Nhịp cầu đưa Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi ra thế giới
Những ngày này, Hà Nội đang náo nức chào đón sự kiện trọng đại: Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Người Thủ đô đầy tự hào khi nhân dân cả nước, kiều bào và bè bạn ở khắp năm châu đang hướng về Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng.
Niềm vui ấy đang lan tỏa khắp thế giới khi đúng dịp này, đoàn 14 phóng viên quốc tế từ 7 quốc gia thuộc 4 châu lục trên thế giới đến với Thủ đô nghìn năm tuổi.
Từ sự chuẩn bị chu đáo
Chương trình của đoàn phóng viên nước ngoài đến với Thăng Long – Hà Nội nhân dịp Đại lễ 1000 năm đã được thành phố Hà Nội lên kế hoạch chuẩn bị, phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện từ cuối năm 2009. Tham gia cùng đoàn đi thăm các di tích lịch sử, văn hóa ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) như Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, Đền Và… ngày 12-9, qua nét mặt, sự hồ hởi của từng bạn phóng viên quốc tế trong đoàn, chúng tôi thấy rõ nỗ lực của công tác chuẩn bị. Vỏn vẹn có 14 người, nhưng thực đơn có cả món ăn chay (cho nữ phóng viên người Đức) hay những món không thịt lợn (dành cho 2 phóng viên Ai Cập)…
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Nguyên Giáp, hướng dẫn viên du lịch cho đoàn, tỏ ra vui mừng khi được đi cùng phóng viên quốc tế theo chương trình từ ngày 9 đến 15-9. Với anh, dù có phải dẫn giải nhiều hơn, thậm chí có những lúc phải giải thích cặn kẽ thêm từng điểm như trong Hoàng thành Thăng Long, danh thắng nổi tiếng, hay yêu cầu bác lái xe đi chậm lại để giới thiệu kỹ hơn về những công trình lớn đang xây dựng ở Thủ đô… với các phóng viên quốc tế nhưng đó là một niềm vui. “Mệt một chút mình cố gắng được, nhưng cái chính là có thêm cho các bạn nhiều thông tin để giới thiệu hình ảnh đất nước mình ra thế giới, đó mới là điều quan trọng” – anh Giáp nói.
Đến những tình cảm của bè bạn quốc tế
“ Tháng tám nắng rám trái bưởi” – câu thành ngữ Việt Nam này được các bạn phóng viên quốc tế đồng tình. Trong hai ngày trước (10, 11-9), tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hay đi Ninh Bình, thăm Cố đô Hoa Lư… thời tiết dịu mát thì ngày 12-9, khi đi thăm các di tích ở Sơn Tây, làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, ai nấy đều mệt nhoài vì nắng.
Vác trên vai máy quay phim betacam nặng trĩu, 2 phóng viên là anh Benda László (Hungary) và Edgar Vennemann (Đức) lưng ướt đầm mồ hôi, thỉnh thoảng lại thở mạnh đánh “phù” rồi bảo: Nhiệt độ ở đây khác với chúng tôi quá. Nắng nóng, oi nồng không cản được cánh phóng viên quốc tế tìm tòi những góc cạnh đẹp. Tại mỗi nơi đoàn đến, mặc dù người dẫn đoàn đã dành thời gian thêm đến hơn 30 phút để mọi người chuẩn bị, nhưng việc tập hợp đoàn bao giờ cũng muộn hơn dự định. Ai cũng tận dụng thời gian đến từng phút để ghi lại những phong tục văn hóa đặc sắc của người Việt. Thậm chí hình ảnh của người nông dân đang làm trên cánh đồng lúa hay đôi bạn trẻ Việt Nam chuẩn bị cưới, đến Thành cổ Sơn Tây chụp ảnh kỷ niệm cũng trở thành tâm điểm để các bạn phóng viên quốc tế đưa vào khuôn hình đến cả chục phút…
Marie Gorz, nữ phóng viên người Đức tâm sự, đây là lần đầu tiên cô đến Việt Nam và mặc dù đã biết đến Việt Nam qua nhiều kênh thông tin, nhưng thực tế đã làm cho cô bất ngờ. Theo M.Gorz, Hà Nội thật đẹp. Một thành phố cổ kính mà hiện đại, đang chuyển mình mạnh mẽ với rất nhiều tòa nhà, công trình lớn đang vươn cao nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống ngàn xưa.
Còn anh BounThi Vansiri, Báo Pasason (Lào) thì hoàn toàn bất ngờ trước sự thay đổi của Hà Nội. Đã từng sống và học tập ở Phân viện Báo chí và Tuyên truyền 4 năm (tốt nghiệp năm 1996), rồi có dịp trở lại Hà Nội 2, 3 lần sau đó, nhưng anh vẫn không thể tin được sự phát triển quá nhanh của Hà Nội. Anh bảo, mặc dù qua sự cộng tác, kết nghĩa với Báo Nhân Dân, Báo Pasason vẫn có những bài giới thiệu về Thủ đô Hà Nội, nhưng lần trở lại này đã làm anh bất ngờ. Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ, chắc chắn, từ những thông tin có được, Pasason sẽ giới thiệu được nhiều thêm về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam sau chuyến đi.
Quan sát các đồng nghiệp Cuba làm việc, chúng tôi thật sự cảm động. Nắng khiến ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi, nhưng anh Jose Luis Oviedo Ruiz vẫn miệt mài ghi lại từng cảnh, từng chi tiết nhỏ ở Làng cổ Đường Lâm. Bay nửa vòng Trái đất, có mặt ở địa danh nổi tiếng của Việt Nam, được đi trên con đường của tình hữu nghị giữa hai dân tộc – con đường Xuân Mai do Cuba làm tặng Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh mà người Việt Nam quen gọi là “Đường Cuba” – nhìn những góc quay của J.L.O.Ruiz trên chặng đường này không riêng gì anh, mà ai cũng có cảm giác xúc động lạ…
Hoạt động của đoàn phóng viên quốc tế còn tiếp tục. Theo lịch trình, trong mấy ngày tới, các bạn sẽ thăm, làm việc với một số doanh nghiệp tiêu biểu của Hà Nội để giới thiệu tiềm năng và cơ hội xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Hà Nội với thế giới. Cơ hội tiếp tục trải rộng để đoàn phóng viên quốc tế khám phá, tìm hiểu. Những nỗ lực của họ trong những ngày này đang trở thành nhịp nối dài để hình ảnh về Thăng Long – Hà Nội hào hoa, thanh lịch với nền văn hóa phong phú và nền kinh tế phát triển năng động đến nhiều hơn với bầu bạn trên thế giới.
Ý kiến ()