Nhìn nhận đúng thực trạng chất lượng đào tạo
|
Điều đó đặt ra yêu cầu các cơ sở đào tạo nói riêng, ngành GD và ĐT nước ta nói chung cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Những “lỗ hổng”trong đào tạo
Quy hoạch Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, xác định nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước, đến năm 2015 có quy mô khoảng 30,5 triệu người (năm 2020 khoảng 44 triệu người) qua đào tạo. Nếu tính theo cơ cấu bậc đào tạo, số nhân lực ở bậc sơ cấp nghề khoảng 18 triệu người, bậc trung cấp khoảng bảy triệu người, bậc cao đẳng gần hai triệu người, bậc đại học 3,3 triệu người và bậc trên đại học khoảng 200 nghìn người; bảo đảm yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hệ thống GD và ĐT của nước ta đến nay chưa có một phương pháp khoa học và ổn định trong đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng cho CNH, HĐH đất nước. Trong hệ thống giáo dục đại học, một số trường ĐH, CĐ chưa thực hiện đúng các cam kết khi thành lập trường, tiến độ triển khai xây dựng và phát triển trường chậm, làm ảnh hưởng đến điều kiện bảo đảm chất lượng… Đến giữa năm 2010, cả nước vẫn còn 14 trường ĐH dù đã đi vào hoạt động nhưng không có khuôn viên riêng, vẫn phải đi thuê mặt bằng. Mặt khác, nhiều trường có mặt bằng nhưng khả năng quản lý lại hạn chế, mang nặng kiểu doanh nghiệp. Điển hình như Trường đại học Hà Hoa Tiên (Hà Nam), trước đây địa điểm xây dựng trường vốn được phê duyệt xây dựng khu công nghiệp, sau đó chủ đầu tư xin chuyển đổi sang xây dựng trường đại học. Mặc dù, diện tích khá rộng nhưng theo thừa nhận của Phó hiệu trưởng Văn Bá Thanh, sau bốn năm tuyển sinh, tình trạng thí sinh dự tuyển ngày càng ít. Việc tuyển sinh năm sau ít hơn năm trước chính là do cách quản lý của chủ đầu tư còn nặng theo kiểu doanh nghiệp hơn là trường học; địa điểm xây dựng trường không hợp lý, không đủ các điều kiện đáp ứng các nhu cầu của sinh viên; có sự khập khiễng giữa đầu tư cho con người với đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo và nhất là chất lượng đào tạo của trường còn nhiều hạn chế.
Không chỉ hạn chế ở những trường mới thành lập mà tư duy quản lý giáo dục ĐH cũng chậm đổi mới, chưa chuyển biến kịp với sự phát triển của nền kinh tế, tỷ lệ sinh viên phải đào tạo lại khi ra trường còn cao. TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD và ĐT) cho rằng: Số lượng nhân lực đào tạo ở các bậc hiện nay còn mất cân đối. Thống kê năm 2010 cho thấy, số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 3,6 triệu người, cao hơn số người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 2,2 triệu người. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ vào các ngành nghề chưa theo định hướng phát triển nhân lực đất nước, chưa phù hợp với đòi hỏi nhân lực của các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền. Vì vậy, việc quy hoạch, quản lý và mở ngành đào tạo hiện nay cần nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Cần tránh tình trạng các trường chạy đua theo thị hiếu thí sinh hơn là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội. “Nếu không kịp thời điều chỉnh, cán cân cung – cầu nguồn nhân lực ngày càng mất cân đối, hệ lụy đến sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội là tất yếu” – ông Sơn khẳng định. Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận, một số ngành, trường không tuyển được sinh viên không phải do thí sinh không chuộng mà do chất lượng kém. Kết quả kiểm tra một số trường cho thấy, có trường dù đào tạo đến bảy, tám ngành nhưng chỉ có 50 giảng viên, chưa bằng số giáo viên của một trường trung học phổ thông. Có môn chỉ có một giảng viên cơ hữu. Có trường diện tích phòng học trung bình chỉ 0,9m2/sinh viên. Mặt khác, việc giao chỉ tiêu cho các trường ĐH, CĐ chưa chính xác, giao chỉ tiêu rất nhanh, đột biến, cho cả những ngành mà trường không có nhu cầu tuyển.
Đáng chú ý, trong đào tạo vẫn còn những “rào cản vô hình” khi nhiều trường chưa đáp ứng được các điều kiện theo quy định nhưng vì xin được mở một ngành theo cơ chế “xin – cho” cho nên phải tính chuyện “xin một thể” cả những ngành “khó xơi” để dự phòng. Trong khi đó, số chỉ tiêu chính quy các trường không tuyển sinh đủ, sau một quá trình “xin – cho” lại được Bộ GD và ĐT chuyển đổi sang chỉ tiêu đào tạo liên thông, liên kết. Đây sẽ là những kẽ hở cho vấn đề tiêu cực có thể nảy sinh.
Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội
Nhu cầu nhân lực qua đào tạo rất lớn nhưng nhiều trường ĐH, CĐ không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, thậm chí phải đóng cửa ngành cho thấy những đòi hỏi của xã hội về chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao. Mặt khác, nhận thức của người học đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng: ở đâu có môi trường học tập, chất lượng đào tạo cũng như sinh viên ra trường có trình độ năng lực tốt thì ở đó có nhiều người vào học. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết trong đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT nói chung, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói riêng. Đổi mới giáo dục ĐH cần bảo đảm tính thực tiễn, hiệu quả và đồng bộ. Việc mở rộng quy mô phải đi đôi với nâng cao chất lượng, thực hiện công bằng xã hội đi đôi với bảo đảm hiệu quả đào tạo. Theo TS Phạm Văn Sơn: Đã đến lúc phải nhìn vào thực tế công tác tuyển sinh, đào tạo trong những năm qua để thật sự đổi mới phương pháp đào tạo và sử dụng nhân lực. Việc quy hoạch, quản lý và mở ngành đào tạo hiện nay cần phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Tránh tình trạng các trường chạy đua theo thị hiếu thí sinh hơn là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội. Các cơ sở đào tạo cần căn cứ vào nhu cầu xã hội, tăng cường liên kết với cơ sở sử dụng nhân lực. Trong khi đó, GS,TSKH Vũ Ngọc Hải (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) nhận định: Chỉ có thể không chạy theo thành tích, số lượng để mở rộng quy mô đơn thuần mới phát triển nhanh và bền vững. Ngành GD và ĐT cần đổi mới nội dung đào tạo, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nghề nghiệp trong xã hội, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của từng ngành, từng lĩnh vực, tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới. Phát triển tiềm năng nghiên cứu sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực hoạt động trong cộng đồng và khả năng lập nghiệp của người học.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 sẽ tạo tiền đề quan trọng cho việc đổi mới tuyển sinh và đào tạo nhân lực. Từ chỗ, chưa xác định được nhu cầu xã hội để đào tạo thì đến nay trên cơ sở quy hoạch, ngành GD và ĐT chuyển sang đào tạo theo dự báo cụ thể nhu cầu nhân lực của từng ngành, vùng, miền, địa phương. Vì vậy, Bộ GD và ĐT cần đưa ra giải pháp, các quy định phù hợp vấn đề quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia gắn với tuyển sinh của các trường. Tạo cơ chế để các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh gắn với tự chịu trách nhiệm và thực hiện tốt việc đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội, phù hợp với những định hướng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Theo chúng tôi, việc phát triển mạng lưới các trường ĐH, CĐ cần dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, bộ, ngành và vùng, miền. Ngành GD và ĐT cần xây dựng kế hoạch đẩy mạnh việc đào tạo theo nhu cầu xã hội cấp quốc gia, tại mỗi địa phương và mỗi cơ sở đào tạo. Mặt khác, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nhân lực với việc đào tạo nhằm bảo đảm sự phát triển cân đối, hài hòa về số lượng, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong từng thời kỳ nhất định. Trong quá trình đào tạo, việc thực hiện quy chế thi, tuyển sinh cũng như các quy định pháp luật về đào tạo cần được triển khai thật sự nghiêm túc từ Bộ GD và ĐT đến các cơ sở đào tạo. Bộ cần kiểm tra, xem xét, xử lý và công bố công khai những sai phạm của các trường, nhất là các trường sau ba năm thành lập vẫn không bảo đảm các điều kiện đào tạo; các trường ĐH, CĐ vì mục tiêu lợi ích và thành tích mà tự ý “xé rào” trong đào tạo; tránh tình trạng xuê xoa, không kiểm soát được chất lượng đào tạo.
Ý kiến ()