Nhìn lại tuần đầu làm việc của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành nhiều nội dung quan trọng để lại dấu ấn không chỉ với Quốc hội, đại biểu Quốc hội mà còn với cử tri, nhân dân cả nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức. |
Quốc hội bầu Chủ tịch nước
Ngay ngày đầu kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước. Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín và biểu quyết thông Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Theo đó, 99,79% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2020.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện nghi thức tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước, tôi, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Phát biểu nhậm chức sau lễ tuyên thệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khẳng định đây là một vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ như tôi vừa tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước.
Ngoài ra, về công tác nhân sự tại kỳ họp, cũng trong tuần làm việc đầu tiên, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng.
Lần đầu tiên yêu cầu Chính phủ báo cáo giữa kỳ về KT-XH, NSNN
Như thông lệ các phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020); Báo cáo về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 và Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.
Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nếu như trước đây, Quốc hội thực hiện đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và theo giai đoạn 5 năm, tức 5 năm mới đánh giá 1 lần thì tại kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội vẫn yêu cầu Chính phủ báo cáo giữa kỳ nhằm xem xét, tìm ra vướng mắc để giải quyết, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đề ra trong giai đoạn 2016-2020.
Lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh
Một trong những nội dung quan trọng khác mà Quốc hội triển khai ngay trong tuần đầu tiên của kỳ họp là việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau khi biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bao gồm: Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Hai chức danh vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa được bổ nhiệm tại Kỳ họp này nên chưa đủ thời gian công tác theo quy định để lấy phiếu tín nhiệm.
Sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết công nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Phát biểu sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Quốc hội đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai đúng nội dung, quy trình thủ tục theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội.
Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Trao đổi bên lề kỳ họp, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho biết các đại biểu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với tinh thần thẳng thắn, khách quan và công tâm nhất; đánh giá các thành viên được lấy phiếu tín nhiệm dựa trên cơ sở các hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay về những vấn đề được cử tri quan tâm, được Quốc hội xem xét đã được hồi đáp ra sao, đã làm được gì và chưa làm được gì… Ngoài ra, đó còn là một kênh thông tin giúp các đại biểu đánh giá được mức độ tín nhiệm qua ý kiến của đông đảo các cử tri trên cả nước.
Hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm đó chính là khẳng định được uy tín và nỗ lực hoàn thành tốt công việc của những đại biểu được tín nhiệm. Còn những đại biểu có tín nhiệm thấp sẽ phải có những chương trình hành động cụ thể khắc phục được điểm bất cập, hạn chế của mình trong trong các lĩnh vực phụ trách. Lấy phiếu tín nhiệm lần này để các cá nhân phải nỗ lực nhiều hơn trong công tác đề ra những hoạch định chính sách để khắc phục những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực điều hành của mình.
Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ
Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội đã dành 2 ngày để thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội. Trong 2 ngày thảo luận tại hội trường đã có 88 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 3 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và 5 thành viên khác của Chính phủ là Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và phát triền nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng, những nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp, tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và ghi nhận các kết quả đạt được trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách dân tộc miền núi trong 3 năm qua.
Các đại biểu Quốc hội ghi nhận các kết quả tích cực như tăng trưởng kinh tế đạt và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra trong 3 năm qua, bình quân 3 năm đạt 6,57% (cao hơn giai đoạn trước chỉ là 5,91%), riêng năm 2018 dự kiến đạt 6,7%, song cũng có khả năng phấn đấu cao hơn mức này; quy mô nền kinh tế tăng lên 1,33 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người đạt 2.540 USD/người/năm.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ nhiều băn khoăn, lo lắng về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc; năng suất lao động xã hội còn thấp so với các nước trong khu vực, quá trình cổ phần hóa còn chậm; về tính bền vững khi nguồn lực tăng trưởng phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, rác thải; trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân
Các đại biểu Quốc hội thống nhất các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội những tháng còn lại của năm 2018, kế hoạch năm 2019-2020 như báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bám sát Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; không thay đổi các mục tiêu Quốc hội đặt ra cho 5 năm và phấn đấu thực hiện ở mức độ cao hơn, hiệu quả hơn./.
Ý kiến ()