tướng thôi. Chỉ có Bác Hồ vĩ đại của nhân dân ta…”. Lời căn dặn đã gieo vào lòng chúng tôi như một dòng nước mát lành, chan chứa tình yêu vô hạn trải dài vào một lộ trình làm việc với Đại tướng trong những ngày tháng đã qua – trở thành ký ức cao đẹp, giúp cho mọi việc thành công. Những lời Đại tướng dạy bảo về thái độ nghiên cứu khoa học, về tu dưỡng tư tưởng, đạo đức, phong cách người cán bộ của Đảng theo gương Bác Hồ vĩ đại còn mãi trong tâm trí chúng tôi.
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu
Nhân kỷ niệm 107 ngày sinh của Đại tướng (25/8/1911 – 25/8/2018), 74 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2018), xuất phát từ sự xúc động mãnh liệt từ đáy lòng, với niềm tự hào và nhớ Đại tướng, chúng tôi ra sức nghiên cứu, tìm hiểu để biết một phần về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong khuôn khổ bài viết, xin biên tập một số tư liệu chủ yếu của đại tướng in sâu trong di sản không gian văn hóa độc đáo của nhân dân ta mà toàn Đảng, toàn dân ta đã biết.
Lễ thụ phong hàm Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó mới 37 tuổi – tướng trẻ nhất của quân đội ta, được tổ chức vào ngày 28/5/1948 theo Sắc lệnh số 110/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20/1/1948 cùng với phong hàm trung tướng Nguyễn Bình, các thiếu tướng: Hoàng Văn Thái, Nguyễn Sơn, Hoàng Sâm, Chu Văn Tấn, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai và Trần Đại Nghĩa.
Buổi lễ được thực hiện trang nghiêm dưới bàn thờ Tổ quốc trong căn nhà bằng gỗ, lợp tranh, phên nứa bên cạnh con suối; Bác Hồ cùng cụ Bùi Bằng Đoàn và toàn thể nhân viên Chính phủ đứng xếp hàng trước bàn thờ.
Đúng 13 giờ buổi lễ bắt đầu. Trong không khí trang nghiêm, Bác bước ra trước bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản sắc lệnh gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng bên cạnh. Mọi người chờ Bác cất tiếng, Bác chưa nói gì, tay cầm khăn mùi xoa lau nước mắt, cùng với những tiếng nấc nghẹn ngào. Ai nấy đều vô cùng xúc động rơm rớm nước mắt. Bên ngoài, tiếng suối reo như vọng về tiếng vọng ngàn xưa. Sau những phút im lặng thiêng liêng, Bác Hồ bắt đầu nói giọng trầm ấm: “Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn, nhưng cần phải bao nhiêu hy sinh, cố gắng. Hôm nay, việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành được độc lập, tự do cho thỏa lòng những người đã mất”.
Bác giao bản sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến lên một bước để nhận tờ sắc lệnh trong tay Bác. Tiếp đó, một số đại biểu phát biểu căn dặn và chúc mừng đại tướng Võ Nguyên Giáp, tin tưởng Đại tướng sẽ hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Tổ quốc và nhân dân giao cho. Cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu cảm ơn sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh hứa sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao phó, góp phần cùng toàn dân, toàn quân đem lại độc lập và thống nhất đất nước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp vừa dứt lời, Bác bước đến xiết chặt tay và ôm hôn vị Đại tướng trẻ tuổi giữa tiếng hoan hô của mọi người. Từ sau đó, Đại tướng luôn vinh dự được sống và chiến đấu bên cạnh Người, dưới sự dìu dắt của Người để hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy quân đội ta làm nòng cốt cùng dân tộc ta làm nên những trang sử hào hùng trên chặng đường vẻ vang từ chiến khu Việt Bắc; chiến dịch giải phóng biên giới; chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; “Điện Biên Phủ trên không” đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với nhiệm vụ tổng chỉ huy quân đội ta, Đại tướng đã để lại dấu ấn lịch sử cao đẹp trong quân đội cho Tổ quốc và dân tộc Việt Nam anh hùng và với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Dấu ấn lịch sử vẻ vang được Đại tướng xây dựng nên trong đấu tranh gian khổ, hy sinh của quân và dân ta với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu.
Đinh Ích Toàn (T.P Lạng Sơn)
Ý kiến ()