Nhìn từ phong trào hợp tác hóa ở Tân Hiệp
Thu hoạch lúa thu - đông trên cánh đồng mẫu 450 ha tại hợp tác xã 4A, xã Tân hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Ảnh: HUY LĨNH Vùng đất thuộc tỉnh Kiên Giang theo chiều dài kênh Cái Sắn cặp quốc lộ 80, tiếp giáp huyện Vĩnh Thạnh (thành phố Cần Thơ), huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) và vùng Tứ giác Long Xuyên đã làm nên nhiều chuyện và con số đáng nhớ.Nhắc đến phong trào hợp tác hóa tại Tây Nam Bộ là buộc phải nhắc đến huyện Tân Hiệp bởi 90% số hợp tác xã hoạt động có lãi; giá trị sản xuất lúa hai vụ/năm bình quân toàn huyện đạt hơn 75 triệu đồng/ha/năm, vượt qua ngưỡng cánh đồng 50 triệu đồng từ năm 2005; sản lượng lương thực hằng năm đạt nửa triệu tấn, chiếm một phần năm sản lượng lúa cao sản của tỉnh Kiên Giang, một trong những tỉnh có sản lượng lương thực cao nhất cả nước.Những minh chứng tươi rói!Tân Hiệp liên tục bồi đắp những giá trị đầy sức sống vào phong trào hợp tác hóa của cả nước. Năm 1985 tại kênh 4A thuộc xã Tân Hiệp...
![]() |
Nhắc đến phong trào hợp tác hóa tại Tây Nam Bộ là buộc phải nhắc đến huyện Tân Hiệp bởi 90% số hợp tác xã hoạt động có lãi; giá trị sản xuất lúa hai vụ/năm bình quân toàn huyện đạt hơn 75 triệu đồng/ha/năm, vượt qua ngưỡng cánh đồng 50 triệu đồng từ năm 2005; sản lượng lương thực hằng năm đạt nửa triệu tấn, chiếm một phần năm sản lượng lúa cao sản của tỉnh Kiên Giang, một trong những tỉnh có sản lượng lương thực cao nhất cả nước.
Những minh chứng tươi rói!
Tân Hiệp liên tục bồi đắp những giá trị đầy sức sống vào phong trào hợp tác hóa của cả nước. Năm 1985 tại kênh 4A thuộc xã Tân Hiệp A, Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) 4A đầu tiên của huyện được thành lập. Từ hiệu quả hoạt động của HTX NN kênh 4A hơn hẳn so với làm ăn cá thể, nổi trội về lịch thời vụ, bơm tưới nước đồng loạt, là điểm trình diễn kỹ thuật canh tác tổng hợp và áp dụng khoa học – kỹ thuật vào đồng ruộng… đã kích thích nông dân Tân Hiệp đi vào làm ăn tập thể, tự nguyện thành lập HTX NN. Trước khi có Luật Hợp tác xã (năm 1996), 11 xã và thị trấn của huyện có 15 HTX NN. Đến năm 2001, toàn huyện phát triển mới thêm 19 HTX NN. Hiện nay toàn huyện có 55 HTX NN và 15 Tổ dịch vụ – kỹ thuật nông nghiệp trong HTX NN, với gần 18 nghìn hộ xã viên, chiếm 67% số hộ sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Đáng chú ý, toàn huyện có 28 HTX NN quy mô toàn ấp và 27 HTX NN quy mô khu vực theo các đội, tổ hợp tác. Tổ chức bộ máy của HTX NN được tinh giản, gọn nhẹ, phù hợp với quy mô của từng HTX, lấy hiệu quả làm chính. Ban Chủ nhiệm của mỗi HTX NN từ hai đến ba người, Ban Kiểm soát từ một đến ba người, mà công việc cứ vậy thông suốt. So với cách làm việc nặng về công điểm của mô hình HTX NN kiểu cũ (lấy mốc năm 1997 các HTX NN chuyển đổi, đăng ký hoạt động kinh doanh theo Luật Hợp tác xã) thì nội dung hoạt động của các HTX NN đã có nhiều đổi mới, hướng vào quản lý các khâu công việc chính như: Xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức lịch thời vụ, cơ cấu mùa vụ; quản lý các dịch vụ bơm tưới, tín dụng và cung ứng vật tư nông nghiệp; tổ chức việc ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; phối hợp chính quyền, đoàn thể địa phương vận động xã viên tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự địa phương, phát triển các công trình phúc lợi và phát triển cộng đồng bằng hình thức xã hội hóa.
Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp huyện Tân Hiệp đầy vẻ phong trần và năng nổ, nách cắp cặp đủ mọi hồ sơ, hợp đồng, tài liệu kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, da sạm đen, cưỡi xe máy suốt ngày hết tuyến kênh này đến đầu bờ kia để đôn đốc lịch thời vụ, kiểm tra khâu bơm tưới, rồi cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu cho xã viên. Anh Nguyễn Văn Việt, Chủ nhiệm HTX NN kênh 3A cho chúng tôi xem chục tấm ảnh chụp hệ thống cống, mương, kênh, lộ giao thông nông thôn ấp 3A, rồi bảo: HTX NN kênh 3A được nguồn vốn ODA của Nhật Bản viện trợ làm dự án kiên cố hóa cống, máng, đập, mương trên địa bàn HTX. Vậy là sáp vô làm dự án, phải minh chứng từ thực tế đến hình ảnh. Cứ vừa làm, vừa tranh thủ sự tư vấn, hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp huyện. Ban Chủ nhiệm HTX nỗ lực tối đa để tranh thủ cơ hội đầu tư này!. Anh Nguyễn Minh Hải, Chủ nhiệm HTX NN kênh 4A hồ hởi: “Bảo đảm là tôi đưa anh tới nhà bà con nào là nhà đó cơm nước đãi anh mệt nghỉ. Thấy vậy chớ Ban Chủ nhiệm HTX uy tín lắm!”. Tôi hỏi:
– Suốt ngày làm việc công như vậy, thu nhập của Ban Chủ nhiệm HTX có khá không?.
Anh Hải cười:
– Chủ yếu là phí bồi dưỡng thôi anh. Thu nhập từ đồng ruộng nhà mình là chính. Nhưng vui lắm, nhất là bà con tín nhiệm bầu mình vô Ban Chủ nhiệm, cái chung mà thắng lợi thì cũng có mảnh ruộng của gia đình trong đó, bởi vậy phải làm việc hết mình!”.
Đồng chí Trần Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp cho biết, nhằm giải phóng tối đa sức sản xuất của đồng đất Tân Hiệp, công tác chuyển giao ứng dụng khoa học – kỹ thuật – công nghệ theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn được xác định là khâu then chốt trong quá trình phát triển. Công tác thủy lợi nội đồng được xác định là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu mùa vụ-cây trồng-vật nuôi, đồng thời là khâu quan trọng để đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Thủy lợi gắn với giao thông và kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng “chung sống với lũ”, hệ thống đê bao cao hơn đỉnh lũ năm 2000. Hợp tác xã được xác định là địa bàn trọng điểm để thực hiện chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật-công nghệ vào sản xuất. Hơn 70% số xã viên HTX NN được tập huấn nâng cao kiến thức, tay nghề và áp dụng các quy trình canh tác tổng hợp trên cây lúa, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, gắn với công tác an toàn dịch bệnh. Một khi cây lúa cao sản được xác định là cây trồng chủ lực cho thu nhập chính, hầu hết các HTX NN đều sản xuất lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, lãi sản xuất hàng năm từ 40 đến 45% (làm ăn cá thể lãi từ 30 đến 35%). Tính toán cụ thể thì việc tiết giảm chi phí sản xuất thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật từ 300 đến 500 nghìn đồng/ha/vụ, làm tăng lợi nhuận mỗi năm cho xã viên các HTX NN toàn huyện Tân Hiệp từ 15 đến 20 tỷ đồng. Hiện nay, có trên 60% số diện tích sản xuất của các HTX NN được bơm tưới bằng điện và cống máng bơm tưới được bê – tông hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên, tiết giảm chi phí từ 120 đến 150 kg lúa/ha/vụ, làm tăng lợi nhuận cho xã viên toàn huyện từ năm đến sáu nghìn tấn lúa/năm, tương đương từ tám đến 12 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, để sản xuất lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu, trong thời buổi cạnh tranh và hội nhập kinh tế thế giới, buộc các hộ nông dân phải liên kết, hợp tác trong sản xuất nhằm áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học-kỹ thuật và giảm giá thành sản xuất.
Bung ra làm dịch vụ là một điểm nhấn tại huyện Tân Hiệp. Dịch vụ bơm tưới lúa cao sản đang được nhân rộng tại vùng nông thôn, hình thức có thể do Ban quản trị HTX NN trực tiếp quản lý, có thể do Ban quản lý đội sản xuất quản lý. Theo tính toán, bơm tưới bằng trạm bơm điện giảm 60% chi phí so sử dụng nhiên liệu dầu. Đa số các HTX NN trên địa bàn đều có trạm bơm điện. Tại các HTX NN chưa có trạm bơm điện, việc đồng loạt bơm tưới bằng máy dầu vẫn hạ chi phí từ 20 đến 30% so làm ăn cá thể. Hiện nay, 100% số HTX NN tại huyện Tân Hiệp là đầu mối liên kết các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Đông Á cho xã viên vay vốn sản xuất. Riêng dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp có sáu HTX NN thực hiện. Điểm mới tại Tân Hiệp là xuất hiện ba HTX dịch vụ nông nghiệp của đoàn viên, thanh niên. Mục đích chính là giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, công việc chủ yếu là làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, kể cả dịch vụ may mặc đồng phục cho học sinh vùng nông thôn. Trong 5 năm qua, Tân Hiệp thí điểm ba nghìn ha thu mua lúa cao hơn 3% so giá thị trường trong cùng thời điểm và khi chuyên chở lúa đến kho chứa thì được doanh nghiệp trả thêm từ 100 đến 150 đồng/kg thóc.
Hợp tác hóa là con đường ngắn nhất để thực hiện Tam nông
Phong trào hợp tác hóa, với HTX NN là đầu tàu kéo theo sự phát triển kinh tế-xã hội nông thôn huyện Tân Hiệp. Trong 5 năm qua, tăng trưởng kinh tế nông nghiệp huyện Tân Hiệp đạt hơn 15%, thu nhập bình quân đầu người 1.289 USD/năm (năm 2000 là 4.850.000 đồng/người/năm), tỷ lệ hộ nghèo còn 4,94% (trong khu vực HTX NN là 3%). Lương thực bình quân đầu người trong khu vực HTX NN là 3.627 kg, khu vực làm ăn cá thể là 3.020 kg. Tổng sản lượng lương thực cả năm của huyện Tân Hiệp đạt 510 nghìn tấn thóc, chiếm một phần năm tổng sản lượng lúa toàn tỉnh Kiên Giang. Năng suất lúa bình quân cả năm toàn huyện đạt hơn 14 tấn/ha, lãi sản xuất hơn 55%, giá trị sản xuất đất ruộng đạt 60-70 triệu đồng/ha/năm. Nếu tính giá 5.000-6.000 đồng/kg lúa thì khu vực HTX NN lãi 60%, khu vực làm ăn cá thể lãi 40-50% do chi phí sản xuất cao so với làm ăn tập thể. Với giá lúa hiện nay 7.000 đồng/kg thì Tân Hiệp đạt cánh đồng 80 triệu đồng/ha. Tân Hiệp phấn đấu đến năm 2015 đạt cánh đồng 100 triệu đồng/ha/năm và lãi hơn 60%.
Kỹ sư Lê Văn Tuyền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, Tân Hiệp là huyện duy nhất trong tỉnh Kiên Giang được Tỉnh ủy và UBND chọn xây dựng huyện nông thôn mới. Hiện nay, Tân Hiệp đang đẩy mạnh công nghệ sinh học và công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh việc xây dựng kho tạm trữ gạo, đồng thời phối hợp với các nhà khoa học xây dựng thương hiệu lúa gạo Tân Hiệp. Tại 12/55 HTX NN của huyện Tân Hiệp, nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, HTX đóng vai trò hướng dẫn, chỉ đạo lịch thời vụ, đồng thời thành lập tổ dịch vụ nông nghiệp đảm trách khâu đi thu gom lúa để chuyên chở ra kho chứa, đỡ mất thời gian và chi phí của từng hộ xã viên. Cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từ năm 2009, UBND huyện Tân Hiệp thành lập Trung tâm tư vấn kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp Tân Hiệp, với chức năng tiếp dân trên lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, làm đầu mối tiêu thụ nông sản, là đầu mối giúp các HTX NN thực hiện cánh đồng mẫu, cánh đồng công nghiệp hóa. Trung tâm tư vấn kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp Tân Hiệp là “cái nôi” tiếp nhận thanh niên tốt nghiệp đại học các chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế, công nghệ thông tin về làm việc, áp dụng những điều đã học được vào thực tế đồng ruộng. Các sinh viên được tiếp nhận về trung tâm này với mức lương khởi điểm tương đương với ngạch công chức Nhà nước, thưởng theo doanh thu của trung tâm và được chú ý xem xét phát triển đảng viên. Đây là nguồn nhân lực để cung cấp cho địa phương vào các chức danh chủ chốt ở cấp xã.
Tân Hiệp là hình ảnh một vùng nông thôn mới, trù phú, văn minh và trật tự, an ninh. Trong 5 năm qua, Tân Hiệp đã tập trung huy động bằng nhiều nguồn vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn. Tại địa bàn chi chít kênh, rạch như Tân Hiệp mà hiện nay có đến 80% đường giao thông đi lại quanh năm bằng xe hai bánh, hơn 70% là đường bê-tông, 98% số hộ sử dụng điện sinh hoạt, hầu hết các phòng học được xây dựng kiên cố – bán kiên cố, nhà ở kiên cố – bán kiên cố đạt hơn 80% (khu vực HTX NN đạt hơn 90%), 95% số hộ sử dụng nước sạch. Những năm qua, Tân Hiệp xây dựng hơn 600 căn nhà tình nghĩa và hơn 500 căn nhà đại đoàn kết. Các HTX NN đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, giảm nghèo, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Nhiều HTX có lợi nhuận cao đã đóng góp xây dựng nhiều công trình phúc lợi tại địa phương. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Đảng bộ và chính quyền địa phương chú trọng, nhờ vậy tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật tăng nhanh từ 30% vào năm 2007 lên 70% vào năm 2010. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, lao động khu vực nông nghiệp giảm từ 82% xuống còn 65% vào năm 2010. Nhiều xã thực hiện khá tốt việc vận động người dân tham gia đóng góp tiền, ngày công, hiến đất làm giao thông, trường học… Vận dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Tân Hiệp A đã bê-tông hóa được 47,1 km/66,2 km đạt 71,15% (quy cách rộng 2,5m, dày 0,1m) với tổng kinh phí 21,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 15,2 tỷ đồng. Ngoài ra, chính quyền xã còn vận động nhân dân đầu tư xây dựng hệ thống đèn đường tuyến kênh 3A và 5A với tổng giá trị là 280 triệu đồng. Có thể nói, việc HTX NN phối hợp chính quyền, đoàn thể địa phương xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, gắn với xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự địa phương và phát triển các công trình phúc lợi mang tính cộng đồng là nét đặc thù của Tân Hiệp.
Thực tế tại Tân Hiệp cho thấy phong trào hợp tác là con đường ngắn nhất, bền vững nhất để hiện thực hóa chủ trương phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhằm xây dựng một huyện nông thôn mới.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()