Nhìn thẳng - Nói thật: "Sống mòn" vì quy hoạch treo
Câu chuyện quy hoạch treo kéo dài dai dẳng nhiều năm ở nhiều nơi tốn bao giấy mực của công luận, tạo ra nhiều cuộc tranh luận, phát ngôn nóng bỏng trên nhiều nghị trường từ Trung ương đến địa phương, thậm chí lấy cả mồ hôi, nước mắt của những người dân có hàng chục năm phải sống trên mảnh đất có quy hoạch treo, dự án treo, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Nói về quy hoạch treo khiến người dân khổ sở, từ cán bộ lãnh đạo cao cấp, đại biểu Quốc hội đến các chuyên gia (dù không phải chuyên sâu về ngôn ngữ) đã có những phát ngôn “đắt giá” mà những ai nặng lòng thương dân đều cảm thấy nhói lòng.
Chứng kiến cảnh người dân hàng chục năm sống gian truân, vất vả trong sự trông mong, chờ đợi mòn mỏi vì quy hoạch treo, một đại biểu Quốc hội từng lên tiếng đừng bắt người dân phải “sống mòn” nữa, vì sức chịu đựng của bà con có hạn. “Sống mòn” là tên một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, có hàm ý thông điệp là cuộc sống vô nghĩa, đáng từ bỏ, vì sống không bằng chết, chết ngay trong từng giây phút đang sống. Không ai muốn cuộc sống như vậy, nhưng điều kiện khách quan khiến họ rơi vào tình cảnh “sống mòn”.
Một đại biểu Quốc hội khác cũng trăn trở: Bao nhiêu năm “treo quy hoạch” là bấy nhiêu năm “treo cuộc sống” của người dân. Tức là để cho cuộc sống của bà con cứ lửng lơ, lơ lửng bởi những cái quyết định quy hoạch vô cảm trên trang giấy hay chỉ là những tấm bảng công khai “quy hoạch sử dụng đất đai” đã trơ gan cùng tuế nguyệt! Bởi cuộc sống bị treo cùng quy hoạch treo nên bà con cũng long đong, lận đận như cảnh thuyền chài lênh đênh trên sông nước mà không tìm thấy chỗ neo đậu để được nương thân yên lành.
Mới đây, trong cuộc tiếp xúc cử tri ở một huyện ngoại thành, vị lãnh đạo cao nhất cơ quan dân cử của một thành phố phía Nam đã thốt lên rằng, đâu chỉ người nông dân mà chính người thân của cán bộ này cũng rất thấm thía cái cảnh “trần ai khoai củ” vì những quy hoạch treo tồn tại dai dẳng từ năm này qua năm khác mà đến nay vẫn "án binh bất động”.
Một trong những vất vả, gian truân, cơ cực, khổ sở của đời người là nỗi trần ai. Thoát khỏi vòng trần ai là mong mỏi chính đáng, khát vọng mãnh liệt và nhu cầu thiết thân của tất cả những ai không may rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã, số phận trớ trêu ấy.
Ốm đau, bệnh tật, đói nghèo, mồ côi, thất tình, sa cơ lỡ vận đến mức trắng tay... đều là những biểu hiện của nỗi trần ai mà ai cũng rất muốn tránh xa, nhưng tạo hóa có khi mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người này lại dồn đẩy nỗi buồn, đắng cay cho người khác.
Tuy vậy, có những thứ đáng ra con người không đến mức rơi vào hoàn cảnh trần ai, nhưng sự lạnh lùng, vô cảm của những cái quyết định văn bản hành chính kéo dài hàng thập kỷ khiến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người dân ở nhiều nơi phải vật lộn trong cuộc sống. Mà đâu chỉ là nỗi trần ai thông thường, nó là “trần ai khoai củ”, tức là nỗi trần ai này bị bỏ rơi lăn lóc như củ khoai, củ sắn, không được quan tâm để ý; hay cũng có thể hiểu nỗi trần ai này chủ yếu liên quan đến bà con nông dân-những người suốt đời tảo tần, lam lũ nay lại càng thêm lam lũ vì những quy hoạch treo bao năm qua như cái dây thòng lọng treo vào số phận, tương lai của họ cùng gia đình.
Xin đừng đơn giản nghĩ rằng lời nói gió bay. Những từ như “sống mòn”, “treo cuộc sống”, “trần ai khoai củ” được cất lên từ những tiếng nói trách nhiệm với dân, với nước, cũng không ngoài mục đích phát đi sự cảnh báo nghiêm khắc về hệ lụy ghê gớm mà những quy hoạch treo lâu năm đã dồn đẩy bao khó khăn vào một bộ phận người dân trong xã hội. Đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta phải có biện pháp hữu hiệu, khả thi nhằm cắt phăng cái sự treo của các quy hoạch đất đai để người dân sớm thoát cảnh gian truân, khổ sở.
Ý kiến ()