Nhìn lại tiến trình hòa bình ở Colombia
Sau hơn 5 thập kỷ chiến tranh, hơn 4 năm đàm phán và 2 lần ký kết thỏa thuận hòa bình, giờ đây, người dân Colombia có thể bắt đầu một cuộc sống mới với một tâm thế mới – tâm thế của những người sống trong hòa bình.
Kể từ năm 2012 cho tới nay, qua rất nhiều vòng đàm phán, Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đã thảo luận tập trung vào các điểm quan trọng như: giao đất cho nông dân nghèo, cho phép FARC trở thành một chính đảng, đấu tranh chống buôn bán ma túy, rà phá bom mìn, tìm kiếm người mất tích và cơ chế xét xử đặc biệt cho các đối tượng tham chiến của hai bên. Và năm 2016 có thể được coi là một bước ngoặt trong lịch sử Colombia khi tiến trình hòa bình tại nước này đi đến kết quả như mong đợi.
Quốc hội Colombia đã phê chuẩn thỏa thuận hòa bình sửa đổi, chấm dứt hơn 50 năm chiến tranh (Ảnh: AFP)
Ngày 30/11/2016, Quốc hội Colombia đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận hòa bình sửa đổi giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC). Bản thỏa thuận hòa bình sửa đổi dày 310 trang đã được Hạ viện Colombia thông qua ngày 30/11 với tỷ lệ 130 phiếu thuận và 0 phiếu chống. Việc thông qua này được thực hiện một ngày sau khi Thượng viện Colombia thông qua với tỷ lệ 75 phiếu thuận và 0 phiếu chống vào ngày 29/11.
Trước đó, vào ngày 24/11, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono đã ký kết thỏa thuận hòa bình sửa đổi sau khi thỏa thuận hòa bình đầu tiên (ký ngày 26/9) bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2/10. Tuy nhiên tỷ lệ cử tri tham gia thấp, chỉ 37%, được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới kết quả đầy bất ngờ này. Không giống như lần trước, thỏa thuận hòa bình sửa đổi sẽ không được mang ra để trưng cầu dân ý mà sẽ được trình lên để Quốc hội thông qua.
Theo thỏa thuận, Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia sẽ trở thành một đảng phái chính trị và nhận 10 ghế không qua bầu cử tại Quốc hội Colombia cho đến năm 2026. Sau khi thỏa thuận được ký kết, các tay súng FARC sẽ bắt đầu rời khỏi căn cứ đóng quân tại vùng rừng núi Colombia và chuyển vào các trại giải trừ quân bị của Liên hợp quốc hiện đang giúp giám sát lệnh ngừng bắn tại quốc gia này.
Với việc thỏa thuận hòa bình sửa đổi được thông qua, người dân Colombia cũng như cộng đồng quốc tế đều kỳ vọng, một chương mới trong lịch sử Colombia sẽ được bắt đầu với nền hòa bình và ổn định lâu dài, khép lại chương của hơn 5 thập kỷ nội chiến đẫm máu, với khoảng 260.000 người thiệt mạng, 60.000 người mất tích và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Giải Nobel vì những nỗ lực cho nền hòa bình
Người có đóng góp rất lớn vào tiến trình hòa bình ở Colombia, không ai khác chính là Tổng thống nước này – ông Juan Manuel Santos. Và Giải thưởng Nobel Hòa bình 2016 đã được trao cho nhà lãnh đạo cấp cao của Colombia vì “những nỗ lực bền bỉ” của ông nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 5 thập kỷ tại quốc gia Nam Mỹ này.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Juan Manuel Santos chính là người đã khởi xướng các cuộc đàm phán mở đường cho thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa chính phủ Colombia và FARC. Từ đó ông đã kiên trì thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Colombia.
Theo tuyên bố của Ủy ban Nobel Na Uy, ông Juan Manuel Santos đã “mang cuộc xung đột đẫm máu đến gần hơn đáng kể với một giải pháp hòa bình”, đồng thời cho rằng giải thưởng này cũng nên được xem như là một tặng phẩm cho người dân Colombia đã bất chấp khó khăn để duy trì hy vọng về một nền hòa bình, cũng như cho tất cả các bên đã đóng góp cho tiến trình hòa bình ở Colombia.
Với việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay cho Tổng thống Juan Manuel Santos, Ủy ban Nobel Na Uy hy vọng sẽ khuyến khích tất cả những người phấn đấu vì hòa bình, hòa giải và công lý ở Colombia.
Bản thân Tổng thống Santos cũng khẳng định rằng ông sẽ tiếp tục các nỗ lực vì hòa bình tới ngày cuối cùng ông tại vị. Ủy ban Nobel Na Uy hy vọng giải thưởng Nobel Hòa bình sẽ tiếp thêm sức mạnh để ông hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này.
Tổng thống Santos là người Mỹ Latinh đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình kể từ khi nhà hoạt động cho quyền của người dân bản địa Rigoberta Menchu của Guatemala nhận giải thưởng này vào năm 1992. Ông Santos cũng là người Colombia thứ hai giành được một giải thưởng trong hệ thống giải Nobel, sau khi nhà văn Gabriel Garcia Marquez đoạt giải Nobel Văn học năm 1982.
Lịch sử bước sang trang mới
Trang sử của những đau thương, mất mát trải dài suốt 52 năm nội chiến đã khép lại, giờ đây, lịch sử của đất nước Colombia đang lật sang một trang mới với khí thế, tinh thần mới. Giấc mơ hòa bình đã hiện hữu ngay trước mắt họ và những gì họ cần làm lúc này là sửa soạn cho một cuộc sống mới bình yên và hạnh phúc.
Đại diện Chính phủ Colombia và FARC bắt tay nhau sau khi hai bên đạt được đồng thuận về thỏa thuận hòa bình (Ảnh: Reuters)
Tuy vậy, Colombia cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết và thông qua, đặc biệt là việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn song phương giữa hai bên và giải giáp vũ khí cho FARC.
Mới đây, Liên hợp quốc đã kêu gọi Chính phủ Colombia giám sát những khu vực mà FARC từng đồn trú, trước nguy cơ các băng nhóm tội phạm có thể chiếm đóng những vùng này để canh tác cây cocain và khai thác khoáng sản trái phép. Liên hợp quốc cũng cảnh báo tình trạng khoảng trống quyền lực ở những vùng nhóm vũ trang lớn nhất Colombia từng đồn trú.
Công tác đảm bảo hậu cần ở những khu vực nơi các tay súng FARC được tập trung để giải giáp vũ khí, thực thi thỏa thuận hòa bình đã được ký kết giữa Chính phủ Colombia và FARC cũng khiến Liên hợp quốc quan ngại. Cơ quan này cho rằng, tất cả các vùng tập trung đều không đủ điều kiện để tiếp nhận các tay súng bởi thiếu nước sạch, thực phẩm, dịch vụ y tế và điện sinh hoạt. Theo dự kiến, quá trình giao nộp vũ khí sẽ kéo dài trong vòng 150 tới 180 ngày và hiện các thành viên của tổ chức này đã bắt đầu di chuyển về các địa điểm được quy định.
Liên hợp quốc đề xuất chính phủ chỉ định một người phụ trách chương trình giải giáp vũ khí để điều phối giải quyết những khó khăn phát sinh để có thể triển khai hiệu quả nhất thỏa thuận hòa bình.
Vẫn còn bộn bề những việc cần làm để Colombia ổn định mọi mặt về chính trị, an ninh, xã hội,…. Nhưng với việc đạt được thỏa thuận hòa bình, khép lại hơn nửa thập kỷ nội chiến, người dân Colombia hoàn toàn có quyền tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn, một nền hòa bình ổn định và lâu dài cho đất nước./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()